Đại biểu Dương Minh Ánh chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về phương án tích hợp 5 môn, đó là phương pháp giảng dạy tích hợp giữa các môn và được biên soạn mới hay đó chỉ là phương án lồng ghép cơ học kiến thức của 5 môn thành hai cuốn sách giáo khoa. “Liệu phương án tích hợp này có giảm tải lượng kiến thức cho học sinh hay không hay lại tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh. Nếu là phương án tích hợp một thầy dạy 3 môn thì chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp đã được bộ triển khai như thế nào, chất lượng ra sao? Ngược lại, nếu là phương án 3 thầy dạy một môn tích hợp thì Bộ trưởng đã tính đến những bất cập khi triển khai tại các trường hay chưa? Ví dụ như bố trí giáo viên, việc vào điểm, cho điểm, ra đề, chấm bài. Cuối cùng, cử tri mong muốn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ban hành sách giáo khoa bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến hàng triệu giáo viên, học sinh và tương lai của đất nước” Đại biểu Minh Ánh chất vấn
Đại biểu Dương Minh Ánh chất vấn (Ảnh Quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời câu hỏi của Đại biểu Dương Minh Ánh như sau:
Trước hết, vấn đề dạy tích hợp. Bộ trưởng cho rằng Nghị quyết 29 của Văn phòng trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội và sau đó là Nghị quyết 404 của Chính phủ cũng đều yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông phải tích hợp cao ở các môn dưới và phân hóa dần ở các môn trên. Đây là xu hướng phù hợp với một số nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Tích hợp có nhiều mức, trong đó, mức tích hợp các kiến thức của các môn khoa học gần nhau và một môn thành môn tích hợp, đây là mức tích hợp cao nhất. Đối với tiểu học, số môn tích hợp tương đối nhiều nhưng đối với trung học cơ sở có hai môn tích hợp, đây là điểm mới. Tích hợp môn khoa học tự nhiên, môn thứ hai là lịch sử và địa lý.
Môn khoa học tự nhiên gồm có bốn chủ đề: Chất và sự biến đổi chất, thiên về kiến thức hóa học; năng lượng và sự biến đổi, thiên về kiến thức vật lý; vật sống thiên về kiến thức sinh học; trái đất và bầu trời thiên về kiến thức vật lý và một phần kiến thức sinh học. Cấu trúc này cũng tương tự như các môn khoa học tự nhiên của các nước trên thế giới.
Môn lịch sử và địa lý gồm có hai phân môn là lịch sử và địa lý, mỗi một phân môn cũng có một tính hệ thống tương đối phù hợp với đặc trưng của môn học mình. Bên cạnh đó, có rất nhiều kiến thức chung, do vậy cấu trúc thành 5 chủ đề và 5 chủ đề này bổ trợ cho nhau. Theo Nghị quyết 113 của Quốc hội, dù tích hợp nhưng vẫn giữ tên môn lịch sử, cấu trúc của chương trình này vẫn giữ tên của môn lịch sử. Đối với học sinh tiểu học học lên thì hai môn này không xa lạ nhưng đối với trung học cơ sở vấn đề đặt ra đối với giáo viên, cũng đã có tính toán.
Thứ nhất, môn tích hợp các cấu phần giáo viên chuyên sâu môn nào sẽ dạy môn đó và có sự phối hợp lẫn nhau. Thời gian để áp dụng chương trình trung học cơ sở theo lộ trình cuốn chiếu của Nghị quyết 51, còn khoảng 6 đến 7 năm nữa cho nên quỹ thời gian cũng đủ để bồi dưỡng cho các giáo viên này và đang tiến hành chương trình bồi dưỡng.
Tiếp theo, trong số giáo viên có điều kiện và nhu cầu có thể học thêm các chuyên đề, các học phần của các môn khác để dần từng bước tiến đến có thể dạy được hai môn. Đồng thời, cũng có giải pháp hướng tới đào tạo những giáo viên có thể dạy được cả ba môn trong một môn học ở những năm dài hơn, đây cũng là kinh nghiệm của các nước. Vì quỹ thời gian còn dài để chuẩn bị việc này và đây cũng là xu hướng của quốc tế.
Thiết kế như thế này, trước hết xét thấy về giảm tải, giảm tải không chỉ ở cấu trúc của môn học mà giảm tải còn phụ thuộc vào cấu trúc của chương trình và đổi mới phương pháp. Đây cũng là một trong những yếu tố để có thể giảm tải được khối lượng kiến thức cũng như những áp lực hiện nay của học sinh. Cũng đã tính đến các phương pháp để triển khai theo hướng này, cho rằng phương pháp này có tính khả thi cao.