Tại phiên thảo luận về ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã tham gia ý kiến về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn tài chính quốc gia giai đoạn 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020. Đại biểu nhất trí với đánh giá về kết quả đã đạt được của kế hoạch đầu tư công năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đó là: Quy mô đầu tư đã có tích cực hơn, phù hợp với mục tiêu của Đảng, Nhà nước, hiệu quả đầu tư đã bước đầu tăng lên, giải ngân vốn đầu tư đã có cải thiện, từng bước khắc phục được các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao hoặc kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc. Nét nổi bật thấy rõ là tập trung hơn khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải trước đây và sử dụng vốn có hiệu quả hơn. Để phát huy kết quả đã đạt được và hoàn thành tốt kế hoạch của cả giai đoạn trong các đề xuất đã nêu, đại biểu quan tâm đến sử dụng nguồn vốn dự phòng. Trong những năm qua, không chỉ còn khó khăn trong cân đối ngân sách nhà nước mà bối cảnh kinh tế thế giới cũng có nhiều phức tạp hơn, hàng loạt động thái về chính sách của các quốc gia, các nền kinh tế lớn sẽ tạo áp lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cho an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh của nước ta.
Đại biểu Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu (Ảnh: Hoài Thương)
Trong bối cảnh như vậy, để phát triển bền vững và thực hiện tốt kế khoạch đã đề ra, việc cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng chung, nhưng vấn đề cần trao đổi là nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên như thế nào? Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về 6 nhóm ưu tiên, đây là những yêu cầu đúng và cần nhưng nên xem xét lại thứ tự ưu tiên. Trước hết, Chính phủ cần ưu tiên cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục thiên tai, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển. Đây là vấn đề toàn cầu diễn ra trong phạm vi cả nước. Không chỉ tác động đến yêu cầu bền vững trong sự phát triển mà còn trực tiếp đến đời sống nhân dân. Trong thời gian gần đây, những vụ tai nạn đau lòng, lũ quét, sạt lở, mưa bão xảy ra tại các vùng ở miền Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long được giới truyền thông làm khơi dạy tâm thức thiện nguyện của đồng bào trong cả nước và nước ngoài. Cử tri, nhân dân còn suy nghĩ về sự ưu tiên trong nghiên cứu, dự phòng trong quyết liệt, tập trung các dự án có liên quan trên địa bàn trên. Đề nghị nên ưu tiên đầu tiên trong phân bổ nguồn dự phòng cho những yêu cầu cấp bách ở trên. Từ đó, Chính phủ rà soát lại danh mục các dự án đầu tư công để xem xét điều chỉnh thích hợp.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đề nghị ưu tiên thứ hai bố trí 10.000 tỷ đồng từ nguồn còn lại dự án quốc gia chưa sử dụng trong mục tiêu này. Cần xem xét kỹ hơn để giải quyết vấn đề diễn ra trong cả nước đã đề cập từ lâu nhưng chưa có giải pháp đột phá, còn thiếu cơ sở khoa học. Do vậy, không nên khống chế, chỉ bố trí như đề xuất trên. Để quyết định được Quốc hội chỉ cần xem xét trên cơ sở Chính phủ bổ sung danh mục các dự án được bố trí nguồn vốn dự phòng. Từ thống nhất thứ tự ưu tiên, chưa xem xét phân bố khi chưa có danh mục đề xuất.