Trong phiên thảo luận về Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018; Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất cần phải thay đổi chế độ tiền lương theo thang bảng lương hiện nay sang chế độ trả lương theo vị trí việc làm và đẩy mạnh lộ trình giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong hai ngày thảo luận về kinh tế - xã hội chúng ta đã chỉ ra rằng thành công về kinh tế trong ba năm qua không chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng cao mà đáng mừng hơn chúng ta vừa thoát ra khỏi hai nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Nguy cơ thứ nhất, đó là khủng hoảng về trả nợ công khi ở cuối thời kỳ 2011 - 2015 tốc độ tăng nợ công gấp ba lần tốc độ tăng trưởng kinh tế và nợ công chạm kịch trần của giới hạn nợ công. Đồng thời, tỷ lệ trả nợ công đã vượt lên đến 27% so với tổng thu ngân sách, vượt quá ngưỡng an toàn 25%.

Nguy cơ thứ hai, chúng ta đã vượt qua nguy cơ khủng khoảng đe dọa hệ thống tín dụng khi tỷ lệ nợ xấu năm 2012 lên đến trên 17% và tốc độ tăng trưởng tín dụng lên đến bình quân 36%, gấp 6 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Hai nguy cơ này buộc Chính phủ phải áp dụng cả chính sách về tài khóa và chính sách tiền tệ theo phương thức là chính sách thắt chặt. Như vậy, chúng ta không còn tiền nhiều hơn con đường để huy động thêm vốn bơm vào cho nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, bài học thành công là thắt chặt đầu tư và không đầu tư dàn trải. Số dự án đầu tư của cả chu kỳ này chỉ bằng 50% số dự án của thời kỳ trước và tập trung đầu tư vào các dự án đang dở dang, sắp hoàn thành để đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế nghịch cảnh trong đầu tư công vẫn xảy ra. Vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải như nhiều đại biểu nói và đầu tư cho các dự án chưa giải ngân hoặc thậm chí dự án cần tiền không được đầu tư, dự án được đầu tư lại không có khả năng giải ngân đồng tiền đó.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang rất cần vốn, hạn hẹp thì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong ba năm qua lại có xu hướng chậm dần đều. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đã nhiều lần họp, chỉ đạo quyết liệt và ra nhiều văn bản thúc đẩy nhưng tình hình cũng không được cải thiện. Đề nghị khắc phục 2 vấn đề:

Thứ nhất, chúng ta chưa có tiêu chí lựa chọn các dự án đưa vào kế hoạch đầu tư và phân bổ cho đầu tư chưa rõ ràng. Chúng ta mới chỉ dừng lại ở các nguyên tắc để xác định các lĩnh vực nào là lĩnh vực ưu tiên, chưa có tiêu chí cụ thể để phân loại xem dự án nào được đưa vào lĩnh vực ưu tiên đó và dự án nào sẽ được ưu tiên để lựa chọn xếp hạng trong việc lựa chọn đưa vào danh mục đầu tư công cũng như phân bổ vốn đầu tư. Do vậy, đề nghị Chính phủ phải sớm chỉ đạo xây dựng và công bố công khai bộ tiêu chí đánh giá và xếp thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư đưa vào danh mục đầu tư công và phân bổ vốn đầu tư. Nếu chúng ta có được bộ tiêu chí này thì chúng ta sẽ không còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư tràn lan, phân bổ vốn đầu tư cho các dự án không có khả năng giải ngân và chắc không còn tình trạng tranh luận như thời gian vừa qua là xây dựng nhà hát hay xây dựng trường học, bệnh viện ở Thủ Thiêm.

Nguyên nhân thứ hai làm cho tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, đó là do các quy định về quy trình, thủ tục triển khai một dự án đầu tư công rất phức tạp. Theo quy định hiện hành thì các khâu chuẩn bị triển khai dự án phải xin ý kiến của rất nhiều các cơ quan, ban, ngành có liên quan, đều phải có cơ quan lập dự án, cơ quan thẩm định, cơ quan giám sát là những cơ quan độc lập. Tuy nhiên, trên thực tế thường có một tình trạng tất cả những đơn vị tham gia vào lập dự án đầu tư, thẩm định, giám sát dự án đầu tư thực chất cũng là một người đứng ra lập, chỉ khác nhau về tên gọi và khác nhau ở giám đốc đứng tên. Đây cũng là một lý do tại sao chúng ta thấy có nhiều doanh nghiệp được hình thành nhưng sau đó không đưa vào hoạt động hoặc sau một thời gian lại giải ngân thể để xóa đi các vết tích.

Với cách quy định này thì chỉ làm mất thêm thời gian và mất thêm nhiều giấy tờ để hợp pháp hóa cho các việc làm đúng quy trình để không ai phải chịu trách nhiệm khi xảy ra thất thoát. Do vậy, đề nghị cần phải thay đổi quy trình này và đề nghị Chính phủ cần phải quy định rõ là đơn giản hóa quy trình quản lý các thủ tục triển khai các dự án đầu tư. Quy định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư là phải chịu trách nhiệm khi xảy ra những thất thoát, lãng phí. Việc thẩm định cơ quan độc lập đó là cần thiết để cung cấp thông tin cho người ra quyết định, chứ không phải là điều kiện để được quyết định một dự án. Đồng thời cần phải quy định công khai hóa toàn bộ hồ sơ của dự án để mọi người quan tâm được giám sát và theo dõi quá trình thực hiện dự án.

Về quản lý chi thường xuyên, tôi thấy kết quả đã đạt được là giảm chi thường xuyên trong 3 năm, từ gần 70% xuống 63% và phần lớn phần chi thường xuyên lại dành chi cho tiền lương, con người. Tuy nhiên, mức lương của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước hiện nay còn rất thấp, chỉ bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/ tháng. Với mức lương thấp như này đương nhiên dẫn đến tình trạng tham nhũng rất tràn lan mà người ta gọi là sự tha hóa của tổ hợp cán bộ, công chức do chính chế độ tiền lương thấp gây ra. Do vậy, có 2 vấn đề cần thay đổi:

Thứ nhất, cần phải thay đổi chế độ tiền lương theo thang bảng lương hiện nay sang chế độ trả lương theo vị trí việc làm, có đánh giá về hiệu suất công việc bằng các chỉ số KPI. Mỗi vị trí cán bộ, công chức phải được xác định rõ, mô tả chức trách, nhiệm vụ phải hoàn thành và đồng thời có các thước đo kết quả hoàn thành. Tiền lương được trả theo vị trí đó đồng thời theo mức độ hoàn thành công việc đã được đánh giá. Chỉ khi đó thì người cán bộ, công chức mới lo tìm cách làm thế nào hoàn thành công việc của mình thì việc cắt giảm các thủ tục hành chính trong thời gian vừa qua mới trở thành hành động thực tế của bộ máy nhà nước chứ không phải chỉ dừng lại là sự thúc ép của Thủ tướng Chính phủ hay là sự đòi hỏi của người dân. Tôi cho rằng đây cũng là một công việc cần phải tiến hành ngay để chúng ta thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương sẽ được áp dụng chính thức từ năm 2021.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu (Ảnh: Minh Tú)

Vấn đề thứ hai là đẩy mạnh lộ trình giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, kinh nghiệm thực hiện việc thí điểm giao quyền tự chủ cho 23 trường đại học trong 3 năm qua đã cho thấy chúng ta đạt được lợi ích kép. Nhà nước tiết kiệm được chi phí chi thường xuyên, các trường thì phát huy được nội lực để tăng cường các nguồn lực đầu tư, tăng cường các điều kiện để đầu tư làm tốt các hoạt động chuyên môn của mình. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần phải đẩy mạnh, trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập kèm theo đó là phải thay đổi phương thức cấp ngân sách như hiện nay sang phương thức là chế độ đặt hàng chứ không có nghĩa là tự chủ là nhà nước không đầu tư ngân sách.

Đặc biệt, Thủ tướng đã có chủ trương cho xây dựng một đề án là giao quyền tự chủ ở mức cao, không có bộ chủ quản cho 3 trường đại học. Về việc này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt theo tinh thần của Thủ tướng. Đề nghị Thủ tướng và các bộ ngành sẽ ủng hộ để tất cả những kiến nghị của 3 trường được giao thí điểm sẽ được đáp ứng để xây dựng nên một mô hình quản trị đại học là không có bộ chủ quản như các nước tiên tiến trên thế giới.

Ngọc Ánh- VP Đoàn ĐBQH HN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    788 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.860.243
    Online: 142