Phát biểu tại phiên họp chiều 27/10/2018, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đã góp ý về công tác xây dựng pháp luật. Đại biểu cho rằng tại kỳ họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã cung cấp khá đầy đủ các báo cáo tài liệu giúp các vị đại biểu Quốc hội xem xét các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề cử tri cả nước quan tâm.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Ảnh: Minh Tú)

           Đại biểu cho rằng từ năm 2001, Đại hội IX đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết trong đó chỉ rõ những định hướng lớn về hành chính công, dịch vụ công như tách cơ quan hành chính công khỏi hệ thống cơ quan sự nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, thực hiện dịch vụ công, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, hiệu lực, hiệu quả, lấy việc phục vụ và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Hội nghị Trung ương 5, 6, 7 đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, định hướng cho sự phát triển của đất nước như Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 18 về đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết 19 về đổi mới hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của tổ chức sự nghiệp công lập, trong đó nổi bật là những chủ trương như ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công, chuyển một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

            Tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình trung tâm phục vụ hành chính công cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp, rà soát sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường và thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công. Đây là những quan điểm, định hướng lớn của Đảng, có tầm quan trọng đặc biệt về hành chính công nhất là thủ tục hành chính và dịch vụ công rất cần được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, thể chế hóa trong công tác lập pháp.

          Thực tế, từ năm 2001 đến nay, trong xây dựng ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, vấn đề hành chính công, dịch vụ công chưa được quan tâm thể chế, chỉ có Luật Tổ chức Chính phủ năm 2013 quy định đúng 3 chữ "dịch vụ công" trong trách nhiệm của các bộ; Luật Đấu thầu năm 2005, 2014 quy định một điều về giải thích, từ ngữ "dịch vụ công" mà còn thiếu về dịch vụ hành chính công, tất cả các luật hiện hành không có từ nào thể chế hóa hoặc nhắc đến từ "hành chính công" hoặc "dịch vụ công". Trong khi đó chuyển sang cơ chế thị trường, tất cả các nhà nước trên thế giới đều sử dụng khái niệm "dịch vụ công", "hành chính công".

           Các tổ chức quốc tế thường sử dụng khái niệm khu vực công, khu vực tư, nhiều nước phát triển có nền kinh tế thị trường từ lâu đã ban hành Luật Hành chính công với những nội dung khác nhau, trong đó được chú trọng chuẩn hóa về thủ tục hành chính dịch vụ công, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hành chính công và dịch vụ công. Đây chính là nguyên nhân quan trọng thiếu hành lang pháp lý, khoảng trống pháp lý ở tầm luật đã và đang tồn tại nhiều năm, gây khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, thực hiện pháp luật của nước ta trên nhiều lĩnh vực.

            Cụ thể là: Chưa thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về hành chính công nói chung, thủ tục hành chính và dịch vụ công nói riêng. Thủ tục hành chính đã được ban hành trong các luật chuyên ngành và văn bản dưới luật quy định khác nhau về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nặng về hồ sơ, giấy tờ, bản sao chứng thực, chưa có quy định về nguyên tắc chung, chuẩn chung về kết nối liên thông, chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu trong các cơ quan nhà nước cung ứng dịch vụ công. Còn tình trạng chồng chéo, không thống nhất giữa các thủ tục hành chính trong các luật chuyên ngành, gây tốn kém thời gian, giấy tờ, chi phí của doanh nghiệp, gây khó khăn, lúng túng trong quản lý nhà nước và tạo lỗ hổng cho hành vi trục lợi, tham nhũng. Tuy đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều bất cập so với đòi hỏi của người người dân và doanh nghiệp.

          Dịch vụ công là vấn đề không thể thiếu được của nhà nước vận hành cơ chế thị trường. Cho đến nay chưa có một luật nào quy định về những nguyên tắc chung, chuẩn chung về quản lý và cung ứng dịch vụ công, chưa có hành lang pháp lý phân biệt và cơ chế pháp lý thích ứng đối với dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích. Khi triển khai Nghị quyết 18 và 19 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII nhiều bộ ngành và chính quyền địa phương gặp vướng mắc vì thiếu căn cứ pháp lý để triển khai, sắp xếp, tách bạch khối hành chính công khỏi khối cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Chính vì vậy, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để thể chế hóa quan điểm của Đảng về hành chính công và dịch vụ công trong vấn đề tiếp tục để Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức để hoàn thiện hồ sơ văn bản trình Quốc hội trong thời gian tới.

 

Minh Tú- VP Đoàn ĐBQH HN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    788 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.860.449
    Online: 62