Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 về bản chất là quá trình biến đổi số, là sự chuyển đổi rộng lớn về mô hình kinh doanh chuyển từ mua, bán sang thuê, cung cấp dịch vụ hay còn gọi là nền kinh tế như dịch vụ; ví dụ như Amazon, Alibaba, Uber là những ví dụ tiêu biểu cho xu hướng kinh tế số, kinh tế chia sẻ đã giúp mọi thứ dịch vụ được hình thành. Trong cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và công nghệ thông tin không nên được coi là ngành riêng mà cần thiết được xem là yếu tố cấu thành của mọi hoạt động tương tự như yếu tố về nguồn nhân lực, tài chính, những yếu tố cốt lõi tạo ra giá trị gia tăng trong nền kinh tế số.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Ảnh: Minh Tú)
Theo sách Trắng Công nghệ thông tin năm 2017, nước ta trong thời gian qua, công nghệ thông tin đã có những bước phát triển quan trọng ở cả ba lĩnh vực sản xuất, ứng dụng và cung cấp dịch vụ, trong đó năm 2016, doanh thu phần cứng là 58,83 tỷ đôla, chiếm 88%; công nghiệp phần mềm và nội dung số là 3,77 tỷ đô la, chiếm 5,58% và dịch vụ công nghệ thông tin là 5.07 tỷ đôla, chiếm 6,42 %. So với ngành công nghiệp ô tô, được coi là ngành rất nóng của năm 2016, tổng doanh thu là 3,7 tỷ đôla thì ngành công nghệ thông tin có doanh thu gấp khoảng 20 lần ngành công nghiệp ô tô. Mặc dù vậy, so với trình độ phát triển công nghệ thông tin của thế giới, công nghệ thông tin của nước ta đang tụt hậu xa, chưa được tích hợp nhuần nhuyễn vào các hoạt động kinh tế - xã hội hay trong điều hành Chính phủ.
Dù trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách đúng đắn về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trong thực hiện còn rất nhiều bất cập như chính sách thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin tại Quyết định số 80 năm 2014 của Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 2 năm 2015 vẫn chưa có chế tài thực hiện nên việc triển khai còn hạn chế. Đầu tư công nghệ thông tin theo Nghị định 102/2009 ban hành ngày 6 tháng 11 năm 2009 phù hợp với đầu tư xây dựng nói chung, chưa phù hợp với cách thức kiến tạo các tài sản số và tài sản tri thức.
Năm 2016, trước nguy cơ tụt hậu nếu không bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0 Chính phủ đã có chỉ thị rà soát lại các chiến lược chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu hướng phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số. Tiếp đó, Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đứng đầu và Chính phủ đã thành lập Ủy ban trọng điểm về công nghiệp 4.0 tại Bộ Khoa học, Công nghệ. Đây là chủ trương và hành động rất tích cực của Chính phủ. Để thực hiện những chủ trương này, Đại biểu Quốc Bình đã đề xuất những quan điểm, chính sách cụ thể như sau:
Một, cần phải nhận thức đúng về yêu cầu chuyển đổi số. Ngoài việc hiểu rõ về cách mạng công nghiệp 4.0, điều quan trọng là thống nhất nhận thức về tạo tài sản số và lợi thế kinh doanh số thông qua chiếm lĩnh mặt tiền kinh doanh trong không gian số thực. Chính vì vậy Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra danh sách các tài sản số quốc gia quan trọng cần được xây dựng và có các chiến lược, chương trình phù hợp, trong đó doanh nghiệp và người dân tham gia xây dựng tài sản số quốc gia và nhanh chóng chiếm lĩnh mối kinh doanh quan trọng như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các dịch vụ thông minh, v.v...
Hai, cần nhanh chóng điều chỉnh những việc chưa đúng xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về công nghệ thông tin hay những gì đã lỗi thời. Trong nhiều năm qua tin học hóa ở nước ta được triển khai phân tán theo ngành dọc và thiếu thiết kế tổng thể ở cấp Chính phủ. Vì vậy kết quả thu được là hệ thống ứng dụng rời rạc, không liên thông với nhau, dẫn đến sự hình thành các cơ sở dữ liệu cắt cứ độc lập với nhau và có chất lượng thấp. Để khắc phục những thiếu sót này cần điều chỉnh ngay các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia qua các hệ thống thông tin đang triển khai phân tán rời rạc về thành một cơ sở dữ liệu quốc gia tích hợp liên thông. Xây dựng hành lang pháp lý, đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu định danh điện tử và quyền riêng tư về dữ liệu. Đồng thời, cần đổi mới việc triển khai công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước theo hướng áp dụng chính sách thương mại, dịch vụ công nghệ thông tin như Quyết định 80 đã chỉ ra là phù hợp với xu hướng chung.
Ba, cần xây dựng hạ tầng số quốc gia và các tài sản số quốc gia. Hạ tầng số quốc gia bao gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống chính sách quản lý kho dữ liệu quốc gia. Trong hạ tầng số quốc gia, hạ tầng dữ liệu là quan trọng nhất. Hạ tầng dữ liệu được hình thành trên cơ sở số hóa các dữ liệu đang có và liên tục tiếp nhận các dữ liệu số hóa mới. Để thực hiện việc này cần đưa việc kiểm soát dữ liệu trong cơ quan Nhà nước thành yêu cầu bắt buộc giống như kiểm toán tài chính. Qua đó có thể biết được dữ liệu nào cần được hình thành hạ tầng và tài sản số quốc gia. Đồng thời cần có chính sách quy định cấp độ mở cửa dữ liệu, cơ chế sử dụng chia sẻ dữ liệu, trong đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam được chủ động trong việc cung cấp và sử dụng dữ liệu chung của quốc gia nhằm làm chủ tạo ra các dịch vụ gia tăng và tạo thế cạnh tranh.
Bốn là cần tạo lập ra một Việt Nam số, xã hội số để người dân trở thành công dân của Việt Nam số. Hiện nay trung bình mỗi người Việt Nam dành hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày tham gia giao dịch trên các vương quốc số của Facebook, Google, Youtube. Bởi vì chúng ta không có không gian số như vậy cho người Việt trong khi tài sản, văn hóa thực của chúng ta rất lớn thì hầu như trên không gian số, các thông tin còn nghèo nàn. Chính phủ cần có chính sách chương trình hình thành nên Việt Nam số, nơi mà người dân giữ mối liên lạc về tài nguyên văn hóa đất nước. Đề án tri thức số hóa của Chính phủ là bước đi đúng đắn theo hướng này, nhưng Chính phủ cần sớm có chính sách và dành nguồn lực số hóa tài sản văn hóa tương tự chúng ta đã chi tiêu để giữ gìn văn hóa vật thể và phi vật thể.
Năm là cần khai thác một cách hợp lý những tiến bộ công nghệ tiên tiến của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 để chiếm lĩnh những mặt tiền kinh doanh và thu hút đầu tư. Hiện nay việc ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 không đòi hỏi phải đạt đến trình độ nhất định mới triển khai và có thể áp dụng ngay trong chừng mực nhất định. Uber hay Grab là những ví dụ dễ thấy, nhà thông minh, chiếu sáng thông minh, giao thông thông minh cũng là ứng dụng chứng minh sự phổ biến. Khai thác thế mạnh của cách mạng công nghiệp 4.0 thực tế còn là cách tạo ra đột phá trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, áp dụng Internet kết nối vạn vật trong phát triển nông nghiệp thông minh tạo những bước nhảy vọt trong nông nghiệp nếu so sánh với tập quán canh tác truyền thống của chúng ta.
Tóm lại, liệu chúng ta có tranh thủ thời cơ để không tụt hậu trong cách mạng công nghiệp 4.0 hay không phụ thuộc và cơ chế chính sách của Chính phủ. Một cơ chế chính sách nhanh, mạnh, đúng đắn, minh bạch về lĩnh vực này được xem là tài nguyên quốc gia lớn nhất trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.