Theo chương trình làm việc Quốc hội sẽ dành hai ngày để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, cùng với việc đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Phiên họp được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội để nhân dân và cử tri theo dõi.
Phiên thảo luận nhận được rất nhiều sự quan tâm, thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội. Đã có 69 đại biểu đăng ký phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí là người phát biểu đầu tiên trong đợt thảo luận này. Đại biểu cho rằng cử tri nhân dân đều rất phấn khởi trước những thành công lớn của đất nước. Có những chỉ số hết sức ấn tượng đó là tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của năm 2018, có 12 chỉ tiêu thì vượt 8 đạt 4, GDP đạt mức cao 6,7%, riêng 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt 6,98%, đầy hứa hẹn. Những con số rất ấn tượng như xuất khẩu là 238 tỷ USD, tăng 11,2%, đặc biệt là tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến và nông sản. Ở một đất nước mà tỉ lệ người tham gia trong các hoạt động nông nghiệp nhiều thì chỉ số này là rất đáng mừng. Nợ công giảm. Năm 2016 là 63,7%. Đến năm nay thì giảm còn 61,4% GDP. Tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước tăng, trong đó đầu tư tư nhân ước đạt 42,4%. Đây chính là chỉ số giống như phiếu tín nhiệm của nhân dân, của doanh nghiệp đối với Chính phủ. Chúng ta vui với những gì mà ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được, những thành tích của du lịch Việt Nam, thể thao Việt Nam đạt được. Nhân dân cả nước cảm kích với những việc mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã làm. Chúng ta thấy đất nước rất khởi sắc, vận nước đang lên. Qua báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 thì đánh giá chung ở phần 1 có 23 kết quả đã đạt được. Như vậy, thành công khá toàn diện.
GS.TS Nguyễn Anh Trí - ĐBQH, Anh hùng lao động (Ảnh: Minh Tú)
Tuy nhiên, tất cả mọi lĩnh vực đều có những vấn đề, những khía cạnh chưa ổn, chưa an tâm hoặc chưa thực sự hiệu quả.
Như đầu tư của FDI, chúng ta thấy rất rõ qua kỳ họp để tổng kết 30 năm vừa rồi thì thấy là chuyển giao công nghệ chưa đạt kết quả mong muốn, nhiều công nghệ cũ để lại. Trong y tế, các công nghệ để 3 năm, 5 năm, 10 năm thì không còn giá trị nữa, người ta không ứng dụng công nghệ đó nữa, tiêu tốn năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm, giải ngân chỉ khoảng 55% so với đăng ký. Như vậy, Thủ tướng trong cuộc họp đã nói không phải bằng mọi giá phải lấy được FDI, FDI bây giờ có ngay trong nhân dân, bây giờ làm sao có cơ chế để FDI có được nhiều lên.
Qua báo cáo của Chính phủ, ở trang 6 có nhận xét là cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, y tế trong những năm vừa qua đã có tiến bộ đáng ghi nhận. Nhưng câu "cơ bản khống chế được dịch bệnh" đáng bàn về sự lặp lại, mức độ, quy mô của dịch bệnh vẫn hoành hành ở Việt Nam chúng ta. Rất đau buồn trong năm vừa qua có tới 63.000 các cháu nhiễm dịch chân, tay, miệng, dịch sốt xuất huyết. Dịch sởi có một thời kỳ khống chế được rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn bùng phát trở lại.
Về vấn đề đầu tư cho y học dự phòng, hoặc chỉ số bảo hiểm y tế, tỷ lệ khá cao nhưng không thực chất và mệnh giá vẫn thấp, như tỷ lệ bao phủ đạt 86,9% nhưng trong đó diện ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đã là 62%, như vậy chỉ còn 24,9% trong đó cán bộ công chức, học sinh, công nhân là bắt buộc. Như vậy, bảo hiểm thực sự vào cuộc theo hướng người dân hiểu và tự nguyện mua rất ít. Số người có thẻ bảo hiểm ở miền núi cao 93,68% nhưng số người khám chữa bệnh và mức độ thụ hưởng dịch vụ bảo hiểm y tế, mức chi trả bình quân trên thẻ bảo hiểm y tế còn thấp.
Nói về chỉ tiêu của Quốc hội và các chính sách của Chính phủ, Chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ thì cần bổ sung thêm một số chỉ tiêu về biển, du lịch, giáo dục, đào tạo. Các chỉ tiêu của Chính phủ giao cho Bộ Y tế, có lẽ phải điều chỉnh, phải thêm. Ví dụ, các chỉ tiêu về sản khoa và trẻ em thì quá nhiều và dày, thiếu các chỉ tiêu về dịch bệnh, số vụ dịch, số người bị bệnh, rồi bệnh không lây nhiễm, bệnh bẩm sinh di truyền v.v...