Chiều  ngày 27/10, phát biểu tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến cho rằng tại nhóm thứ 8 trong 12 nhóm giải pháp, nội dung tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần chú ý mấy vấn đề sau

          Thứ nhất, một nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường điều căn bản là minh bạch về sở hữu rõ ràng về quyền lợi doanh nghiệp trong hay ngoài nhà nước phải bình đẳng không phân biệt đối xử. Quyền lợi hợp pháp của dân tham gia nền kinh tế phải được bảo đảm, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa công tác tư pháp trong kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Chiến phát biểu (Ảnh: Minh Tú)

            Thứ hai, nội dung nhóm giải pháp nhiệm vụ thứ nhất hoàn thiện thể chế và chuẩn bị điều kiện cần thiết và thực thi khai thác tốt những cơ hội ký kết hiệp định thương mại tự do. Vấn đề hoàn thiện thể chế ở đây có đặt ra với công tác tư pháp không? Khẳng định là phải có vì hoàn thiện thể chế tư pháp là điều kiện để cơ hội đầu tư kinh doanh các hiệp định thương mại tự do được thực thi hiệu quả.

           Thứ ba, một trong các yếu tố về tăng trưởng kinh tế là tăng năng suất lao động thì phải tăng đầu tư, không chỉ ở nguồn ngân sách nhà nước, vốn vay nước ngoài mà cần phải huy động nội lực là nguồn vốn huy động trong dân. Vụ việc vừa qua ở Cần Thơ, người thợ điện đổi 100 đô la bị phạt 90 triệu đồng là điển hình thiếu trong quy định, thiếu áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý nhà nước làm dư luận không đồng tình.

           Việc xóa bỏ tình trạng đô la hóa thị trường phải được thực thi nhưng những quy định cứng không có định lượng, đổi ngoại tệ không đúng nơi được cấp phép phải bị phạt nhưng chúng ta đã giúp người dân nhận diện phân biệt nơi nào được đổi và nơi nào không được đổi. Sự tồn tại của các nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều thì đó trước hết phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, những mức phạt phải xem xét lại vì đổi 10 USD, 100 USD cũng cùng mức phạt như đổi 1.000 USD hay 100.000 USD đều ở phạt ở mức 80 triệu đến 100 triệu là không phù hợp. Cơ chế thị trường có cung ắt có cầu, thị trường buôn bán chuyển đổi ngoại tệ đen ngày đêm vẫn hoạt động công khai, hầu như không bị kiểm soát và xử phạt. Thiết nghĩ, nhà nước phải thu hẹp trước để người dân không còn vi phạm.

          Thứ tư, lâu nay tìm cách phát triển nền kinh tế chúng ta chỉ nghĩ đến các khoản đầu tư ODA, FDI hay các khoản vay trái phiếu Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư trong nước. Gần đây mối quan tâm đến khai phóng tiềm lực trong nhân dân, khuyến khích người dân đầu tư lập nghiệp, làm ăn nhưng tại sao hành lang pháp lý đã có, nhiều đến mức đang phải cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục kinh doanh nhưng người dân vẫn chưa yên tâm bỏ tiền đầu tư. Vậy, sắp tới Chính phủ có giải pháp nào để số tiền này trong dân sẽ được đưa vào lưu thông, góp phần thực hiện giải pháp tăng trưởng nền kinh tế như đã đặt ra. Thiết nghĩ, giải pháp nào cũng phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân. Một nền kinh tế thị trường dựa trên sức dân thì phải song hành với một hệ thống tư pháp rõ ràng, minh bạch, thực thi nghiêm minh.

            Thứ năm, doanh nghiệp, người dân hiện nay cần cơ chế thuận lợi trong quyết định đầu tư, dễ dàng, khách quan trong giải quyết tranh chấp, bình đẳng, công bằng trong đối xử. Đặc biệt, hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế dứt khoát phải loại trừ.

           Thứ sáu, yếu tố thể chế, chính sách pháp luật tạo rào cản bất cập, bất công hay yếu tố con người, năng lực thực thi, vô cảm trước quyền lợi, nỗi đau của người dân, doanh nghiệp đang ngự trị chúng ta cần nhìn nhận lại. Ở trên Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt hoàn thiện pháp luật và thể chế để đảm bảo thực thi, ở người dân nóng vì mong đợi sự cải cách, đổi mới, kỳ vọng quyền lợi hợp pháp được bảo đảm. Nhưng ở giữa một bộ phận không nhỏ bộ máy cơ quan nhà nước vẫn lạnh, vô cảm trước quyền lợi chính đáng của người dân. Không coi người dân là mục tiêu phục vụ trong công tác của mình, vì không có nền kinh tế mạnh phát triển trên sức dân.

          Thứ bảy, thực tế thực hiện chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư, thủ tục hoàn tất, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, ổn định sau cổ phần nhưng vụ việc bị thanh tra, mặc dù lỗi không thuộc doanh nghiệp nhưng kết quả giải quyết, tài sản bị thu hồi, thiệt hại thuộc về doanh nghiệp, người lao động rất lớn. Cơ hội kinh doanh mất đi, tranh chấp phát sinh, kiện tụng kéo dài, bản án tuyên không thi hành được.

         Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án dân sự năm 2018, tiền phải thi hành là 196.000 tỷ đồng, khoảng hơn 8 tỷ đôla, nhưng mới thi hành được 38,4%, đó là thực trạng chưa có giải pháp căn cơ, hữu hiệu. Vì vậy, phải coi công tác tư pháp là mắt xích quan trọng trong guồng máy phát triển kinh tế, nếu mắt xích này yếu sẽ kìm hãm việc thực hiện giải pháp chung của nền kinh tế đất nước. Chính phủ cần lưu ý cơ chế tư pháp gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội làm cho các giải pháp được đồng bộ và hiệu quả.

Ngọc Ánh- VP Đoàn ĐBQH HN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    788 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.864.226
    Online: 68