Sáng ngày 15/3 Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng (2 bộ Quy tắc ứng xử) và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố. Điểm mới của phiên giải trình được trực tuyến tại 30 điểm cầu quận, huyện, thị xã và chủ tịch UBND một số xã tham gia giải trình.

Phiên giải trình của Thường trực HĐND Thành phố

Dự và chỉ đạo phiên họp có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; Vũ Hồng Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND Thành phố; lãnh đạo Đoàn ĐBQH, các Ban Đảng Thành ủy; Giám đốc các sở, ngành của thành phố; Chủ tịch HĐND, UBND các quận, huyện và Chủ tịch UBND một số xã, phường, thị trấn...

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc phiên giải trình

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Dù nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã trải qua nhiều thời kỳ và  nhiều giải pháp thực hiện; UBND Thành phố đã ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử, song kết quả đạt được ban đầu chưa như mong muốn. Qua các cuộc giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy, hơn 40% ý kiến cử tri đề cập việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, mong HĐND Thành phố giám sát, chất vấn về chuyên đề này. “Vì vậy, Thường trực HĐND Thành phố lựa chọn 2 nội dung này trong phiên giải trình đầu tiên năm 2018, nhằm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm từng cấp, ngành, cá nhân, tổ chức và đề xuất lộ trình khắc phục cụ thể”, Chủ tịch HĐND Thành phố nhấn mạnh.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố Trần Thế Cương nêu câu hỏi

Tại phiên giải trình, việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử đã nhận được sự quan tâm đặc biệt với mong muốn đi tới cùng vấn đề. Trong đó, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố Trần Thế Cương đề nghị ngành văn hóa Thủ đô cho biết thực tế 2 quy tắc này đã đi vào cuộc sống hay chưa. Trả lời việc này, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Tô Văn Động thừa nhận: Năm 2017, 2 bộ quy tắc này đã được 100% quận, huyện, sở, ngành TP triển khai thực hiện, song, đúng là việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ chưa thực sự tạo ra nét văn hóa ứng xử và hình ảnh riêng biệt của người Hà Nội; một số CBCC chưa nắm rõ nội dung và chưa thực hiện đúng các quy định.

Với bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, vẫn còn hành vi chưa đẹp, gây mất trật tự xã hội, an toàn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Thủ đô. “Để 2 bộ quy tắc đi vào cuộc sống, cần kiên trì hơn nhằm tạo sự đồng hành của người dân”, ông Động khẳng định.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố Nguyễn Hoài Nam nêu câu hỏi

Đề cập trách nhiệm các cơ quan liên quan, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho biết, “đến nay, chúng tôi chưa nhận được các văn bản xử lý, mà mới dừng ở việc ký cam kết, kiểm tra, nhắc nhở”.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng trả lời chất vấn

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho hay: Sở đã chủ động xây dựng dự thảo một bộ chế tài xử lý cụ thể, khi có chủ trương cho phép thì Sở sẽ đưa ra lấy ý kiến các cơ quan để làm thí điểm và tiếp tục kiến nghị với T.Ư cụ thể hóa các nội dung chế tài. Năm qua, vẫn còn hơn 2% hồ sơ hành chính tại Thành phố bị giải quyết quá hạn, có một nguyên nhân là do nhận thức của một số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng sở, ngành về chủ trương thực hiện một cửa, một cửa liên thông còn hạn chế; chưa quan tâm, đôn đốc, kiểm tra, tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức công dân, hoặc bố trí cán bộ công chức tại bộ phận một cửa chưa đủ năng lực, phẩm chất, kỹ năng giao tiếp. Để khắc phục, Sở sẽ nâng cao chất lượng bồi dưỡng, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ công chức, tăng kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận một cửa.

Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND Thành phố Đoàn Việt Cường nêu câu hỏi

Cũng liên quan việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử, đáng chú ý, theo ĐB Đoàn Việt Cường, qua hơn 1 năm thực hiện, tại Thành phố vẫn xảy ra một số hành vi ứng xử chưa đúng tại một số xã, phường.

Chủ tịch UBND xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai) trả lời chất vấn

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai) thừa nhận, việc người dân đến bộ phận một cửa xã làm thủ tục hành chính nhưng không có lãnh đạo trực, là thiếu sót của lãnh đạo xã, vi phạm quy tắc ứng xử. Để khắc phục, UBND xã sẽ tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức về quy tắc ứng xử mà trước hết là lãnh đạo đơn vị; quy định rõ quy trình, công việc, thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng kiểm tra công vụ.

Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) trả lời chất vấn

Với sự việc cán bộ công chức phường Dịch Vọng Hậu trả lời người dân “lãnh đạo đi vắng, không biết khi nào trả hồ sơ”, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Quang Thắng khẳng định: Tập thể UBND phường đã yêu cầu cán bộ viết kiểm điểm, rút kinh nghiệm về việc phải phát thông báo trong lúc lãnh đạo đi họp; đưa ra phương án có công chức văn phòng luôn trực để mang hồ sơ đã đầy đủ và cần xử lý ngay lên phòng họp ký trong trường hợp lãnh đạo phường đang họp. “Chúng tôi hứa không để xảy ra những trường hợp tương tự”, Chủ tịch UBND phường nói rõ.

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt trả lời chất vấn

Đối với nhóm vấn đề liên quan công tác quản lý lễ hội, tại phiên giải trình, nhiều ĐB bày tỏ băn khoăn về tình trạng bán thịt sống, thịt động vật thú rừng vẫn tràn lan tại một số điểm lễ hội. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra xử lý, và cho thấy đều là thịt giả thú rừng. UBND huyện cũng đã yêu cầu 400 hộ kinh doanh cam kết không bày bán thịt sống, nếu sai phạm, sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh. 

Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND Thành phố Vũ Ngọc Anh nêu câu hỏi

Đáng chú ý, theo Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND Thành phố Vũ Ngọc Anh, khảo sát mới đây của Ban cho thấy, hoạt động trông giữ phương tiện tại đình, đền, chùa còn diễn biến phức tạp, nhiều sai phạm và nhiều điểm trông giữ xe không phép phát sinh, chưa được xử lý nghiêm, như tại bãi xe không phép khu vực Phủ Tây Hồ, điểm trông xe khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cổng chùa Trấn Quốc. Chủ tịch UBNĐ quận Đống Đa Võ Nguyên Phong thừa nhận, có 1 điểm trông giữ xe trên vỉa hè phố Văn Miếu do UBND quận cấp phép (theo phân cấp) và UBND TP cho phép đỗ xe tại khu vực Vườn Giám (từ 24 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng Mậu Tuất); các đơn vị này vượt quá diện tích được cấp, một số hộ tự phát trông giữ xe. UBND quận đã chỉ đạo kiểm tra xử lý nghiêm, nên từ sau mùng 5 Tết, không còn hiện tượng này. “UBND quận sẽ chỉ đạo các lực lượng kiểm tra hết các điểm đỗ xe trên địa bàn, với các điểm đủ điều kiện, sẽ báo cáo Sở GTVT cấp phép để đưa vào quản lý”, ông Phong khẳng định.

Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao Tô Văn Động trả lời chất vấn

Về việc đặt hòm công đức tại các di tích, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao Tô Văn Động cho biết, theo quy định, mỗi di tích được đặt 1-3 hòm công đức. Tuy nhiên, có một số di tích có số lượng hòm công đức đặt nhiều hơn do trong kỳ lễ hội chính, số lượng khách đến đông, dẫn đến tình trạng chen lấn, nên một số trụ chì tại một số di tích đã linh hoạt trong việc đặt hòm công đức. Về thực trạng của việc sử dụng tiền công đức, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao khẳng định, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động các vị sư chủ trì và nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý sử dụng tiền công đức tại các lễ hội, các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố công khai minh bạch. Trong đó, giao trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát cụ thể đối với UBND xã, phường, trị trấn. Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản giao Sở Tài Chính phối hợp với Sở Văn hóa -Thể thao khẩn trương tham mưu cho UBND Thành phố ban hành quy định về việc sử dụng tiền công đức tại các lễ hội, hoàn thành vào tháng 6-2018. Về việc trang phục lễ chùa còn phản cảm, thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao sẽ tập trung tuyên truyền để vừa làm vừa lòng du khách, vừa đảm bảo đúng tính chất của lễ hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tiếp thu các ý kiến của đại biểu HĐND thành phố

Phát biểu tại phiên giải trình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thay mặt UBND thành phố cảm ơn và tiếp thu các ý kiến tâm huyết của đại biểu HĐND thành phố, đồng thời khẳng định “Thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nội dung báo cáo để giải trình đầy đủ hơn các vấn đề đại biểu quan tâm và công bố công khai tới cử tri”.

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm, tâm huyết của 18 lượt đại biểu đã tham gia đặt câu hỏi và 16 lượt lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường giải trình. Để tạo bước chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử mà UBND thành phố đã ban hành, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngàn triển khai đồng bộ chương trình 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền về nội dung của 2 bộ Quy tắc ứng xử trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong đó, yêu cầu các cơ quan niêm yết công khai, phát tờ rơi bộ Quy tắc ứng xử tới từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đồng thời lồng ghép nội dung vào sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chi bộ của các phòng, ban, đơn vị…Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố nghiên cứu, phân cấp các lĩnh vực tăng tính chủ động hơn nữa của chính quyền cơ sở và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai 2 bộ Quy tắc ứng xử tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Ngoài xây dựng chế tài để khen thưởng, thành phố cần có biện pháp xử lý kịp thời những cá nhân có thái độ, hành vi, ứng xử trái quy tắc và những cá nhân cố tình vi phạm. Chủ tịch HĐND thành phố kêu gọi mỗi người dân Hà Nội hãy cùng chính quyền các cấp đưa 2 bộ Quy tắc ứng xử vào cuộc sống, để Thủ đô Hà Nội luôn đẹp, xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Duy Linh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.907.353
    Online: 61