Sáng 24.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội có 2 đại biểu góp ý vào dự thảo Luật Tố cáo là: đại biểu Bùi Huyền Mai và Nguyễn Hữu Chính.
Đại biểu Bùi Huyền Mai bày tỏ sự nhất trí với việc sửa đổi Luật Tố cáo năm 2011 để cụ thể hóa một trong những quyền quan trọng đã được quy định tại Chương 2 của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 30 của Hiến pháp đã nêu: "Mọi người đều có quyền khiếu nại, tố cáo với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về những việc trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
Về hình thức tố cáo quy định tại Điều 22. Đại biểu đề nghị bỏ hình thức tố cáo bằng lời nói qua điện thoại vì những lý do sau đây:
Lý do thứ nhất, hình thức tố cáo bằng lời nói qua điện thoại thì rất khó đảm bảo với yêu cầu của tố cáo là phải đảm bảo tính chính xác của thông tin tố cáo và nội dung phải rõ ràng.
Lý do thứ hai, khi cá nhân tố cáo qua điện thoại người tiếp nhận vẫn phải hướng dẫn người tố cáo viết thành văn bản hoặc ghi nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc xác nhận. Do đó, về thực chất quy trình lại quay về tố cáo bằng văn bản.
Lý do thứ ba, việc áp dụng hình thức tố cáo bằng lời nói qua điện thoại rất mất thời gian cho quá trình xác minh danh tính người tố cáo, xác minh tính chính xác của thông tin tố cáo gây áp lực công việc cho các cơ quan trực tiếp giải quyết tố cáo. Do đó đề nghị giữ nguyên hình thức tố cáo như Luật Tố cáo hiện hành là tố cáo bằng văn bản và tố cáo trực tiếp.
Thứ hai, đối với các khoản trong Điều 2 về giải thích từ ngữ tại khoản 2 dự thảo nêu: "Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng sau đây" (liệt kê). Khoản 3 nêu: "Tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là việc cá nhân báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật". Nội dung này cần phải được giải thích rõ hơn để có cách hiểu thống nhất. Nếu dự thảo giải thích có thể hiểu hành vi vi phạm pháp luật trong nhiệm vụ công vụ cũng chính là hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước. Thực tế cán bộ, công chức trong lĩnh vực nào khi thực hiện nhiệm vụ công vụ cũng chính là thực hiện pháp luật có liên quan đến các vấn đề về quản lý nhà nước.
Ngoài ra đối với điểm c khoản 2 dự thảo nêu: "Người không phải là cán bộ, công chức, viên chức mà được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức" những người không phải là cán bộ, công chức sẽ không phải chịu trách nhiệm trong thực hiện công vụ mà Luật Cán bộ, công chức đã nêu. Nếu chúng ta quy định như dự thảo thì khi giải quyết tố cáo có sai phạm thì áp dụng luật nào để xử lý.
Theo Từ điển luật học, trách nhiệm công vụ là trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước phải hành động phù hợp quy định của pháp luật, lựa chọn phương án hành động tối ưu nhất, báo cáo kết quả hoạt động và gánh chịu hậu quả do không thực hiện hay thực hiện không đúng các nghĩa vụ của mình. Trách nhiệm công vụ là khái niệm thể hiện trên cả 2 khía cạnh tích cực. Do đó, cán bộ, công chức có nghĩa vụ phải lựa chọn phương án hành động tối ưu, hợp lý nhất. Do vậy, đề nghị bỏ điểm c khoản 2 nêu trên.
Nội dung thứ ba, tại Điều 9 quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, đề nghị tách đoạn cuối của điểm c khoản 1 thành một điểm riêng quy định người tố cáo có quyền được nhận kết luận tố cáo bằng văn bản.
Nội dung thứ tư, liên quan đến khoản 2 Điều 24 về xử lý ban đầu thông tin tố cáo, dự thảo nêu: "Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận tố cáo phải chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo", cần phải điều chỉnh khoản này để đảm bảo thống nhất ngay trong khoản 2 và phù hợp với khoản 1 Điều 2 về giải thích từ ngữ trong dự thảo, đó là "tố cáo là việc cá nhân theo quy định của luật này phải báo cho cơ quan, tổ chức". Như vậy, đại biểu đề nghị phải chuyển, trả tố cáo cho người tố cáo kèm theo hướng dẫn để người tố cáo căn cứ vào đó gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng hình thức tố cáo đề nghị giữ nguyên như Luật Tố cáo hiện hành.
Điều 23 về tiếp nhận tố cáo, Điều 25 tiếp nhận xử lý thông tin tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc sử dụng tên của người khác để tố cáo. Trong dự thảo luật quy định rất chặt chẽ việc xử lý ban đầu thông tin tố cáo, đảm bảo dù tố cáo được thực hiện dưới hình thức nào thì giai đoạn xử lý ban đầu thông tin tố cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải xác nhận rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, nội dung tố cáo từ đó làm căn cứ để thụ lý vụ việc. Do vậy, ngoài hình thức tố cáo truyền thống là bằng đơn và trực tiếp thì việc mở rộng hình thức tố cáo quá fax, thư điện tử, điện thoại là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo. Tuy nhiên, nếu quan điểm này được chấp nhận tại Điều 22 hình thức tố cáo trong dự thảo luật mới quy định hình thức tố cáo bằng việc trình bày lời nói qua điện thoại, chưa quy định hình thức nhắn tin, nội dung tố cáo qua điện thoại, trong khi hình thức này rất phổ biến và thường gặp trên thực tế. Do vậy, nếu chấp nhận quan điểm thứ hai thì bổ sung thêm hình thức tố cáo bằng tin nhắn qua điện thoại cho phù hợp với thực tế cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được quyền tự do tố cáo.
Thứ hai, việc rút tố cáo theo Điều 33 dự thảo, so với dự thảo trước thì dự thảo này quy định tương đối chặt chẽ việc rút tố cáo, theo đó trước khi người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo thì người tố cáo có quyền rút một phần hoặc toàn bộ nội dung tố cáo. Quy định như vậy là phù hợp thực tiễn, đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm vừa xử lý những người lợi dụng tố cáo vu khống, bôi nhọ danh dự người khác. Tuy nhiên, dự thảo lần này mới quy định hậu quả pháp lý với trường hợp người tố cáo rút toàn bộ tố cáo mà chưa quy định trường hợp người tố cáo rút một phần tố cáo, hay nhiều người tố cáo về một nội dung trong đó có người rút tố cáo, có người không rút tố cáo. Đề nghị trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì người giải quyết tố cáo không xem xét phần nội dung tố cáo được rút trừ trường hợp người giải quyết tố cáo thấy có nội dung tố cáo bị rút có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trường hợp nhiều người tố cáo về nội dung trong đó có người rút tố cáo, người không rút tố cáo thì nội dung tố cáo vẫn được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Về đối tượng áp dụng pháp luật, dự thảo chưa quy định về đối tượng áp dụng dẫn đến việc hiểu và khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Ví dụ, luật chỉ áp dụng với người tố cáo là công dân Việt Nam còn người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài giải quyết như thế nào. Mặt khác, dự thảo luật chủ thể tố cáo là cá nhân, như vậy việc tố cáo cơ quan tổ chức không được điều chỉnh theo quy định của luật này. Nhưng tại Điều 26 của dự thảo lại quy định về việc tiếp nhận xử lý tố cáo từ cơ quan báo chí chuyển đến. Như vậy, vẫn tồn tại sự không đồng nhất trong việc xác định chủ thể tố cáo, trong các chính sách, quyết định của pháp luật tố cáo. Trong thực tế, cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật, do vậy để tạo sự thống nhất trong quy định của pháp luật và tạo điều kiện cho việc thực hiện tố cáo, đề nghị mở rộng chủ thể tố cáo sang cả cơ quan, tổ chức.