Sáng 6/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 3 của phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo đăng đàn trả lời chất vấn. Ngay từ đầu giờ sáng đã có 63 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội có 4 đại biểu chất vấn là: Đại biểu Đào Tú Hoa, Nguyễn Thị Lan, Dương Minh Ánh và Nguyễn Quang Tuấn.
Đại biểu Đào Tú Hoa chất vấn: “Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng hơn 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm gây lãng phí cho xã hội và bức xúc cho nhân dân. Việc này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và có cả trách nhiệm của người học. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này của ngành giáo dục trong thời gian tới”.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Đại biểu Nguyễn Thị Lan chất vấn 2 nội dung:
Thứ nhất, trong thời gian qua thì Việt Nam được coi là một trong những nước nói nhiều nhất đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có chương trình hành động và giải pháp cụ thể để thích ứng với cuộc cách mạng này. Xin Bộ trưởng cho biết ngành giáo dục đã làm gì và có chính sách gì mới để chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0
Thứ hai, gần đây chúng ta rất quan tâm và nói nhiều đến việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học, trong dự thảo luật cũng đề cập nhiều đến kiểm định chất lượng giáo dục và việc kiểm định chất lượng để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học là giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên, nếu việc này không được quản lý chặt chẽ thì có thể xảy ra tình trạng một số trường đại học sẽ chạy chứng nhận kiểm định chất lượng để làm đẹp hồ sơ của trường. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp của bộ để kiểm soát việc này như thế nào.
Đại biểu Dương Minh Ánh chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Đại biểu Dương Minh Ánh chất vấn: “Ý kiến cử tri cho rằng việc tổ chức thi tốt nghiệp chưa tạo được sự đồng thuận của xã hội, bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một nội dung kiến thức đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông bao gồm cả kiến thức chương trình của lớp 11 và lớp 12 quá nặng. Cùng với đó Bộ Giáo dục và Đào tạo còn tổ chức thi theo hình thức tổ hợp các môn thi ngoài 3 môn thi bắt buộc. Điều này gây áp lực rất lớn đối với người dạy và người học. Ý kiến cử tri cho rằng chương trình giáo dục phổ thông hiện nay học để thi chứ không phải học để có kiến thức áp dụng thực tiễn và phát huy sáng tạo. Bộ trưởng đánh giá sao về ý kiến này. Thứ hai, liên quan đến chương trình sách giáo khoa phổ thông mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai. Hiện nay có ý kiến đánh giá sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho triển khai dạy thực nghiệm 48 trường cho thấy nhiều đơn vị kiến thức không chỉ khó, nặng mà còn rất khó so với năng lực người học, điều này Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đã thừa nhận. Vậy, xin Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng đã chỉ đạo thế nào về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn chất vấn: Theo báo cáo của Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy 10% học sinh cấp II có quan hệ tình dục, con số này tăng lên 39% ở học sinh cấp III, đặc biệt có 10% các cháu công nhận có quan hệ từ 3 người trở lên. Đây là vấn đề liên quan đến lối sống học sinh ở phổ thông làm nhiều phụ huynh lo lắng, quan tâm. Bộ trưởng nhận định vấn đề này như thế nào, giải pháp trong tương lai ra sao cho dù đây là nghiên cứu với mẫu nhỏ chưa mang tính chất đặc trưng.
Đại biểu Đào Tú Hoa chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Trả lời chất vấn của đại biểu Đào Tú Hoa đoàn Hà Nội về 200.000 sinh viên hôm qua Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã giải thích rất rõ, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tập trung để nâng cao chất lượng. Do vậy, các trường đại học tới đây, đang chuyển mình rất mạnh, phải có trách nhiệm về sản phẩm của mình trước yêu cầu của thị trường lao động và trước trách nhiệm với người học. Chứ không chỉ khi tuyển sinh thì hứa hẹn rất nhiều, khi đào tạo xong lại không có trách nhiệm. chúng tôi khép vào trách nhiệm này rất lớn. Trách nhiệm của bộ là tăng cường hậu kiểm và công khai, minh bạch, dùng những thông tin điều chế lại những việc các trường tuyển sinh cũng như quá trình đào tạo chất lượng không được tốt.
Đối với chất vấn của Đại biểu Lan, cuộc cách mạng 4.0, đây là một xu hướng, vừa là cơ hội, vừa thách thức. Chúng tôi đã ý thức được điều này cho nên đối với giáo dục phổ thông chúng tôi đã đưa các chương trình này vào, trong đó có môn công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Hai lĩnh vực về công nghệ thông tin và trong đó sử dụng tiếng Anh mà đưa vào tốt ngay từ bậc phổ thông thì sẽ tạo một đột phá cho nguồn nhân lực trong tương lai. Đặc biệt, gắn với mô hình, phương thức đào tạo giáo dục theo hướng STEM, gắn giữa khoa học toán với công nghệ. Hiện nay, đây là một xu hướng học sinh cũng rất quan tâm và các doanh nghiệp cũng rất quan tâm. Bộ đã có giải pháp
Về biện pháp kiểm định đã tăng cường kiểm định ngành và kiểm định chương trình. Đến nay có 122 trường được đánh giá ngoài, trong đó 89 trường được kiểm định đạt, 5 trường không đạt, 28 trường đang chờ đánh giá ngoài, 5 trường được Hội kiểm định quốc tế của Pháp công nhận, trong 104 chương trình đào tạo có 76 chương trình đào tạo đã chuẩn quốc tế.
Về chất lượng liên kết đào tạo nước ngoài, trước hết chủ trương này là đúng. Đây là một kênh để nâng cao chất lượng, tuy nhiên trong quá trình kiểm tra giám sát một số chương trình hay một số trường không thực hiện nghiêm quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo viên, về điều kiện đầu vào dẫn đến triển khai không đạt yêu cầu đặt ra. Trong vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm trong kiểm tra, kiểm soát, đôi lúc chưa thường xuyên dẫn đến hiện tượng có một số người học tốt nghiệp nhưng chiếu vào quy định chưa đạt yêu cầu. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu và tăng cường giám sát mạnh hơn và điều chỉnh một số văn bản cho phù hợp.
Về ý kiến của đại biểu Minh Ánh: Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được thử nghiệm năm 2017 về cơ bản được xã hội đồng tình, đánh giá cao, các thầy cô đã chia sẻ vẫn ổn định. Điều quan trọng là tiếp tục chỉnh sửa những điều bất cập để làm tốt hơn. Năm ngoái, tại diễn đàn này có ý kiến như vậy. Nhưng qua 1 năm thực hiện về cơ bản đã hóa giải được những băn khoăn ban đầu. Tuy nhiên, trong khi chưa áp dụng chương trình phổ thông mới vẫn phải làm gọn nhẹ, thiết thực hơn đề thi, các câu hỏi chuẩn hóa và bài thi để làm sao vừa đánh giá được kiến thức, kỹ năng trên diện rộng, đồng thời vẫn khơi dậy và kiểm tra được năng lực của người học, làm sao đi đến thiết thực để giảm nhẹ. Sẽ tiếp tục điều chỉnh các phương thức này.
Liên quan đến ý kiến về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là quy trình, sau khi tập thể tác giả xây dựng dự thảo chương trình môn học trên chương trình tổng thể đã đi khảo sát thực địa trên 4.800 trường ở 6 vùng khác nhau trong chọn mẫu. Phần lớn ý kiến đều thấy được chương trình có nhiều điểm mới, kế thừa và có điểm mới. Tuy nhiên, trong một số môn kiến thức vẫn còn nặng. Cần phải làm rõ thêm phương pháp và gắn với điều kiện thực hiện. Thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 88 Quốc hội, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này không phải là đột phá mới hẳn mà phải kế thừa những điều hợp lý của chương trình hiện hành và phát triển những điểm mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu hướng quốc tế, nhưng lại phải phù hợp với điều kiện thực hiện của các địa phương
Trong quá trình chỉ đạo cho các ban biên tập luôn luôn chỉnh sửa để làm sao nội dung các môn học, chương trình tổng thể cũng như triển khai phải có sự đồng bộ với đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của các địa phương. Trong chỉnh sửa và đổi mới lần này, trách nhiệm và vấn đề lớn nhất đó là đội ngũ giáo viên. Bộ đã có tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 732, bồi dưỡng giáo viên để phục vụ chương trình đổi mới cho phổ thông. Hiện nay Bộ đang triển khai và theo đúng lộ trình. Trong quá trình đổi mới cũng không thể đáp ứng được hết nhưng về cơ bản đi đúng hướng và chúng tôi luôn luôn ý thức được rằng chương trình này phải giảm nhẹ theo hướng hợp lý các chương trình và đổi mới phương pháp.
Ý kiến của ĐB Nguyễn Quang Tuấn sẽ được trả lời bằng văn bản./.