Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật trong công tác quy hoạch xây dựng, sáng 12-11, Đoàn giám sát số 1 của HĐND TP do đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP đã chủ trì làm việc với lãnh đạo huyện Hoài Đức. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Quang Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Thành ủy.

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Trường cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, huyện Hoài Đức nằm trong khu đô thị trung tâm mở rộng của thủ đô Hà Nội. Trong đó, có khoảng gần 6.000ha nằm trong các quy hoạch phân khu đô thị (tương đương 70% diện tích). Đối với khu vực phát triển đô thị, huyện thực hiện theo các quy hoạch phân khu đô thị. Đối với vùng bãi huyện Hoài Đức thực hiện, quản lý theo quy hoạch nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi giám sát

Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch nông thôn mới, UBND huyện Hoài Đức đã chỉ đạo tổ chức lập, thẩm định phê duyệt, quy hoạch đất dịch vụ, đấu giá, quy hoạch tổng mặt bằng các dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật, công cộng hạ tầng xã hội,... đảm bảo đồng bộ, phù hợp làm cơ sở triển khai thực hiện và quản lý theo quy hoạch được duyệt. Trên địa bàn huyện Hoài Đức có 41 dự án đất dịch vụ đã thực hiện xong công tác điều chỉnh quy hoạch phù hợp theo quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt, trên 30 dự án đất đấu giá, tái định cư và khoảng trên 71 dự án khu đô thị nhà ở mới, dự án nhà ở xã hội (trong đó có 34 dự án đã có quyết định thu hồi, giao đất) với tổng diện tích khoảng 2.552,80ha. Đến nay đã có 24/71 dự án đã điều chỉnh quy hoạch xây dựng các dự án đảm bảo tuân thủ định hướng quy hoạch phân khu đô thị. Các dự án chưa điều chỉnh quy hoạch, huyện đã báo cáo Thành phố đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ.

Đối với công tác xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 01-2016 huyện đã có 19/19 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, trong đó xã Yên Sở là 1/50 xã tiêu biểu của thành phố, là 1/27 xã tiêu biểu toàn quốc. Năm 2017, huyện được công nhận là huyện Nông thôn mới. Hiện nay Huyện đang nỗ lực phấn đấu thành quận, phường đô thị vào năm 2020.

Tại buổi giám sát, thành viên đoàn đã đề nghị huyện trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến công tác rà soát, điều chỉnh, triển khai quy hoạch. Trong đó, đại biểu Đoàn Việt Cường, Phó ban Đô thị đề nghị huyện cho biết việc triển khai quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch phân khu và những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, giải pháp gì để tránh dàn trải, lãng phí. Theo đại biểu Duy Hoàng Dương, Phó ban Pháp chế, huyện đã tích cực phối hợp các sở ngành liên quan trong điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, liên quan đến đề án huyện thành quận, huyện còn 7 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí liên quan đến quy hoạch, vậy huyện có giải pháp gì để hoàn thành các chỉ tiêu này trong lộ trình đưa huyện lên thành quận. Đồng thời phối hợp với các sở ngành như thế nào trong giải quyết các chồng lấn liên quan đến quy hoạch.

Theo đại biểu Lê Minh Đức, Chánh Văn phòng HĐND TP, Hoài Đức có 250ha nằm ngoài quy hoạch phát triển đô thị, vậy huyện đã có giải pháp như thế nào đưa khu này vào quy hoạch đô thị. Về rà soát quy hoạch, đề nghị huyện cho biết quy hoạch phát triển khu công nghiệp như thế nào với 51/53 làng nghề đang hoạt động trên địa bàn huyện, và lộ trình đưa khu công nghiệp ra ngoài khu dân cư thực hiện đến đâu.

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị đề nghị huyện cho biết 11 xã thuộc khu vực phát triển đô thị, diện tích toàn bộ hay chỉ là một phần. Đối với những xã điều chỉnh ngoài khu vực đô thị thì có giải pháp như thế nào đối với những xã giáp ranh đô thị. Trong quá trình tổ chức các dự án, có vướng mắc gì giữa quy hoạch nông thôn và quy hoạch phân khu. Đối với những xã đã có quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, việc cấp phép được tổ chức thực hiện như thế nào, bất cập gì ở 11 xã quy hoạch thành đô thị.

Trao đổi những vấn đề đoàn giám sát nêu, Bí thư Huyện ủy-Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quang Đức cho biết, do nhiều khu đô thị mới còn chậm điều chỉnh quy hoạch, chậm thực hiện dự án dẫn tới không đồng bộ về hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện. Công tác triển khai quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, cắm mốc giới trên thực địa còn chậm; một số công trình công cộng bị chồng lấn quy hoạch, khó khăn cho việc đầu tư. Đặc biệt, vùng bãi sông Đáy đã có quy hoạch phân lũ được duyệt, nhưng chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể để hình thành các công trình công cộng phục vụ khu dân cư.

Vì vậy, huyện kiến nghị thành phố quan tâm, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên tuyến đường, cắm mốc giới trên thực địa; xem xét nghiên cứu điều chỉnh một số tuyến đường quy hoạch đi qua các khu dân cư hiện trạng, giảm ảnh hưởng tới các khu dân cư trên địa bàn huyện,…

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị huyện cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch, cập nhật các quy hoạch ngành vào quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đặc biệt là quy hoạch đối với 11 xã thuộc đô thị. Đồng thời, chú trọng công tác quản lý, triển khai thực hiện đúng theo quy hoạch được phê duyệt. Tiếp tục quan tâm, khắc phục khó khăn trong giải quyết đất dịch vụ cho dân và quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn.

Nhấn mạnh huyện đang thực hiện lộ trình lên quận vào năm 2020, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị huyện tăng cường quản lý về trật tự xây dựng, tránh trường hợp vi phạm lúc giao thời. Đồng thời huyện tăng cường phối hợp với các sở ngành trong quản lý hành lang hai bên sông Hồng. Huyện cũng cần lưu ý tập trung cho công tác cán bộ, chú trọng có cán bộ chuyên môn phụ trách công tác quy hoạch.

* Chiều 12-11, Đoàn giám sát số 1 tiếp tục làm việc tại huyện Đan Phượng.

Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng cho biết, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng huyện phê duyệt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt, trong quá trình lập, quản lý quy hoạch, huyện còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, khó khăn chung của công tác quy hoạch ở nông thôn là ranh giới quy hoạch bị giới hạn (15-20ha), nhiều xã quỹ đất khu trung tâm xã không có quỹ đất để mở rộng, thiếu hạ tầng xã hội như sân thể thao, nhà văn hóa, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, hệ thống giao thông, thủy lợi còn chắp vá, nên khi quy hoạch chi tiết rất khó khăn trong việc đề xuất các chỉ tiêu quy hoạch và khớp nối hạ tầng khu vực xung quanh đồ án.

Ngoài ra, đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện không cập nhật hết các khu đất hiện trạng đang hoạt động, khai thác sử dụng, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý theo quy hoạch. Cụ thể, khu vực Bãi Đồn, xã Liên Trung đã sản xuất kinh doanh ổn định từ năm 1985 đến nay diện tích khoảng 7ha, với 85 hộ sản xuất kinh doanh, tuy nhiên đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện lại phê duyệt là bãi đất bồi,… Bên cạnh đó, việc không áp dụng hình thức ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình xây dựng vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng gây nhiều khó khăn cho chính quyền trong việc áp dụng biện pháp đình chỉ thi công đối với các công trình vi phạm.

Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tất Thắng, huyện Đan Phượng hiện có  4.752ha/77.735ha đất trong quy hoạch, ngoài ra có quy hoạch nông thôn. Trước những khó khăn vướng mắc trong triển khai công tác quy hoạch xây dựng, huyện kiến nghị thành phố quan tâm giải quyết quy hoạch để phát triển Đan Phượng thành quận, tháo gỡ khó khăn cho huyện.

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, huyện Đan Phượng đã triển khai rất sớm, cụ thể trong công tác quy hoạch xây dựng, hiện đang tích cực triển khai quy hoạch chi tiết trung tâm các xã, nhờ đó hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bộ mặt đô thị của huyện đã có khởi sắc đáng kể, là huyện đầu tiên đạt nông thôn mới của thành phố Hà Nội.

Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị huyện tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch xây dựng nói riêng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội nói chung, xác định đây là nhiệm vụ mang tính ổn định, lâu dài và toàn thể cấp ủy, chính quyền phải cùng vào cuộc. Huyện phải rà soát lại các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, phải tích hợp đầy đủ các quy hoạch chuyên ngành vào quy hoạch chung, trong đó hết sức lưu ý lộ trình lên quận vào năm 2025.

Ngoài ra, huyện phải xác định rõ tiềm năng, lợi thế, có giao thông thuận lợi để biến thành cơ hội phát triển. Đồng thời tập trung triển khai đề án lên quận, tập trung vào những nội dung còn gặp khó khăn vướng mắc, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy-HĐND-UBND và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để tháo gỡ kịp thời khó khăn.

QUỐC THỊNH - HỒNG NHUNG (VP HĐND TP)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.912.454
    Online: 131