Trong các ngày 16 và 17/5, đoàn kiểm tra của Thành ủy, do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì, đã làm việc với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; Huyện ủy Thanh Oai; Quận ủy Ba Đình; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 28/6/2016 của Thành ủy Hà Nội.
* Báo cáo với đoàn kiểm tra, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Nguyễn Gia Phương cho biết, thực hiện chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ Trung tâm đã rà soát và đánh giá các nhiệm vụ công việc theo chương trình được giao gắn với các hoạt động, nhiệm vụ trong công tác xúc tiến thường niên của Trung tâm. Các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế thường xuyên được Đảng ủy Trung tâm rà soát tiến độ, đánh giá kết quả hàng tháng để kịp thời điều chỉnh, chỉ đạo, đảm bảo các hoạt động đạt kết quả tốt nhất.
Nhờ đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch đã góp phần giúp chỉ số tổng hợp về năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính của thành phố tiếp tục thăng hạng và giữ vị trí cao so với các tỉnh, thành phố, chỉ số PCI của Hà Nội đã cải thiện rõ rệt: Năm 2016 đứng thứ 14/63 tỉnh thành, đến năm 2018 đứng thứ 9/63 tỉnh thành. Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của thành phố tăng mạnh: Năm 2016 đạt 10,6 tỷ USD, đến năm 2018 đạt 14,2 tỷ USD (tăng 21,6% so với năm 2017). Trong lĩnh vực du lịch, công tác xúc tiến đã góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ ngành du lịch Thủ đô, trong đó, khách du lịch đến với Hà Nội tăng mạnh qua các năm: Năm 2016, đạt 21,8 triệu lượt khách, đến năm 2018, đạt 26,3 triệu khách, trong đó, có 6 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch năm 2018 đạt 77.480 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Gia Phương cũng thẳng thắn nhận định, năng lực, trình độ của cán bộ làm công tác xúc tiến cần phải hoàn thiện nhiều hơn, nhất là kỹ năng làm việc với đối tác nước ngoài, kỹ năng ngoại ngữ, tiếp thị, tổ chức sự kiện tại nước ngoài,… Bên cạnh đó, công tác rà soát, giám sát trong việc triển khai các dự án thu hút đầu tư chưa được tập trung triển khai, việc hướng dẫn chính sách cho các doanh nghiệp cũng còn hạn chế.
Kết luận buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị Trung tâm cần nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến trong cả ba lĩnh vực, tiếp tục nghiên cứu mô hình hoạt động, đề xuất với thành phố mô hình nào để hiệu quả nhất, tuyển dụng cán bộ, viên chức phải ưu tiên trình độ ngoại ngữ, chuyên môn giỏi. Đồng thời, cần xây dựng chương trình riêng về nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, tránh hoạt động chung chung, dàn trải, chú trọng công tác cải cách, minh bạch nền hành chính, đặc biệt phải tăng cường tuyên truyền mạnh mẽ về công tác xúc tiến để tổ chức, doanh nghiệp và nhân biết.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng yêu cầu Trung tâm phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, nghiên cứu quy chế phân cấp để tham mưu UBND TP sửa đổi những vấn đề bất cập, thường xuyên rà soát, rút kinh nghiệm trong việc hỗ trợ về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp, giúp cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư của Thành phố.
* Chiều 16/5, Báo cáo với Đoàn kiểm tra, đồng chí Lê Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết: Huyện đã nghiêm túc triển khai Chương trình 03-CTr/TU. Nhờ đó, kinh tế của huyện tăng trưởng trên các lĩnh vực, thu nhập người dân tăng lên, bình quân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm (2016-2018) đạt 13,95%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Thu ngân sách nhà nước hàng năm đều đạt kết quả cao từ 150-200% kế hoạch được giao.
Đáng chú ý, huyện đã triển khai thực hiện hiệu quả đề án nộp thuế điện tử, trong đó, có 1.169/1.286 đơn vị đã thực hiện đăng ký thành công, đạt 91% so với số đơn vị phải đăng ký nộp thuế điện tử. Huyện cũng chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương, kinh tế ngành, kinh tế tri thức.
Khó khăn của huyện là sản xuất nông nghiệp vẫn chưa thực sự phát triển theo hướng hàng hóa và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, hình thành các chuỗi liên kết còn chưa nhiều. Công tác xây dựng nông thôn mới còn chậm tiến độ, đến nay, mới chỉ đạt 85% kế hoạch. Trên địa bàn huyện vẫn còn tình trạng tập kết rác thải, tập kết vật liệu xây dựng trên các tuyến đường, trên đê gây ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông và mất mỹ quan đô thị. Trong thu ngân sách, Thanh Oai là huyện ngoại thành nên một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhưng thực tế lại đăng ký trụ sở giao dịch và nộp thuế ở địa bàn khác nên nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, cải cách hành chính đã có chuyển biến nhưng thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu trong việc ứng dụng công nghệ. Sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành của một số phòng ban ngành với cơ sở còn chưa chặt chẽ, làm ảnh hưởng tới hiệu quả công việc.
Kết luận buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá huyện Thanh Oai đã triển khai chương trình 03 của Thành ủy bằng 6 chương trình của huyện như chương trình về nông thôn mới, phát triển hạ tầng,… trong đó, cụ thể hóa các chỉ tiêu, kèm theo các nghị quyết chuyên đề như: giải pháp phát triển làng nghề, dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất tư nhân, quản lý tài nguyên,… điều đó thể hiện sự nghiêm túc của huyện trong thực hiện chủ trương của Thành ủy.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, tính bền vững trong phát triển kinh tế của huyện chưa cao, nguồn thu tăng chủ yếu từ đấu giá đất; làng nghề phát triển ngày càng khó khăn, những làng nghề có thương hiệu chưa phát triển mạnh hơn, chưa chiếm lĩnh nhiều hơn trên thị trường. Cải cách hành chính mặc dù có sự tiến bộ nhưng vẫn ở tốp cuối, việc minh bạch thủ tục ở cấp xã, đặc biệt là về thu, chi còn chưa cao và công tác quản lý đất đai, xã hội hóa xây dựng hạ tầng các thiết chế văn hóa còn yếu.
Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu huyện Thanh Oai tập trung rà soát lại toàn bộ văn bản, thống kê, sắp xếp lại các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng yêu cầu của chương trình 03, từ đó triển khai ngay các giải pháp pháp triển kinh tế nhanh và bền vững, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tái cơ cấu trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp. Chú ý giải pháp huy động nguồn lực của địa phương như con người, đất đai, làng nghề, thương hiệu của nghệ nhân, kêu gọi đầu tư,…
Làm việc tại Quận ủy Ba Đình
* Sáng 17/5, làm việc tại Quận ủy Ba Đình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết, xác định cải cách hành chính là một trong hai khâu đột phá, Quận ủy đã thường xuyên chỉ đạo rà soát thủ tục hành chính theo quy định; niêm yết công khai bộ danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; công bố loại bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân khi giao dịch. Hiện nay, trên địa bàn quận có 303 thủ tục hành chính cấp quận, 154 thủ tục hành chính cấp phường.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, quận Ba Đình đã tích cực triển khai Chương trình 03-CTr/TU, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, dịch vụ phát triển nhanh. Liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, đồng chí Ngô Văn Quý đề nghị quận tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thu hút đầu tư. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, quận cần giữ vững tốp đầu của thành phố, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, cần chú trọng phát triển du lịch, tạo môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp trong mắt du khách.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, quận Ba Đình đã xác định được khâu đột phá trong phát triển du lịch, cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị quận sớm có các giải pháp khắc phục những hạn chế; tiếp tục cải cách hành chính; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung trong các lĩnh vực; chú trọng các biện pháp thúc đẩy phát triển du lịch, ngành dịch vụ.
* Làm việc với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, báo cáo của lãnh đạo Sở cho thấy, thực hiện Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy, công tác cải cách thủ tục hành chính của Sở có chuyển biến rõ nét. Mức độ hài lòng của người dân đối với bộ phận một cửa, tiếp công dân đạt cao (96% với lĩnh vực người có công, 86% với lĩnh vực hành chính, việc làm). Từ đó, chỉ số cải cách thủ tục hành chính của Sở tăng vượt bậc, từ thứ 17/22 năm 2016 lên thứ 8/22 năm 2017. Công tác phát triển thị trường lao động, việc làm cũng được quan tâm, nên số lao động được giải quyết việc làm tăng đều qua các năm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị từ 4,22% (năm 2016), xuống còn 2,41% (năm 2018). Cùng với đó, công tác đào tạo, thu hút và phát triển nguồn nhân lực các đơn vị trực thuộc Sở có chuyển biến, tỷ lệ học sinh có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 70%.
Kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã triển khai có hiệu quả Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy; nhất là trong hỗ trợ doanh nghiệp; giải quyết việc làm; thực hiện chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt, công tác phát triển thị trường lao động của Sở có nhiều tiến bộ so với trước; sàn giao dịch việc làm phát triển tốt; đã sáng tạo ký kết với doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động, kết quả số lượng lao động thất nghiệp giảm.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội rà soát, đánh giá việc thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ người lao động trong học nghề; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phân luồng học sinh từ THPT đến các trường nghề. Đặc biệt, Sở phải đánh giá lại hoạt động thí điểm mô hình các sàn giao dịch việc làm, từ đó đề xuất với thành phố mô hình hoạt động phù hợp để hiệu quả hoạt động cao hơn, đáp ứng yêu cầu cung ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị Sở nghiên cứu thông tin thị trường lao động nước ngoài, tăng cường hướng dẫn để người dân tránh bị lừa khi đi xuất khẩu lao động. Đồng thời, Sở chủ động sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công theo chỉ đạo của UBND thành phố, bảo đảm gọn bộ máy, hiệu quả.