Sáng 20/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2020. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo một số bộ, ban ngành của Trung ương.

 

Toàn cảnh cuộc làm việc của Thủ tướng với thành phố Hà Nội

 

Về phía lãnh đạo TP Hà Nội tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của TP.
 
Xây dựng 3 kịch bản để tăng trưởng đạt mục tiêu cao nhất
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, do tác động của Covid-19, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng của Hà Nội đều thấp hơn so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra. Trong đó, kinh tế chỉ tăng trưởng 3,72%, chỉ hơn một nửa so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng 3,72% là nhờ duy trì tăng trưởng của ngành công nghiệp - xây dựng trong tháng 1 và 2, thời điểm chưa chịu tác động của Covid-19. Thu ngân sách chưa bị ảnh hưởng do nhiều khoản thu chuyển từ quý 4 năm ngoái chuyển sang quý 1 năm nay.
 
Một số lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có cơ hội phát triển như: sản phẩm công nghiệp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin; sản xuất nông nghiệp giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nhưng ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và vẫn có cơ hội phát triển trong năm nay.  
 
Tuy nhiên, áp lực hoàn thành các mục tiêu cả năm nay của Thành phố là rất lớn bởi khó khăn của Covid-19. Chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ, nhất là nhóm thực phẩm. Tiến độ thi công một số công trình còn chậm, ảnh hưởng tỷ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Số vụ vi phạm về ma túy, tín dụng đen, vi phạm pháp luật về môi trường vẫn cao.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung báo cáo tại buổi làm việc
 
Trước bối cảnh đó, Hà Nội dự báo và xây dựng một số kịch bản cho các tình huống cụ thể để đạt mục tiêu cao nhất như kế hoạch đề ra của năm nay, đó là tăng trưởng 7,5%. Kịch bản thứ nhất, kết thúc giãn cách toàn xã hội vào 22/4 hoặc 3/5 năm nay, các hoạt động của nền kinh tế được tháo gỡ từng bước và hoạt động bình thường vào đầu tháng 7/2020.

Kịch bản thứ hai là dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế trong quý 2 nhưng vẫn có nguy cơ lây lan đến hết năm 2020 do dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực chưa được kiểm soát nên việc khôi phục kinh tế và các hoạt động xã hội chưa thể ở mức bình thường mà chỉ duy trì ở mức tối thiểu.
 
Kịch bản thứ ba là dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ cao trong. Quý II không thể kiểm soát mặc dù đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nên kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
 
Từ dự báo các tình huống đó, Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã để tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2020. Trong đó, sẽ tập trung xây dựng các phương án thu, chi ngân sách, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên và chi đột xuất trong giai đoạn dịch Covid-19.
 
Kiến nghị cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù
 
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong thực hiện xây dựng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại điều 89 Luật Đầu tư công “việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 02 kỳ kế hoạch đầu tư công liên tiếp phải đảm bảo tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thịực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn trước” do Luật Đầu tư 2019 mới có hiệu lực từ 1/1/2020 trong khi danh mục dự án đang thực hiện đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt từ các năm trước đây.
 
Để bảo đảm nguồn lực triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố, nhất là các công trình trọng điểm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo của bộ, ngành quan tâm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về: Quyết định hỗ trợ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi theo quy định tại Điều 21 Luật Thủ đô; nâng tỷ lệ ngân sách Thành phố được giữ lại hiện nay là 35% lên thành 42% cho thời kỳ ốn định ngân sách mới (2021-2025) để bảo đảm nguồn lực phát triển Thủ đô.
 
Ngoài ra, Thành phố kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất. Cho phép thành phố Hà Nội thực hiện rà soát, lựa chọn danh mục một số công trình cấp bách, cần thiết trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và có tác động lan tỏa trong việc phát triển kinh tế xã hội thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, ùn tắc giao thông.
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc
 
Không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch Covid-19
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương TP Hà Nội đã nỗ lực, làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Về tình hình kinh tế - xã hội TP, theo Thủ tướng, quý I/2020, duy trì tăng trưởng dưới 4% là một cố gắng và có một số điểm sáng.
 
Tuy nhiên Thủ tướng lưu ý một số vấn đề, đó là cần tiếp tục đề cao cảnh giác trong phòng chống Covid-19, không thể chủ quan. Do ảnh hưởng của dịch, các chỉ tiêu của Hà Nội đều thấp hơn so với cùng kỳ, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành kế hoạch năm 2020. Tiến độ thi công một số công trình còn chậm, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn, mà theo báo cáo của Hà Nội, còn 50.000 tỷ đồng chưa giải ngân được. Đặc biệt, quý I, huy động vốn xã hội chưa đạt kế hoạch. Trong khi vốn là một kênh tăng trưởng, Hà Nội cần quan tâm vấn đề này.
 
Thủ tướng ghi nhận cam kết của lãnh đạo TP Hà Nội là Thủ đô sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế đất nước trong năm 2020, đề nghị Hà Nội giải quyết 10 tồn tại mà lãnh đạo Thành phố đã nêu, trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vào 4 tồn tại. Một là, ở Đồng Tâm, cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới. Thứ hai là Dự án 8B Lê Trực, cần bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong. Thứ ba, đối với công trình đường sắt Cát Linh-Hà Đông, cần phải tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ GTVT cần bàn với đối tác xử lý dứt điểm trước tháng 6/2020. Tồn tại thứ tư cần khẩn trương xử lý dứt điểm là vấn đề mương Phan Kế Bính.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
 
Thủ tướng cũng chia sẻ và thống nhất với tầm nhìn phát triển Hà Nội trong thời gian tới là thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; nơi tập trung nhiều cơ sở hàng đầu về kinh tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, môi trường sống thân thiện, bền vững, an ninh, an toàn; nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ; con người thủ đô văn minh, thanh lịch, năng động, tiêu biểu về trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
 
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tiên trong mục tiêu kép là tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tự mãn. Hà Nội cần tiếp tục làm tốt việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, triển khai nhanh, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội, các đối tượng bị ảnh hưởng.
 
Thực hiện mục tiêu kép quyết liệt, chủ động, sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Trong đó, những phương án phát triển dịch vụ, đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân, phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, chế tạo… là những việc cần thiết. Ngoài ra, sáng tạo trong huy động nguồn lực, phù hợp với việc đón bắt thời cơ, Thủ tướng nêu rõ phương châm hành động là phải nhanh, chính xác và kịp thời.
 
Thủ tướng cũng lưu ý việc bảo đảm nước sạch cho người dân với giá phù hợp, đồng thời cho biết, đã yêu cầu Chủ tịch các tỉnh có văn bản giảm giá nước để hỗ trợ người dân, giống như ngành viễn thông đã hỗ trợ giảm giá với tổng số tiền 15.000 tỷ đồng, ngành điện là 12.000 tỷ đồng.
 
Vấn đề bảo vệ môi trường đô thị, chất lượng cuộc sống người dân rất quan trọng, Thủ tướng lưu ý Hà Nội giải quyết vấn đề môi trường sông Đáy, sông Nhuệ. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng nền hành chính của Hà Nội là nền hành chính phục vụ, văn minh và thanh lịch, làm sao giải quyết tình trạng không còn khiếu kiện đông người, tiềm ẩn mất an ninh trật tự. Không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
 
Đối với các kiến nghị cụ thể của Hà Nội, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo giải quyết với tinh thần là các Bộ cùng tháo gỡ, tạo điều kiện cho Hà Nội. Thành phố cần kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, những nội dung vượt thẩm quyền lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét, giải quyết.

Theo hanoi.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.913.798
    Online: 102