Sáng 22/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); một số bộ, ban, ngành liên quan về một số nội dung lớn trong công tác quản lý TN&MT trên địa bàn Thủ đô.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung. Lãnh đạo các bộ: TN&MT, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lãnh đạo UBND Thành phố và một số sở, ngành Thành phố. Lãnh đạo HĐND Thành phố tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND; Nguyễn Nguyên Quân, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Đô thị HĐND Thành phố.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ, vấn đề quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu luôn là vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển, nhất là đối với đô thị đang có tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội. Trong những năm qua, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo, cụ thể hóa thành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng để triển khai. Thực tế, công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn là một vấn đề lớn cả trước mắt và lâu dài, liên quan đến những vấn đề dân sinh bức xúc. Do vậy, thông qua hội nghị, lãnh đạo Thành phố mong muốn các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, có giải pháp giúp Thành phố giải quyết căn cơ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững...

Tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt đạt 30%

Trình bày báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: Từ năm 2015 đến nay, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã ban hành 25 chương trình, nghị quyết, kế hoạch, đề án… về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, trước nhu cầu cấp bách của công tác bảo vệ môi trường, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Trên cơ sở đó, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 03/7/2017 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết.

  

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông báo cáo tại buổi làm việc

Sau gần 3 năm thực hiện, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố có một số chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt ở ngoại thành đạt 89%, nội thành đạt 100%; chất thải y tế thu gom, xử lý đạt 100%. Thành phố cũng đã tập trung xử lý ô nhiễm tại 90 hồ khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành; xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Đề án Sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, trong đó đã hoàn thành công tác điều tra, đánh giá hiện trạng các nguồn thải lỏng đổ vào lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Đặc biệt, Thành phố đã xây dựng 8 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, với tổng công suất 296.700 m3/ngày đêm, xử lý khoảng 30% tổng lưu lượng nước thải phát sinh của Thành phố. Ngoài ra, có 9/9 khu công nghiệp và 26/43 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung; 100% các bệnh viện tư nhân và 26/28 (đạt tỷ lệ 92,8%) bệnh viện do Thành phố quản lý có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Bên cạnh đó, từ tháng 12/2016, Hà Nội đã đưa vào vận hành 11 trạm quan trắc không khí tự động và chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí của Thành phố, trên cơ sở đó, triển khai 19 giải pháp tổng thể, như Đề án hạn chế phương tiện cá nhân; trồng 1 triệu cây xanh; hạn chế tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong; không đốt rơm rạ tại các huyện ngoại thành…

Tuy vậy, báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố cũng nêu rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, như khoảng cách thu gom và vận chuyển từ nguồn thải đến nơi xử lý xa, chưa hiệu quả; việc xử lý rác thải vẫn chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, dẫn đến quá tải các khu xử lý rác thải tập trung. Lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý trên địa bàn Thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% tổng lưu lượng phát sinh, còn lại 70% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý. Trong khi hạ tầng thu gom nước thải còn thiếu đồng bộ, chưa tách riêng được nước thải và nước mưa; tiến độ triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt còn chậm và chưa có cơ chế đặc thù để thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Về công tác quản lý đất đai, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 01/9/2016; UBND Thành phố có Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17/5/2016 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lũy kế đến 20/4/2020, toàn Thành phố đã thực hiện đăng ký kê khai đất đai lần đầu đối với 1.551.951 thửa (đạt 100%), trong đó: đã cấp giấy chứng nhận được 1.355.510 thửa/1.355.510 thửa đủ điều kiện, đạt 100%; thực hiện đăng ký đất đai lần đầu với 196.441 thửa đất chưa cấp được giấy chứng nhận do có tồn tại, vướng mắc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Hà Nội nêu nhiều kiến nghị với Chính phủ, Bộ TN&MT liên quan đến việc sửa đổi một số luật, nghị định để thống nhất quản lý, khắc phục những vướng mắc; ban hành cơ chế đặc thù, đặc biệt là xây dựng đơn giá xử lý nước thải nhằm thu hút xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp. Trong lĩnh vực quản lý đất đai và GPMB, Hà Nội kiến nghị được thực hiện cơ chế đặc thù khi GPMB như Thành phố Hồ Chí Minh; phân cấp cho HĐND Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên nhằm giảm bớt thủ tục hành chính. Ngoài ra, Hà Nội cũng kiến nghị Bộ TN&MT hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong việc giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh.

Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ TNMT và các bộ, ngành đánh giá cao sự chủ động, năng động của Hà Nội khi tổ chức làm việc chuyên đề về công tác quản lý tài nguyên, môi trường, bởi đây không chỉ là vấn đề quan trọng trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược trong sự phát triển bền vững. Ghi nhận và giải đáp những vấn đề Hà Nội kiến nghị, đề xuất, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, đây cũng là những vấn đề chung đặt ra không chỉ đối với Hà Nội, mà còn của cả nước. Thông qua buổi làm việc cũng là dịp để các bộ, ngành tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật...

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Theo Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, trong những năm qua, Hà Nội đã xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn, công tác quản lý về đất đai, môi trường đi vào nền nếp hơn. Nhưng nhìn ở từng góc độ riêng lẻ như quản lý chất thải rắn, môi trường nước, không khí vẫn đặt ra vấn đề và là sức ép trong quá trình phát triển. Theo Bộ trưởng đây là hạn chế, bất cập nhưng cũng là cơ hội để Hà Nội có sự bứt phá trong việc đưa ra những quyết sách phù hợp. Và Hà Nội cần huy động được sức mạnh tập thể của cả cộng đồng để bảo vệ môi trường.

Theo Bộ trưởng Bộ TNMT, đặt trong bối cảnh xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, đòi hỏi những yêu cầu, mục tiêu cao hơn về quy hoạch, xây dựng, sử dụng không gian ngầm, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai... Bộ trưởng Bộ TNMT nêu dẫn chứng, hiện nay Hà Nội có 46% đất nông nghiệp, trong khi định hướng của Thành phố là phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, mà tỷ lệ đất dành cho các lĩnh vực này chưa tương xứng. Do vậy, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội, là dư địa để Hà Nội phát triển trong những năm tới.

Chù tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc

Liên quan đến vấn đề khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, trong đó có khu vực hai bên sông Hồng, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, từ năm 2017, Thành phố đã hoàn thành quy hoạch phân lũ sông Hồng và sông Thái Bình, nhưng sau khi có Luật Quy hoạch thì nhiệm vụ này lại thuộc Bộ NN&PTNT. Do vậy, Chủ tịch UBND Thành phố kiến nghị Chính phủ phân quyền cho Hà Nội được tiếp tục phê duyệt quy hoạch phân lũ, trên cơ sở đó mới triển khai được quy hoạch 2 bên sông Hồng. Theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, nếu triển khai quy hoạch 2 bên sông Hồng sẽ khai thác được hàng nghìn hecta đất 2 bên sông, tạo nguồn lực để xây dựng đô thị sinh thái, đồng thời không phải di chuyển khoảng 1 triệu dân đang sinh sống tại đây. Ngoài ra, tạo điều kiện để cải tạo hạ tầng, điện, đường, trường, trạm khu vực 2 bên bờ sông; xây dựng tuyến đê kết hợp đường giao thông cho Thành phố...

Đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý nước thải sinh hoạt

Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị sau hội nghị, Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành thông báo chung, trong đó xác định rõ trách nhiệm của Thành phố và Bộ trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất được nêu tại cuộc làm việc. Đồng chí yêu cầu, mỗi vấn đề phải phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ quy trình, rõ hiệu quả; trên cơ sở đó thúc đẩy việc giải quyết phấn đấu từ nay đến hết năm 2020, tạo ra được chuyển biến rõ rệt về quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn Thành phố.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc

Lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ môi trường của Thành phố thời gian tới, Bí thư Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tập trung rà soát, triển khai quy hoạch xử lý chất thải rắn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung, các dự án áp dụng công nghệ đốt rác phát điện trọng điểm, nhất là dự án tại Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì), gắn với nâng cấp các nhà máy hiện có...

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải; triển khai từng bước chương trình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt sông Đáy, nạo vét chính sông Nhuệ; phối hợp với các tỉnh xây dựng đề án bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải, trong đó có sông Cầu Bây; hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước gắn với tăng cường quản lý các nguồn xả thải... để phấn đấu mục tiêu 100% nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý.

Đồng chí yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp và 2 bệnh viện còn lại; yêu cầu toàn bộ các khu cụm công nghiệp mới phải có khu xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động. Đặc biệt lưu ý việc kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt, bảo đảm an ninh nguồn nước và sức khỏe nhân dân, Bí thư Thành ủy chỉ đạo kiện toàn ngay bộ phận giám sát hệ thống cấp nước sạch trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để phát hiện kịp thời, không xảy ra sự cố. 

Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND Thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ô nhiễm không khí, tinh thần là phải quyết liệt; đơn vị nào thực hiện không đúng quy trình, làm kém hiệu quả phải cắt hợp đồng. Mục tiêu từ nay đến cuối năm, phải tạo chuyển biến căn bản hai lĩnh vực là ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí.

Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường và các quận, huyện, thị xã phải rà soát, lên danh sách toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, giao thời hạn khắc phục. Sau thời hạn không khắc phục được thì cho dừng hoạt động.

Về quản lý đất đai, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND Thành phố sớm hoàn thành hệ thống hồ sơ địa chính, tinh thần là làm đến đâu cập nhật đến đó; đồng thời tăng cường thanh tra, xử lý kịp thời vi phạm, xử lý dứt điểm các vi phạm đã có kết luận; tăng cường phối hợp với các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ. Đối với các dự án có vướng mắc về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, phải rà lại từng dự án gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể để xem xét, giải quyết bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

 

Theo hanoi.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.910.732
    Online: 124