Ngày 16/6/2020, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố, Trưởng đoàn giám sát số 1 của Thường trực HĐND Thành phố đã tổ chức giám sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn từ năm 2016 đến nay tại UBND các Huyện Mê Linh và Sóc Sơn.
Cùng dự với Đoàn giám sát có đồng chí đại diện lãnh đạo các Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; Hội nông dân Thành phố; Liên đoàn Lao động Thành phố; Hội liên hiệp Phụ nữ Thành phố; Đại diện lãnh đạo các Sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Nội vụ; Công thương; Tài chính; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Kế hoạch và Đầu tư; Ban Quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội.
Đ/c Nguyễn Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố, Trưởng đoàn giám sát số 1 phát biểu tại UBND Huyện Sóc Sơn
Tại UBND Huyện Mê Linh, báo cáo với đoàn giám sát, đồng chí Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND Huyện cho biết từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức 127 lớp dạy nghề cho 4.370 lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (trong đó: nghề phi nông nghiệp 29 lớp với 990 học viên, nghề nông nghiệp 98 lớp với 3.380 học viên), là đơn vị có số lao động nông thôn được đào tạo đứng thứ 6 của Thành phố; số người có việc làm sau đào tạo nghề hàng năm đạt 82,95%. Ngoài ra Huyện đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, phát thanh thông qua hệ thống truyền thanh của huyện, xã, thị trấn; treo băng zôn, khẩu hiệu tại các tuyến đường trung tâm của huyện; phối hợp với Đài PTTH Hà Nội xây dựng 284 tin, 20 bài tuyên truyền, phát sóng 02 phóng sự về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện.
Tại UBND Huyện Sóc Sơn, báo cáo với đoàn giám sát đồng chí Lê Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND Huyện cho biết, từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức 175 lớp đào tạo nghề với 6.079 lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (trong đó: Nghề Nông nghiệp: 5.414 lao động, chiếm 89,06% tổng lao động được đào tạo; Nghề Phi nông nghiệp: 665 lao động, chiếm 10,94%), là đơn vị có số lao động nông thôn được đào tạo đứng thứ 4 Thành phố; số người có việc làm sau đào tạo nghề là đạt tỷ lệ 88,37%. Huyện cũng đã xây dựng, triển khai được 12 mô hình điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với mức thu nhập bình quân 3.000.000 - 4.500.000 đồng/người/tháng.Việc triển khai đào tạo nghề trên địa bàn Huyện đã góp phần cung cấp thêm các kỹ năng, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống cho lao động nông thôn sau khi học nghề.
Tại buổi làm việc, các ý kiến của thành viên đoàn giám sát đều ghi nhận và đánh giá cao về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn 2 huyện Mê Linh và Sóc Sơn. Các huyện đã huy động được các hội, đoàn thể vào tham gia, sau đào tạo đã giải quyết được việc làm cho số lượng lớn lao động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đoàn giám sát nhận định, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn hai huyện Mê Linh và Sóc Sơn còn một số hạn chế, cụ thể: Công tác đào tạo nghề theo nhu cầu người học hiệu quả chưa cao, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đa số học viên sau học nghề nông nghiệp phải tự tạo việc làm và làm công việc cũ, chưa có doanh nghiệp nào kết nối đặt hàng tuyển dụng sau học nghề; thu nhập chưa cao và không ổn định; việc tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Một số nghề chưa phát huy được hiệu quả sau đào tạo, người lao động sau khi học nghề chưa duy trì được nghề lâu dài.
Nguyên nhân nguyên nhân là do công tác điều tra, dự báo nhu cầu học nghề, tư vấn cho người lao động ở một số đơn vị chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác khảo sát nhu cầu học nghề chưa sát thực tế, dẫn đến việc đào tạo nghề theo nhu cầu của người học chưa đạt hiệu quả cao, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Đặc biệt, sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực đào tạo, giải quyết việc làm chưa sát thực tiễn.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố đề nghị hai huyện Mê Linh và Sóc Sơn tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn. Trong đó, hai huyện cần chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề nhằm thay đổi nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm học nghề của người lao động.
Đặc biệt, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố đề nghị hai huyện rà soát, xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu đào tạo nghề sát với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các nghề nông nghiệp cần phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp; chú trọng đào tạo theo chuỗi sản phẩm, đào tạo gắn với sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị UBND hai huyện phối hợp tốt hơn với các doanh nghiệp trên địa bàn trong giải quyết việc làm sau đào tạo, thúc đẩy cơ chế đặt hàng trong đào tạo, từ đó giúp người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Đối với việc đào tạo các nghề phi nông nghiệp, cần khảo sát kỹ nhu cầu lao động, quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ… tại địa phương.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố cũng đề nghị các sở, ngành phối hợp với các huyện, kịp thời tham mưu cho thành phố về cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chủ động đề xuất tham mưu Thành phố các giải pháp để triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn Thành phố./.