Ngày 23/6/2020 đồng chí Phùng Thị Hồng Hà - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố, chủ trì đoàn giám sát của Thường trực HĐND Thành phố giám sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn từ năm 2016 đến nay tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

Cùng dự với Đoàn giám sát có các đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; Hội nông dân Thành phố; Liên đoàn Lao động Thành phố; Hội liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Thành Đoàn Hà Nội; Đại diện lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Nội vụ; Công thương; Tài chính; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Kế hoạch và Đầu tư; Ban Quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội.

Đ/c Phùng Thị Hồng Hà - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố phát biểu tại buổi làm việc với Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Báo cáo với đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết từ năm 2016 đến nay, toàn Thành phố đã tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 76.203 người (trong đó: nghề nông nghiệp: 47.352 người chiếm 62,14%; nghề phi nông nghiệp: 28.851 người chiếm 37,86%). Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt 88, 46%, trong đó: tỷ lệ lao động được doanh nghiệp/đơn vị tuyển dụng chiếm 11,26%; được doanh nghiệp/đơn vị bao tiêu sản phẩm chiếm 10,97%; tỷ lệ lao động sau học nghề tự tạo việc làm chiếm 76,69%; số lao động thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp chiếm 1,08%.

Tính đến 31/12/2019, trên địa bàn Thành phố có 370 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp: 123 đơn vị công lập (Trung ương 61 đơn vị; địa phương 62 đơn vị) và 247 đơn vị ngoài công lập (tổng số giáo viên tại các cơ sở dạy nghề công lập của Thành phố là: 1.529 giáo viên: trong đó, 1.194 giáo viên cơ hữu và 335 giáo viên thỉnh giảng).

Một số địa phương đã áp dụng mô hình đào tạo thí điểm đã thu hút được nhiều lao động tham gia học nghề và nâng cao thu nhập cho người lao động như: mô hình đào tạo may công nghiệp tại huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai; mô hình phối hợp đào tạo với doanh nghiệp nghề sản xuất mây tre giang đan tại huyện Chương Mỹ; mô hình đào tạo nghề trồng cây ăn quả, nấm ăn, nấm dược liệu tại: Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì...

Tại buổi làm việc, các ý kiến của thành viên đoàn giám sát đều ghi nhận những kết quả mà ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Thủ đô đã đạt được, qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đoàn giám sát nhận định, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương còn chưa sâu sát; công tác rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động chưa được chú trọng, chưa sát với thực tế; công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm tuy có triển khai nhưng chưa được thường xuyên; việc tư vấn lựa chọn nghề học chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới của địa phương và các làng nghề truyền thống; danh mục các nghề đào tạo, chương trình đào tạo chưa được cập nhật thường xuyên, chưa có các nội dung đào tạo chuyên sâu, nâng cao; Thời gian đào tạo theo chương trình đào tạo sơ cấp tại một số địa phương chưa phù hợp; Công tác thống kê kết quả giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề tại một số địa phương chưa đảm bảo chính xác; Chính sách tín dụng sau học nghề còn nhiều vướng mắc, nguồn vốn vay chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho vay giải quyết việc làm cho người lao động; Việc phối hợp của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn còn hạn chế; Kết quả sau đào tạo nghề chủ yếu là người lao động tự tạo việc làm, số lao động được tuyển dụng vào các doanh nghiệp, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chiếm tỷ lệ thấp; Số lao động sau đào tạo nghề có việc làm với thu nhập khá và ổn định còn thấp…

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị Sở Lao động Thương binh chủ trì và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và các đơn vị có liên quan tăng cường trách nhiệm trong quản lý nhà nước về dạy nghề theo qui định; Rà soát, tham mưu cho UBND Thành phố điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề; phê duyệt đề án sắp xếp các trường dạy nghề, chương trình, dự án phát triển dạy nghề của Thành phố trình HĐND Thành phố; Nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với người học nghề và các chính sách khác có liên quan không còn phù hợp với thực tế hiện nay; Điều chỉnh, bổ sung kịp thời danh mục nghề đào tạo cho phù hợp với nhu cầu người lao động và thực tế của địa phương và nhu cầu của doanh nghiệp; rà soát đảm bảo các nghề phải phù hợp với các quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch phát triển chuyên ngành, định hướng kinh tế xã hội và, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí việc làm của thị trường và trong doanh nghiệp; Nghiên cứu, đề xuất với UBND Thành phố, kiến nghị với Trung ương về thời gian đào tạo nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp cho phù hợp với thực tế; đề xuất các giải pháp để triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn Thành phố; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn của các cơ sở đào tạo nghề, đảm bảo việc tổ chức dạy và học đúng đối tượng; rà soát, tham mưu với UBND Thành phố trong phân công trách nhiệm và có đánh giá hiệu quả từ khâu rà soát nhu cầu đào tạo đến khâu tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn tại từng địa phương./. 

 

TRUNG NAM - NGUYỄN THANH (VP HĐND TP)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.906.816
    Online: 338