Trước và sau kỳ họp lần thứ mười tám (khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021), HĐND thành phố Hà Nội nhận được 328 ý kiến, kiến nghị của cử tri tập trung các lĩnh vực về cơ chế - chính sách, kinh tế - văn hóa, đô thị - đất đai - giải phóng mặt bằng… Ngay sau khi tiếp nhận các kiến nghị, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung giải quyết đạt những kết quả tích cực và có hướng xử lý trong thời gian tới.
Công tác đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường Tây Thăng Long và trục đường Bắc Nam được nhiều cử tri thành phố Hà Nội quan tâm trong thời gian qua. Trong ảnh: Tuyến giao thông trục Tây Thăng Long với 10 làn xe, đi qua 3 phường thuộc quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Giang Huy
Tạo đủ nguồn lực cho các huyện xây dựng hạ tầng
Thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách liên quan đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, điều tiết nguồn thu, giải phóng mặt bằng… được cử tri các huyện: Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Oai, Ứng Hòa đề cập. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, những vấn đề cử tri kiến nghị này đều là nhóm vấn đề quan trọng, bởi thực tiễn triển khai còn bất cập.
Tiếp thu, giải quyết các vấn đề cử tri nêu, đối với lĩnh vực xây dựng nông thôn mới nâng cao, UBND thành phố khẳng định, ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách thành phố, các địa phương cũng cần chủ động bố trí ngân sách cấp huyện, xã và các nguồn vốn khác để thực hiện, đồng thời lưu ý không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong lĩnh vực này. Về chấp thuận, cho cơ chế cấp lại các huyện toàn bộ 60% nguồn tiền thu giao đất các dự án đã điều tiết về thành phố, cho phép cấp huyện sử dụng 100% nguồn thu từ giao đất các dự án trên địa bàn để đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, xây dựng nghị quyết điều chỉnh thực hiện trong giai đoạn 2022-2025. Ngoài ra, UBND thành phố chủ trương nghiên cứu theo hướng tạo nguồn lực cho một số huyện phát triển hạ tầng cơ sở, đồng thời cũng bảo đảm nguồn lực tập trung cho các công trình trọng điểm của Thủ đô.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, các kiến nghị của cử tri huyện đã được tiếp thu. Mong rằng, UBND thành phố sớm xem xét, nghiên cứu các phương án điều tiết nguồn thu, tạo điều kiện quan trọng giúp huyện có nguồn lực đủ lớn để xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Cử tri quận Hai Bà Trưng kiến nghị HĐND thành phố Hà Nội các vấn đề quan tâm trước kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố khóa XVI qua hình thức trực tuyến.
Rà soát các đồ án quy hoạch
Nhóm vấn đề quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, môi trường được cử tri các huyện: Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai và quận Hai Bà Trưng đặc biệt quan tâm. Cử tri Nguyễn Thị Thuần (thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) đề xuất, thành phố sớm triển khai đồng bộ các lĩnh vực này để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Với những đồ án, dự án chưa bảo đảm chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (trong đó có công trình văn hóa, thể thao, trường học, nhà trẻ...), trước kiến nghị nhiều lần của cử tri, thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành tăng cường đôn đốc, giám sát các nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án thực hiện đầu tư dứt điểm theo quy hoạch đã được duyệt. Đặc biệt, đối với các dự án khu đô thị mới, UBND thành phố đã thống nhất chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mới khi doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, trường học... ở các dự án trước đó.
Trong khi đó, công tác đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường phát triển Tây Thăng Long và trục đường Bắc Nam đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ, kết nối thị xã Sơn Tây với trung tâm thành phố cũng được nhiều cử tri quan tâm. Hiện nay, dự án này đoạn qua địa phận thị xã Sơn Tây đã cơ bản hoàn thành, đoạn từ hồ Tây đến đường Vành đai 3 đã được đầu tư xây dựng; đoạn từ đường Vành đai 3 đến đường Vành đai 3,5 đã giao cho quận Bắc Từ Liêm đầu tư; đoạn qua địa bàn huyện Đan Phượng và Phúc Thọ chưa được triển khai và sẽ được UBND thành phố giải quyết trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đối với phương án thu hồi xe máy tự chế (xe ba bánh) và xe máy cũ để bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, UBND thành phố đã giao Sở Giao thông - Vận tải tổ chức thực hiện. Hiện cơ quan này đang phối hợp với các đơn vị, địa phương và Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu triển khai.
Riêng những sai phạm tại dự án CT6C (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của hơn 1.600 hộ gia đình, hiện các cơ quan của thành phố đang giải quyết theo quy định của pháp luật. Sau khi có kết quả điều tra của cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc bản án của Tòa án nhân dân (nếu có), trên cơ sở những yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về trách nhiệm của chủ đầu tư phải khắc phục đối với các sai phạm tại dự án, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với UBND thành phố phương hướng xử lý bảo đảm đúng quy định.
Cử tri Đặng Thị Thu Hương (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) chia sẻ, mặc dù còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để, song những nội dung cử tri nêu đều được UBND thành phố tiếp thu, trả lời. Đặc biệt, một số vụ việc cụ thể liên quan đến công trình vi phạm trật tự xây dựng cũng đã được điều tra nên người dân yên tâm, tin tưởng vào pháp luật.
Dự kiến, ngay khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư được khống chế, kỳ họp thứ hai HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI (nhiệm kỳ 2021-2026) sẽ được tổ chức. Theo đó, những kiến nghị của cử tri, phương án giải quyết của UBND thành phố thời gian qua dự kiến là một trong những nội dung trong chương trình kỳ họp, hứa hẹn thu hút sự quan tâm của cử tri Thủ đô.