Thực hiện Quyết định số 98/QĐ-HĐND ngày 23/8/2021 của Thường trực HĐND Thành phố, sáng ngày 08/9/2021 Đoàn giám sát của Thường trực HĐND Thành phố do đồng chí Phùng Thị Hồng Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố chủ trì tổ chức giám sát tình hình thực hiện một số Nghị quyết do HĐND, Thường trực HĐND Thành phố ban hành và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ các đối tượng khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Chử Xuân Dũng - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, lãnh đạo các Ban HĐND Thành phố, các số sở, ngành có liên quan.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP phát biểu tại buổi làm việc

Trong thời gian vừa qua, Thường trực HĐND Thành phố đã tổ chức giám sát thông qua báo cáo của 12 Sở, Ngành và 30 quận, huyện, thị xã; giám sát trực tiếp tại 07 quận, huyện. Qua giám sát Thường trực HĐND Thành đánh giá: Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, việc thực hiện công tác hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các quy định của Trung ương và chính sách đặc thù của Thành phố đã được các sở, ngành có liên quan và các địa phương nhanh chóng tiến hành triển khai thực hiện. Đến nay, mặc dù trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng các đơn vị, đặc biệt là ngành Lao động Thương binh và Xã hội, các cấp, các ngành vẫn đang khắc phục mọi khó khăn để rà soát, thẩm định hồ sơ, phê duyệt danh sách và tổ chức chi trả cho các đối tượng, đảm bảo kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng, góp phần vào việc chăm lo đời sống nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Tính đến 16h ngày 07/9/2021, trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt và sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến quận, huyện, xã, phường, tổ dân phố với quyết tâm giúp người dân sớm được thụ hưởng chính sách, chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của thành phố Hà Nội và huy động xã hội hoá để quyết định hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí 946,84 tỷ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 754,808 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 192,032 tỷ đồng).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc tổ chức thực hiện các chính sách trên còn nhiều bất cập như: công tác tuyên truyền còn hạn chế, dẫn đến nhiều đối tượng thụ hưởng chưa nắm bắt và làm thủ tục hồ sơ để hưởng các chế độ, chính sách. Việc rà soát một số nhóm đối tượng tại một số đơn vị còn chậm, đặc biệt là nhóm lao động tự do, còn có tâm lý chờ người dân đến làm các thủ tục dẫn đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng chưa kịp thời và đúng thời điểm; một số cấp ủy đơn vị chưa thực sự tích cực vào cuộc dẫn đến kết quả triển khai còn hạn chế, việc phối hợp giữa một số đơn vị còn chưa đồng bộ...

Nguyên nhân là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên địa bàn thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội nên việc tiếp cận tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng gặp nhiều khăn; việc đi lại, làm thủ tục đề nghị hỗ trợ của người lao động, hộ kinh doanh cũng bị hạn chế; thời gian tiếp nhận, giải quyết chính sách hỗ trợ dài nên nhiều đối tượng thuộc diện hỗ trợ chưa làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ ngay trong thời điểm này. Một số quy định còn bất cập, vướng mắc dấn đến người dân khó hoàn thiện thủ tục, các đơn vị khó chi trả chế độ chính sách cho các đối tượng được thụ hưởng...

Ngoài ra, lực lượng cán bộ các phường, xã, thị trấn và các cơ quan đơn vị phải tập trung nhiều vào công tác phòng, chống dịch (trực chốt, phục vụ công tác xử lý, điều tra khoanh vùng dịch các trường hợp F0, F1...), công tác tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ kịp thời các nguồn vận động, xã hội hóa đến các hộ gia đình, người lao động khó khăn... Số đối tượng được hưởng chính sách nhiều, có đối tượng cùng hưởng 2-3 chế độ dẫn tới quá trình rà soát trùng lặp mất nhiều thời gian; trong khi số lượng công chức, cán bộ thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội còn hạn chế.

Tại buổi làm việc, đồng chí Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, toàn thành phố đã triển khai chính sách của Trung ương và thành phố hỗ trợ các nhóm đối tượng kịp thời; nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, để nhanh chóng tiếp cận người dân khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn những khó khăn, vướng mắc và thành phố đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ, nhưng một số đơn vị vẫn lúng túng, cứng nhắc, nên hiệu ứng của chính sách đến với người dân chưa thực sự rõ ràng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, sau buổi giám sát, UBND thành phố sẽ có văn bản yêu cầu các đơn vị đôn đốc, chấn chỉnh; rà soát, bổ sung đối tượng ngoài các chính sách đã ban hành để tham mưu cho thành phố xem xét, hỗ trợ.

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp các vướng mắc khó khăn trong việc tổ chức triển khai các chính sách trên, chủ động đề xuất tham mưu Thành phố các giải pháp để triển khai có hiệu quả công tác hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Ngành, quận, huyện, thị xã tổng hợp, đôn đốc các chính sách Trung ương và Thành phố trong việc hỗ trợ các đối tượng khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, đồng thời rà soát các đối tượng khó khăn chưa được quy định trong các chính sách của Trung ương và Thành phố báo cáo UBND Thành phố xem xét bổ sung trình các chính sách phù hợp theo quy định. Chỉ đạo Sở Thông tin Truyền Thông và các Sở Ngành phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách và các đối tượng được hưởng để người dân nắm bắt, chuẩn bị hồ sơ. Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương chi trả một số chính sách chưa tổ chức thực hiện, giao các đơn vị đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đảm bảo việc chi trả đúng đối tượng, kịp thời và đúng thời điểm.

Trung Nam (VP)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    717 người đã bình chọn
    Thống kê: 4.984.690
    Online: 255