Sáng ngày 23/10, Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành phiên thảo luận Tổ về 02 dự án Luật: Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành phiên thảo luận Tổ
Trước khi thảo luận tại Tổ, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Ý kiến của các đại biểu tập trung quan điểm xây dựng luật là, cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác và trong môi trường công nghệ số.
Đại biểu Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội góp ý dự thảo Luật
Đại biểu Bùi Huyền Mai cho rằng, cần phải sửa đổi Luật Điện ảnh cho phù hợp với thực tiễn, với 4 nhóm chính sách: tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật phải bảo đảm cụ thể, khả thi. Sửa đổi Luật phải đảm bảo thúc đẩy nền nghệ thuật điện ảnh Việt Nam; bảo đảm tôn trọng các quy định về tác quyền; bảo đảm thể chế hóa các quy định của nhà nước, hướng tới công nghiệp văn hóa, đóng góp vào GDP của đất nước…
Về quỹ hỗ trợ điện ảnh, đại biểu cho rằng các hoạt động quỹ chưa hiệu quả nên đầu tư cũng không giải ngân được nên không tiếp tục. Về quy định phổ biến phim trên không gian mạng, khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để thích ứng với thế giới vì thực tế phim trên không gian mạng nhiều, khó kiểm soát. Quy định về nhà sản xuất tự phân loại, tự đánh giá, tự đưa các cảnh báo thì rất khó kiểm soát, khó quản lý, mất công bằng khi các nhà sản xuất phim chiếu rạp phải xin phép.
Đối với vấn đề bản quyền, an ninh mạng, cần có sự thống nhất trong quản lý của các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc sửa đổi Luật Điện ảnh giúp cho ngành phát triển tốt và lan tỏa ra các ngành khác, dự kiến đến năm 2030 đóng góp của điện ảnh Việt Nam là 250 triệu USD, đóng góp lớn cho nền kinh tế, cùng với đó là sự phát triển các ngành du lịch, thời trang, ẩm thực. Đại biểu đồng tình với ý kiến của đại biểu Bùi Huyền Mai, việc sửa đổi Luật điện ảnh cần xem xét đến 3 khía cạnh, vì điện ảnh không chỉ là giải trí mà là ngành công nghiệp văn hóa, vì vậy nên sửa đổi Luật Điện ảnh theo xu thế phát triển văn hóa của thế giới, trong đó quy định cụ thể phân cấp phân quyền gắn với trách nhiệm; tăng hậu kiểm và giảm tiền kiểm. Cùng với đó, cần chú ý đến quyền sáng tạo, hưởng thụ, nhu cầu đa dạng của người dân. Việc xây dựng công nghiệp văn hóa phải giải quyết các bất cập hiện nay như bản quyền, phổ biến phim trên mạng, thực tế có phim Việt Nam đoạt giải ở nước ngoài nhưng về Việt Nam lại bị cấm phổ biến. Về hội đồng thẩm định và phân loại phim, chỉ đưa ra các quyết định như trọng tài mà các nhà sản xuất phim không có quyền đối thoại, khiếu nại lại, vì có cơ chế để đối thoại.
Riêng về Quỹ hỗ trợ điện ảnh, đại biểu cho rằng cần có sự điều tiết trong sản xuất phim điện ảnh, không chỉ có những phim đi theo thị trường, vì thế cần phải có quỹ điện ảnh dùng điều tiết các dòng phim này, để sản xuất những bộ phim của người Việt Nam, vì người Việt Nam.
Đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, nhiều quốc gia có chính sách tuyên truyền về chủ quyền, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Vì thế, Luật điện ảnh sửa đổi cần thêm nội dung tuyên truyền về biên giới, biển đảo.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng Luật Điện ảnh sửa đổi chỉ chú trọng đến khâu phát hành phim, khâu sản xuất còn mờ nhạt, chưa rõ việc huy động nguồn lực xã hội về tài chính, trí tuệ để phát triển điện ảnh hiện đại, bởi điện ảnh phát triển sẽ tác động đến các ngành kinh tế khác, nên việc phát triển điện ảnh sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Cùng với đó, đại biểu cho rằng cần có tiêu chí cụ thể trong việc cấp phép phim, rõ ràng, minh bạch để các nhà sản xuất phim thực hiện.
Về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cơ bản nhất trí với dự án Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, song kiến nghị cần tăng tính bao phủ trong các đối tượng của xã hội, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp tư nhân, công nhân xuất sắc, công nhân tiêu biểu để các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội mới có cơ hội được thi đua.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội góp ý dự thảo Luật
Các phong trào thi đua còn mang tính hành chính hóa, cộng dồn các thành tích thi đua, chưa có cơ chế khuyến khích thi đua với người dân lao động, trẻ em, người dân tộc thiểu số với trình độ dân trí có hạn.
Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tiêu cực trong thi đua khen thưởng, đề nghị tra cứu các thành tích thi đua qua cổng thông tin điện tử quốc gia, vì thực tế cho thấy thủ tục rất nhiều. Cùng với đó, cần rà soát lại các danh hiệu thi đua của các bộ, ngành, tỉnh thành nên cần luật hóa các danh hiệu thi đua này, cùng với các quyền lợi ngoài danh hiệu thi đua, cần có các hình thức thưởng như tăng lương, đăng tên bảng vàng, hoặc mua nhà ở xã hội…Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục xét tặng danh hiệu khen thưởng gắn với trách nhiệm của cấp đề nghị và chịu trách nhiệm về thành tích này. Cơ quan đề xuất phải có trách nhiệm lập thành tích thay vì cá nhân phải tự báo cáo thành tích của mình.
Đại biểu đề nghị bỏ quy định đăng ký thi đua trước khi xét tặng, vì nhiều đơn vị có thành tích tốt nhưng chưa đăng ký thi đua từ đầu năm nên không được xét tặng.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng thi đua khen thưởng có thể tạo ra sự “háo danh” và” bệnh thành tích”. Ví dụ trong lĩnh vực biểu diễn thì sẽ đạt được danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” và “Nghệ sĩ ưu tú”, tuy nhiên, một số lĩnh vực không có ai vì không biểu diễn nên không có huân, huy chương để được xét tặng các danh hiệu này. Nhiều hội thi, hội diễn có huy chương, giải thưởng để xét tặng danh hiệu chứ không có khán giả, qua đó cho thấy vẫn còn nặng tính hình thức trong giới nghệ sĩ.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong dự thảo Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi có các danh hiệu “xã tiêu biểu, phường tiêu biểu”, đề nghị quy định danh hiệu “doanh nhân tiêu biểu”.
Đại biểu Phạm Xuân Ấn cơ bản đồng tình với việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng, song cho rằng, các nội dung sửa đổi vẫn chỉ hướng đến các đối tượng là cán bộ, công chức, chứ không phải các doanh nghiệp, người lao động trực tiếp. Cùng với đó, cần bỏ bớt trình tự thủ tục mang tính hình thức như bản thân người được khen phải tự báo cáo thành tích. Còn việc khen thưởng tập thể không có cá nhân nào bị xử lý kỷ luật thì đơn vị đó có thể che giấu; hoặc đòi hỏi phải liên tục nhiều năm liền có thành tích thì cũng có thể thiệt cho đơn vị đó nếu có một năm không đạt kết quả tốt. Điều quan trọng là các danh hiệu thi đua phải mang tính thực chất, chứ không phải phong trào.
Đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị cần quy định thời gian xét, thời gian trao tặng cụ thể để qua đó tạo động lực cho người được khen thưởng tiếp tục phát huy thành tích.