Đoàn ĐBQH TP vừa phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm về “một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp chất lượng của ĐBQH và các chuyên gia, trong đó, các ý kiến đại biểu đều nhất trí cao cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô để tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn 10 năm tới và những năm tiếp theo.
Các đại biểu cơ bản đồng tình và cho rằng 16 chính sách được xây dựng khá công phu, có tính đặc thù, mang tính toàn diện và nhiều đột phá. Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để chính sách đảm bảo tính vượt trội, lâu dài. Luật Thủ đô (sửa đổi) mang tính khai mở và dẫn lối; tăng cường phân cấp cho Thành phố song cũng cần quy định rõ chế tài xử lý nghiêm các vi phạm. Thống nhất cao với điểm mới định hướng xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô song cũng cần lập luận thuyết phục hơn và đối chiếu với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách đề xuất không trái Hiến pháp.
Có ý kiến đề nghị ưu tiên lựa chọn định hướng Thủ đô là Trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục hơn là trung tâm kinh tế, tập trung chọn lọc các chính sách ưu tiên đảm bảo yếu tố phát triển bền vững; ngoài mối quan hệ giữa các tỉnh Vùng thủ đô còn là các tỉnh, thành trong cả nước đối với Thủ đô; cần quy định mối quan hệ giữa Thủ đô với các tỉnh thành khác (nhận huy động từ các tỉnh, thành hoặc hỗ trợ các tỉnh, thành). Có ý kiến đề nghị bên cạnh một số quy định cơ chế chính sách cụ thể thực hiện ngay, cần rà soát quy định chính sách “mở” trong thực hiện để đảm bảo lâu dài không bị bó và giao thẩm quyền HĐND Thành phố quyết định (ví dụ không nên quy định mức xử phạt vi phạm hành chính chỉ không quá 2 lần...).
Có ý kiến đề nghị Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô cần đánh giá sâu hơn những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong tổ chức thi hành Luật Thủ đô, đồng thời với việc rà soát kỹ các luật khác liên quan để sửa đổi phù hợp với Luật Thủ đô trên cơ sở kế thừa, phát huy các quy định còn phù hợp trong các luật hiện hành.
Có ý kiến nên xem xét bổ sung nội dung quy hoạch chung xây dựng Thủ đô vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) theo đó quy định về vùng nội đô, ngoại vi và vùng xung quanh. Bổ sung nhóm chính sách về hợp tác quốc tế, về thông tin để phát huy vai trò của quy hoạch là nguồn lực quan trọng phát triển Thủ đô.
Đối với những nội dung cụ thể, trong chính sách 1 về tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, có ý kiến tán thành việc trao quyền cho người đứng đầu (trong tuyển dụng, bổ nhiệm từ cấp phó trở xuống), tuy nhiên việc trao quyền cho người đứng đầu tuyển công chức, viên chức có bị tác động của Luật Công chức, viên chức hay không, việc người đứng đầu không dễ thay đổi vị trí, đào thải, miễn nhiệm công chức, viên chức. Đề nghị nghiên cứu có cơ chế riêng như tuyển dụng hợp đồng có thời hạn.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ thẩm quyền chịu trách nhiệm cho tập thể UBND và cho từng cá nhân Chủ tịch UBND, các phó Chủ tịch UBND vì HĐND đã hoạt động theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Cần nâng tầm HĐND, theo đó quy định bộ máy hỗ trợ đại biểu, nâng quyền xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp và có sự giám sát của các Ủy ban của Quốc hội; tăng thẩm quyền cho Thường trực HĐND.
Về thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô (chính sách 2), có ý kiến nhất trí với cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao theo hướng ưu tiên tuyển dụng và tăng thu nhập. Tuy nhiên, cần xem xét tính thống nhất trong quy định của chính sách, vì người đứng đầu được trao quyền tuyển dụng nhưng bị tác động bởi chính sách ưu tiên, mặt khác, người là nhân tài thì mức thu nhập của Thành phố cũng chưa đủ sức thu hút, do đó cần có cơ chế để thu hút nhân tài làm việc như bổ nhiệm đúng vị trí, đánh giá đúng kết quả làm việc. Riêng đối với Hà Nội vấn đề là phải giữ nhân tài làm việc ở Hà Nội bởi Hà Nội đang tập trung đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn sâu đứng đầu cả nước.
Về chính sách bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô (chính sách 9), có ý kiến đề nghị Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có bước đột phá liên quan đến lĩnh vực văn hóa, phải thể hiện rõ nét đặc thù Thủ đô. Ngoài ra, đề nghị có chính sách cụ thể khuyến khích phát triển công nghiệp văn hóa, chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân để phát huy, bảo tồn nền văn hóa Việt Nam; bổ sung chính sách hỗ trợ đối với nghệ sỹ; đồng tình việc thành lập Quỹ bảo vệ di sản và phát triển văn hóa Thủ đô.
Trong phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô (chính sách 10), có ý kiến cho rằng hiện nay các trường đại học trên địa bàn Thủ đô đang bố trí phân tán, đề nghị quy hoạch thành một số khu đại học tập trung kết nối thuận lợi giao thông. Đối với hệ thống giáo dục phổ thông cần quy định mật độ dân cư/trường/phòng học.
Có ý kiến đề nghị không quy định Thành phố được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học vì chương trình giáo dục mầm non, phổ thông cần thống nhất và cần giảm tải theo chủ trương của Trung ương. Mặt khác trong chương trình giáo dục phổ thông đã có chương trình giáo dục địa phương và cần tổ chức hiệu quả tối đa chương trình giáo dục địa phương.
Về hệ thống các trường đại học, có ý kiến đề nghị cân nhắc Thành phố có thể đầu tư ngân sách để phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo bậc đại học trên địa bàn; phát triển mạnh mẽ hệ thống giáo dục ngoài công lập, trường Quốc tế, có chính sách đầu tư giáo dục mũi nhọn theo hướng phát triển mô hình năng khiếu, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, văn hóa và khoa học công nghệ.
Về phát triển hệ thống y tế Thủ đô (chính sách 12), có ý kiến đề nghị chính sách xây dựng hệ thống y tế Thủ đô đảm bảo nguyên tắc: tập trung hơn, gần dân hơn, chuyên sâu hơn, phát triển hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Ý kiến đóng góp cũng cho rằng cần cân nhắc quy định không mở rộng quy mô bệnh viện trong nội thành để đảm bảo khả thi cũng như đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Về bảo vệ môi trường Thủ đô (chính sách 16), có ý kiến đề nghị làm rõ mối quan hệ tổng thể giữa Hà Nội và các địa phương xung quanh, giữa các ngành, thẩm quyền Trung ương, Thành phố, cấp huyện, cấp xã, trách nhiệm liên quan đến bảo vệ môi trường (ví dụ: việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô...); nội dung liên quan đến cảnh quan đô thị cần được đưa vào nhóm này.
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng vào các nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thủ đô. Toàn bộ các đóng góp sẽ được cơ quan soạn thảo tổng hợp theo đúng quy định./.