Kỳ họp thứ tư, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI vừa thông qua một số nghị quyết quan trọng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là những nghị quyết nhằm cụ thể hóa các chương trình công tác của Thành ủy, nhằm sớm phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Nghị quyết đã bám sát thực tiễn…
Các nghị quyết về: Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố; về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội; về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội được ban hành trúng thời điểm, bám sát thực tiễn.
Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình cho biết, thực tế tốc độ tăng dân số cơ học tại các quận và tại một số huyện đang gây sức ép lớn đối với các trường học, không bảo đảm quy mô trường, lớp để bảo đảm đạt chuẩn quốc gia; dự kiến đến hết năm 2025, tổng số trường công lập của thành phố phải đạt 2.400 trường, trong khi đến hết năm 2021 mới có 2.237 trường.
Nâng cấp Bệnh viện Ung Bưới Hà Nội là một trong các dự án được phê duyệt đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội
Lĩnh vực y tế cũng tương tự, cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện còn chưa bảo đảm; nhiều trạm y tế được đầu tư xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp cần được đầu tư xây mới, nâng cấp mở rộng và cải tạo, sửa chữa nâng cấp để bảo đảm đủ số lượng và chất lượng buồng phòng theo yêu cầu.
Đối với lĩnh vực di tích, trên địa bàn thành phố có hơn 2.000 di tích xuống cấp, trong đó nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ, cần đầu tư, tôn tạo.
Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho rằng, mặc dù nhiều kiến nghị của HĐND thành phố qua giám sát, giải trình, chất vấn về các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn thành phố, nhưng việc khắc phục về lĩnh vực này rất chậm, gây lãng phí tài nguyên đất. Rất nhiều dự án chậm triển khai, được kiến nghị thu hồi, nhưng đến nay thành phố mới thực hiện thu hồi 10 dự án với tổng diện tích 177,7ha. Toàn thành phố vẫn còn 74 dự án cần phải kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý; 29 dự án cần phải kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất; đặc biệt, có đến 34 dự án còn nợ nghĩa vụ tài chính về đất 3.330 tỷ đồng cần đôn đốc quyết liệt.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, việc HĐND thành phố thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 đối với 22 dự án trúng. Bởi thực tế trên địa bàn thành phố còn nhiều công trình về lĩnh vực y tế, nông nghiệp, giao thông, giáo dục đã xuống cấp, cần phải đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công như: Xây dựng, mở rộng Trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì), cống hóa mương thoát nước sau trường tiểu học Xuân La (quận Tây Hồ), kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng (Thanh Trì)…
...triển khai thế nào cho hiệu quả?
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, những nghị quyết trên rất cấp thiết, là căn cứ, cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Song để nghị quyết đi vào đời sống thiết thực, hiệu quả, chất lượng, trước mắt UBND thành phố sớm ban hành các kế hoạch cụ thể hóa nghị quyết, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ.
“Khối lượng dự án đầu tư theo các nghị quyết trên rất lớn, vì thế UBND thành phố cần tập trung rà soát, đánh giá, sắp xếp thứ tự ưu tiên, đầu tư trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải. Trong đó, tăng cường cải cách hành chính, phân cấp mạnh cho các ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, chú trọng quản lý sau đầu tư; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát để sớm hoàn thành công trình, dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ”- đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn khẳng định, UBND thành phố đã chỉ đạo ngay việc rà soát đảm bảo nguồn cân đối của ngân sách của cấp huyện đáp ứng yêu cầu các dự án được triển khai đồng bộ, hoàn thành theo tiến độ, phấn đấu không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.. Trong đó, UBND thành phố chỉ triển khai đầu tư xây dựng và bố trí vốn ngân sách thành phố hỗ trợ cho từng dự án cụ thể khi đã đảm bảo thủ tục và đảm bảo nguồn vốn đối ứng của các huyện.
“UBND thành phố cũng tiếp thu các ý kiến của đại biểu HĐND thành phố tại kỳ họp chuyên đề tháng 4-2022 về quá trình triển khai đầu tư các dự án lĩnh vực di tích sẽ thận trọng để đảm bảo giữ gìn bản sắc dân tộc, bảo tồn được các di tích gốc; việc đầu tư mới, nâng cấp công trình trường học và y tế cũng sẽ thực hiện đồng bộ gắn với quy hoạch và định hướng phát triển của các lĩnh vực này trong tình hình mới”- đồng chí Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, UBND thành phố sẽ thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai lập kế hoạch chi tiết, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian... đối với các chỉ tiêu cụ thể; chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư phân công, phân nhiệm và triển khai thực hiện từng nhiệm vụ, dự án.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, đối với các dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, chậm triển khai, UBND thành phố đã và đang chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện tổ chức rà soát, kiểm tra, làm rõ, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án mà chủ đầu tư cố tình chây ì, đồng thời công khai thông tin để người dân biết, giám sát./.