HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Vì thế, nâng cao trách nhiệm đại biểu dân cử, để thực hiện tốt chức năng quyết định theo luật định, ngoài đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, mỗi đại biểu còn cần thêm các kỹ năng hoạt động sáng tạo, bám sát thực tiễn.
Giám sát tốt…
Thực tiễn cho thấy rằng, hoạt động giám sát của của cơ quan dân cử là một trong những hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Thường trực, các Ban HĐND thành phố đổi mới hoạt động giám sát chuyên đề theo hướng sâu sát, trực tiếp cơ sở, đặc biệt đối với các địa phương thực hiện thí điểm chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND cấp phường). Hoạt động chất vấn, giải trình đi vào thực chất, linh hoạt, hiệu quả hơn; các câu hỏi chất vấn và người trả lời chất vấn được yêu cầu ngắn gọn, rõ ý, trực tiếp và đẩy mạnh giám sát việc thực hiện các kết luận chất vấn. Do đó, khoảng 70% kiến nghị của HĐND đã được triển khai có kết quả và hiện hơn 30% kiến nghị đang được tổ chức thực hiện ở các cấp.
Lan tỏa từ Thường trực HĐND thành phố, Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Thành phố cũng tích cực tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề, phiên giải trình, qua đó tác động hiệu quả đến công tác quản lý nhà nước về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, được cử tri tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao.
Nhiều đại biểu dân cử các cấp ở thành phố Hà Nội cho rằng, để mỗi cuộc giám sát chất lượng, ngoài nghiên cứu ngành, lĩnh vực chuyên sâu, mỗi đại biểu còn cần những kỹ năng cá nhân. Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên, đặc điểm hoạt động của đại biểu HĐND là đa số hoạt động không chuyên trách, không mang tính chuyên nghiệp, không thường xuyên, lại biến động sau mỗi nhiệm kỳ bầu cử. Cùng với đó, đại biểu được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và điều kiện tham gia vào hoạt động HĐND cũng không giống nhau. Vì thế, đại biểu HĐND cần phải tự trau dồi kỹ năng, được bồi dưỡng kiến thức để nâng cao chất lượng giám sát.
Trưởng ban Kinh tế-Xã hội HĐND quận Thanh Xuân Vũ Xuân Hà cho rằng, giám sát là kỹ năng khó và phức tạp. Đối với hoạt động giám sát chuyên đề, đại biểu cần nắm vững mục đích giám sát và phải danh mục hóa được các nội dung giám sát; còn đối với giám sát trực tiếp, đại biểu phải lựa chọn câu hỏi đúng trọng tâm, những bằng chứng, những thông tin mang tính xác thực, có địa chỉ rõ ràng, đúng với đối tượng bị chất vấn. Vì thế, đại biểu cần dành thời gian đọc, nghiên cứu tài liệu và phân tích, tổng hợp tốt các vấn đề quan tâm.
Đại biểu chuyên trách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Hương chia sẻ, để giám sát tốt thì kỹ năng thu thập và xử lý thông tin rất quan trọng. Khi có thông tin thì hỏi trúng, trọng tâm để đối tượng bị giám sát trả lời, giải trình rõ ràng và xác định rõ trách nhiệm trước HĐND. Vì thế, ngoài tài liệu là báo cáo, thì việc nắm bắt, tìm hiểu, thu thập thông tin của đại biểu đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội…trên địa bàn là rất cần thiết.
…mới quyết định đúng, trúng thực tiễn
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, các kỳ họp HĐND, nhất là kỳ họp HĐND thành phố ngày càng thực chất, có nhiều cải tiến, đổi mới, chất lượng và hiệu quả hơn. Đại biểu đã nâng cao năng lực quyết định (chủ yếu thực hiện qua các kỳ họp), thể hiện rõ vai trò của cơ quan dân cử, cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Để thực hiện tốt chức năng quyết định tại mỗi kỳ họp, thì vai trò thẩm tra, khảo sát của các ban HĐND các cấp rất quan trọng. Đại biểu không chuyên trách HĐND thành phố Vũ Mạnh Hải chia sẻ, mỗi kỳ họp với nhiều dung quan trọng, điều kiện thời gian có hạn, nên đại biểu rất cần những thông tin thẩm tra để thêm cơ sở, căn cứ xem xét, quyết định tại kỳ họp.
Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho rằng, để thẩm tra tốt thì kỹ năng khảo sát, tổng hợp, đánh giá, nhận định, so sánh trên cơ sở quy định, thực tiễn của các ban HĐND là yếu tố tiên quyết. Tại kỳ họp thứ tư của HĐND thành phố vừa qua, theo tờ trình của UBND TP đề nghị HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 44 dự án đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, nhưng sau các Ban thẩm tra và thảo luận tại tổ, HĐND thành phố chỉ quyết định phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư 24 dự án. “Không phải là số lượng nhiều hay ít, mà trên cơ sở lý luận, thực tiễn để sau khi ban hành nghị quyết, các dự án phải khả thi, triển khai đi vào đời sống” - đồng chí Hồ Vân Nga nhấn mạnh.
Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, bên cạnh những hoạt động nổi bật trên, chất lượng hoạt động của HĐND vẫn chưa đồng đều, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ ở cả ba cấp. Hoạt động của HĐND ở một số địa phương cấp huyện, cấp xã vẫn còn tính hình thức, chất lượng giám sát chưa cao, hoạt động chất vấn, giải trình chưa trở thành nề nếp hoặc chưa đem lại hiệu quả tích cực. Do đó, tiếp tục thực hiện phương châm “đổi mới, sâu sát, khoa học, hiệu quả”, Đảng đoàn HĐND thành phố đã tham mưu cho Thành ủy ban hành Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”. Đề án sau khi được ban hành và triển khai sẽ đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp thành phố, nhất là chính quyền đô thị tại các quận, thị xã và củng cố chính quyền nông thôn tại các huyện, các xã, thị trấn. Qua đó, ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò của cơ quan dân cử trong hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô./.