Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, 8h00 sáng 24/10/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp.


Toàn cảnh kỳ họp

Tại phiên họp, đã có 25 ý kiến đại biểu phát biểu và 3 ý kiến đại biểu tranh luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trong đó, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội có 3 đại biểu phát biểu đóng góp vào dự thảo Luật. 

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội bày tỏ đồng tình cao với các nội dung sửa đổi của dự thảo Luật và cho rằng các nội dung giải trình tại Kỳ họp lần này đã thể hiện rõ tinh thần nghiêm túc, cầu thị, tiếp thu các ý kiến góp ý.

Với nội dung liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 103 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cho rằng đây là khái niệm chưa từng có trong các văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực y tế trước đây và cũng là lần đầu tiên được ghi nhận trong dự thảo Luật này. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung định nghĩa về “cấp chuyên môn kỹ thuật” trong điều khoản giải thích từ ngữ của dự thảo Luật này.


Đại biểu Trần Thị Nhị Hà phát biểu thảo luận tại hội trường

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, hiện nay hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang được Bộ Y tế phân tuyến chuyên môn kỹ thuật thành bốn tuyến, mặc dù đã quy định lộ trình thực hiện nội dung này nhưng việc chuyển đổi mô hình bốn tuyến thành ba cấp với điều kiện thực tiễn của hệ thống y tế Việt Nam hiện nay là một thách thức. Đại biểu cho rằng, đối với việc tổ chức thực hiện, dự thảo Luật cần phải quy định hướng dẫn nguyên tắc cụ thể.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng còn thiếu quy định về nguyên tắc để vận hành hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo ba cấp chuyên môn kỹ thuật. Các quy định trong dự thảo chưa làm rõ sự kết nối giữa các cấp khám bệnh, chữa bệnh và đảm bảo điều tiết toàn hệ thống. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cân nhắc bổ sung nguyên tắc quy hoạch hệ thống y tế theo ba cấp chuyên môn phù hợp với việc quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo địa bàn, theo vùng miền, từ đó phân bổ các cơ sở y tế hợp lý để người dân được tiếp cận các dịch vụ từ sớm, từ xa.


Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận tại hội trường

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách, đây là sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập. Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị. 

Trong khi đó, nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải ra nước ngoài hoặc khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, vì điều kiện thiết bị hiện đại hơn.

Đại biểu cho rằng tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình. Đại biểu Hoàng Văn Cường mong muốn những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh. Tuy nhiên những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo Luật này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật khám, chữa bệnh sửa đổi lần này một số nội dung: Thứ nhất, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu nhưng trong toàn bộ dự thảo luật chưa có nội dung nào đề cập đến cơ chế tự chủ của các cơ sở khám chữa bệnh công lập, do đó đề nghị cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện kể cả nguồn thu từ ngân sách.

Thứ hai, cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám, chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ trên nguyên tắc giá dịch vụ y tế khám, chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật, cơ chế tính đúng, tính đủ cơ sở khám, chữa bệnh chưa tự chủ phải dựa vào định mức kinh tế kỹ thuật và nằm trong khung giá dịch vụ y tế do Nhà nước ban hành,

Thứ ba, cần quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ về tự quyết định sử dụng nguồn thu, quyết định mức chi, mức chi trả tiền lương, tự quyết định đầu tư mua sắm và trích lập các quỹ đầu tư phát triển cũng như các quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo để tránh quan niệm không đúng về tự chủ là khoán trắng cho bệnh viện.

Thứ tư, quy định rõ cơ chế quản lý tài sản để bệnh viện chủ động trong việc lựa chọn phương thức đầu tư hoặc mua sắm hoặc đi thuê hoặc liên doanh, liên kết các máy móc, trang thiết bị và làm cách nào để họ lựa chọn cách sử dụng các cơ sở vật chất đó có hiệu quả, nhất là do bệnh viện quyết định.

Thứ năm, cần quy định cơ chế trong quản lý, giám sát hoạt động của các bệnh viện tự chủ như là cơ cấu tổ chức, vai trò, chức năng của Hội đồng quản lý bệnh viện, của giám đốc bệnh viện, cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá người lao động, cơ chế báo cáo, cơ chế quản lý, cơ chế giám sát của cơ quan quản lý đối với các bệnh viện tự chủ.


Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận tại hội trường

Tranh luận về dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng cần thiết làm sáng tỏ thêm một số vấn đề như về Hội đồng Y khoa quốc gia, vấn đề tự chủ bệnh viện,… Cho rằng Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã trở nên rất cần cho y tế, cho nhân dân, cho xã hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ, Quốc hội đã đồng ý Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) này được thông qua sớm nhất sau khi Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu các ý kiến của các đại biểu.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tổng hợp phiên thảo luận

Tổng hợp nội dung thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, nhiều ý kiến đánh giá cao cơ quan trình cũng như cơ quan thẩm tra về tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo, nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến góp ý. Tuy nhiên, đây là dự án Luật có tác động đến nhiều đối tượng, nhiều chính sách và có tính chuyên môn cụ thể. Vì vậy, phiên thảo luận cũng đã nhận được nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội góp ý cho những vấn đề chung cũng như những vấn đề cụ thể của dự thảo Luật. 

Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình xin ý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu chất lượng cao nhất, đồng thời đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, cũng như tính ổn định khi được Quốc hội thông qua./.

Nguyễn Hợp - Hoài Thương


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    790 người đã bình chọn
    Thống kê: 6.006.806
    Online: 130