Chiều 14/3/2023, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, giai đoạn 2014 - 2022.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đồng chí Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đại biểu Quốc hội trong thành viên đoàn giám sát, lãnh đạo Ban Văn hóa xã hội HĐNDTP, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố, sở Giáo dục và đào tạo. 


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi giám sát

Theo đánh giá của đoàn giám sát, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội đã được HĐND, UBND Thành phố Hà Nội cụ thể hóa bằng các kế hoạch, đề án, chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nói riêng, làm căn cứ để Ngành giáo dục và đào tạo Thành phố cũng như chính quyền các cấp tổ chức thực hiện.

Trong thời gian vừa qua, Thành phố đã có những thay đổi đầu tư phù hợp để triển khai thực hiện 2 Nghị quyết này; đã chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo công khai, minh bạch. Công tác rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đã được Thành phố tích cực chuẩn bị, hầu hết UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức thi tuyển để bổ sung giáo viên.

Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chủ động giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được báo cáo của Hà Nội từ sớm, báo cáo rõ ràng, có nhiều thông tin, tạo thuận lợi cho Đoàn trong quá trình giám sát tại địa phương.

Tại buổi làm viêc, Đoàn giám sát đã quan tâm trao đổi về các vấn đề: Công khai, minh bạch việc lựa chọn sách giáo khoa; giá thành sách giáo khoa có phù hợp thu nhập của đại đa số người dân; tài liệu giáo dục địa phương chưa được in ấn, phát hành; nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ dạy và học... Thành viên đoàn cũng trao đổi về công tác tập huấn, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục; việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ,...

Về giá sách giáo khoa, đại biểu Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội cho rằng, qua giám sát của Đoàn ĐBQH cho thấy, hầu hết các trường đều trao đổi mức giá sách giáo khoa cũng như tổng mức tiền của bộ sách hiện nay phù hợp với mức thu nhập của người dân Hà Nội. Với việc bố trí giảng viên bộ môn tổ Khoa học tự nhiên và Tổ Lịch sử-địa lý thì tuỳ từng nơi, từng trường có sự đáp ứng ở mức độ khác nhau, đa phần trường khối quận đáp ứng tốt hơn so với khối huyện. Tuy nhiên có trường chưa đáp ứng tốt do đội ngũ giáo viên lớn tuổi hoặc giáo viên khi đào tạo ở trường chỉ được dạy 1 chuyên ngành, đáp ứng chương trình đổi mới sách giáo khoa của môn đó đã khó nên việc phải tiếp cận thêm 2 môn khác không thuộc chuyên ngành càng khó khăn hơn. Vì vậy đề nghị thời gian tới cần có cách thức đào tạo phù hợp để đảm bảo chất lượng.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc

Làm rõ một số nội dung mà Đoàn giám sát nêu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở đã giao các trường lựa chọn sách giáo khoa từng môn học theo tiêu chí của từng trường. Với sách giáo khoa lớp 2, 3, 6, 7, 10, Thành phố thực hiện theo quy định, với việc xây dựng bộ tiêu chí chung để việc chọn các môn học bảo đảm phù hợp với học sinh và khu vực. Các trường sau khi lựa chọn xong thì gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để Sở tham mưu UBND Thành phố lựa chọn sách giáo khoa, bảo đảm công khai, minh bạch.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai tiếp thu các ý kiến của thành viên đoàn giám sát để tiếp tục bổ sung, đề nghị UBND thành phố hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội theo yêu cầu của đoàn.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, các nội dung trao đổi, kiến nghị, đề xuất tại buổi giám sát và báo cáo của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội là cơ sở quan trọng để đoàn có tư liệu tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó đưa ra những quyết sách tối ưu để thực hiện tốt đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới./.

Nguyễn Hợp - Thu Trang


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.978.684
    Online: 132