Sáng 28/3/2023, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội làm việc với UBND huyện Gia Lâm về việc thực hiện chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2019-2022.
Đồng chí Hồ Vân Nga, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND Thành phố chủ trì buổi giám sát. Cùng dự có lãnh đạo các Ban HĐND Thành phố, một số sở ngành liên quan và lãnh đạo huyện Gia Lâm.
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại khu sản xuất rau công nghệ cao của Công ty Cổ phần đầu tư An Hòa tại xã Đa Tốn
Trước khi làm việc với UBND huyện, Đoàn giám sát đã đi thực tế tại khu sản xuất rau công nghệ cao của Công ty Cổ phần đầu tư An Hòa tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, trong những năm qua, cùng với tập trung đầu tư phát triển kinh tế toàn diện trên các lĩnh vực, dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách của Trung ương và Thành phố, UBND Huyện quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến, từng bước phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả tích cực.
Quang cảnh buổi làm việc
Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực, đúng hướng giảm dần diện tích trồng lúa màu có giá trị kinh tế thấp sang trồng hoa cây cảnh, cây ăn quả, rau an toàn có giá trị kinh tế cao hơn. Một số xã tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh là Kim Sơn, Phù Đổng, Trung Mầu, Phú Thị, Đa Tốn, Dương Xá. Sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch vùng và qua các mô hình thí điểm đã hình thành được một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng nông nghiệp sinh thái hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với truy xuất nguồn gốc nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững.
Thực hiện các Nghị quyết của HĐND Thành phố, năm 2021-2022, huyện đã hỗ trợ 50% vật tư thiết yếu sản xuất rau, quả an toàn, VietGAP; triển khai 16 mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa tại các xã, thị trấn với tổng kinh phí trên 3,1 tỷ đồng. Qua đó, giúp nông dân giải phóng sức lao động, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí công, bảo đảm thời vụ; hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trong chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi và tăng hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình.
Đồng thời, từ năm 2019-2022 huyện đã xây dựng mô hình truy suất nguồn gốc (QR Code) cho nông sản thực phẩm tại 12 xã; hỗ trợ đăng ký và cấp giấy chứng vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; đăng ký nhãn hiệu tập thể; xây dựng các mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng báo cáo tại buổi làm việc
Triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Thành phố về phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề Thành phố (theo Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND của HĐND Thành phố), huyện Gia Lâm hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trên địa bàn huyện đang có một số nghề mới mang lại lợi ích kinh tế cho người lao động như: làng nghề truyền thống gốm sứ Giang Cao - xã Bát Tràng; làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng - xã Bát Tràng; làng nghề truyền thống gốm sứ Kim Lan; làng nghề truyền thống dát vàng bạc quỳ và may da Kiêu Kỵ; làng nghề truyền thống thuốc Nam, thuốc Bắc Ninh Hiệp... Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 2 làng nghề truyền thống.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn một số khó khăn như chưa có hướng dẫn định mức kinh tế, kỹ thuật hỗ trợ những cơ chế chính sách và sản xuất nông nghiệp, cụ thể đối với một số mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND Thành phố, xác định giai đoạn 2023-2025, huyện Gia Lâm phấn đấu trở thành quận, các xã trở thành phường thì không được phép chăn nuôi. Thực tế năm 2023 chăn nuôi vẫn chiếm tỷ trọng lớn tại các xã có vùng nông nghiệp cơ bản ổn định (trong đó 4 xã Phù Đổng, Trung Mầu, Lệ Chi, Văn Đức là những xã chăn nuôi trọng điểm nằm trong Đề án của Thành phố), ngoài ra có Dương Quang, Yên Thường, Kim Sơn vẫn còn tổng đàn lớn. Do vậy để thực hiện theo Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND trên thực tế là rất khó thực hiện...
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị huyện làm rõ hiệu quả một số chính sách hỗ trợ cụ thể trong thực hiện các cơ chế chính sách như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn. Đồng thời chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố Hồ Vân Nga kết luận buổi giám sát
Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố Hồ Vân Nga ghi nhận sự quan tâm, cố gắng của cả hệ thống chính trị huyện Gia Lâm đã cùng vào cuộc triển khai cơ chế, chính sách trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, trưởng đoàn giám sát cho rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ tuyên truyền, phổ biến chính sách, hướng dẫn quy trình, thủ tục để người trực tiếp sản xuất tiếp cận được cơ chế, chính sách của nhà nước. Do đó đề nghị huyện cập nhật, bổ sung báo cáo, nêu rõ các nội dung chưa triển khai do khó khăn vướng mắc, kiến nghị. Ban Kinh tế-Ngân sách sẽ tổng hợp, tham mưu HĐND Thành phố xem xét, ban hành chính sách kịp thời đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn./.