Để kịp thời nắm bắt việc triển khai các chính sách đã ban hành, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội đã giám sát việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua giám sát, Ban đã ghi nhận nhiều kiến nghị của các địa phương từ thực tiễn, nhằm thúc đẩy chính sách vào cuộc sống hiệu quả hơn.
Đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND Thành phố làm việc tại huyện Phúc Thọ
Từ thực tiễn triển khai...
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Nguyễn Minh Tuân, làm việc với 5 huyện việc về triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND thành phố “Về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội”, Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 4-12-2019 của HĐND Thành phố “Về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, một số làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Chương Mỹ đang hoạt động một cách cầm chừng, chưa thật sự hiệu quả và đang đứng trước nguy cơ mai một. Các làng nghề nông thôn hoạt động còn thiếu sự liên kết, thiếu đầu tư máy móc, kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm đơn điệu. Đặc biệt, ô nhiễm môi trường làng nghề làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; một bộ phận lao động trong các làng nghề chuyển dịch sang các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ; nên lao động trong các làng nghề chủ yếu là người lớn tuổi, nguy cơ mai một nghề truyền thống ngày càng cao. Đáng lưu ý, các làng nghề chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của làng nghề; khó tiếp cận vốn ưu đãi do quy định về đất đai chưa cởi mở...
Trưởng phòng Kinh tế - UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cũng chia sẻ, sau khi ban hành nghị quyết, các sở ngành Thành phố chưa có hướng dẫn chung quy trình và hồ sơ thanh quyết toán đối với các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân, cơ sở sản xuất, chế biến, nên cấp huyện khó triển khai. Về hỗ trợ từ ngân sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thủy sản ứng dụng công nghệ cao không cụ thể nên các ngành chưa thống nhất để xác định theo tiêu chuẩn, đối tượng hỗ trợ. Nội dung chi hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác liên kết ghi thực hiện theo Nghị định Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05-7-2018 của Chính phủ, chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể thực hiện chính sách hỗ trợ nên cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hợp tác xã khó triển khai.
Chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung khó tiếp cận, vì hỗ trợ sau đầu tư, áp dụng là doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc danh mục dự án theo quy hoạch. Tuy nhiên để triển khai đầu tư dự án thì phải thực hiện đấu giá, thủ tục thuê đất, thủ tục đầu tư nên hầu như không tiếp cận được chính sách hỗ trợ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn nhận định, từ năm 2019 đến năm 2022, số mô hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ được hỗ trợ theo cơ chế, chính sách của HĐND Thành phố còn ít, quy mô nhỏ, kinh phí hỗ trợ cả 3 năm mới đạt trên 2 tỷ đồng. Nếu so với nhu cầu và yêu cầu phát triển nông nghiệp của huyện thì kết quả hỗ trợ là rất thấp. Trong khi đó, huyện có nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp cần vốn lớn ở các xã Liên Hiệp, Tích Giang, Tam Thuấn,...
Đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND Thành phố đi thực tế mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Ứng Hoà
…đến những kiến nghị
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND huyện Chương Mỹ đề nghị UBND TP Hà Nội có cơ chế đặc thù hỗ trợ huyện đầu tư các tiêu chí hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thuỷ lợi, điện, giáo dục, văn hoá, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn... để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” (huyện Chương Mỹ 8 xã nâng cao, 4 xã kiểu mẫu). Đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch trên trên địa bàn huyện để đảm bảo các xã phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung (tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện Chương Mỹ đến hết năm 2022 mới đạt 14,63%, so với chỉ tiêu Chương trình).
UBND huyện Quốc Oai đề nghị HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội thay thế cho Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND Thành phố. Trong đó, cần một số nội dung đề nghị sửa đổi và bổ sung các chính sách về hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; cho vay vốn dài hạn hơn để khuyến khích người dân đẩy mạnh đầu tư sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản trên địa bàn, hạn chế việc ảnh hưởng của yếu tố thị trường đến quá trình sản xuất. Đặc biệt, kiến nghị UBND Thành phố thống nhất quy trình thực hiện các bước để mời gọi đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch của Thành phổ để đẩy nhanh tiến độ, nhằm di dời các cơ sở, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Để thúc đẩy các mô hình sản xuất, UBND huyện Phúc Thọ đề nghị Thành phố nâng mức hỗ trợ đối với giống cây trồng từ 20% lên 50% đối với giống hoa Lily và hoa Lan; 50% lên 70% đối với các giống cây trồng khác; bổ sung cây dược liệu vào Quyết định 3215/QĐ-UBND ngày 14-6-2019 về việc ban hành danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn Thành phố. Bổ sung thêm mục hỗ trợ vật tư khi sử dụng chế phẩm sinh học xử lý tàn dư cây trồng, xử lý rơm, rạ sau thu hoạch, cơ chế hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, đề nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND Thành phố, cụ thể hỗ trợ di dời cơ sở nuôi nhốt, kinh doanh, gia súc, gia cầm ra khỏi khu dân cư.
“Hiện nay, huyện Phúc Thọ có tổ dân phố số 6, số 7 thuộc thị trấn Phúc Thọ nhiều năm qua các hộ ở đây kinh doanh, nuôi nhốt gia cầm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, nhân dân bức xúc; nhưng đến nay do không có cơ chế, chính sách nên chưa có giải pháp để vừa giải quyết ô nhiễm môi trường, vừa đảm bảo sinh kế cho nhân dân” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết.
Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND Thành phố Hồ Vân Nga cho rằng, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các huyện là rất thực tế. Thời gian tới, Ban sẽ tổng hợp, làm việc với các sở, ngành của Thành phố để tháo gỡ; đồng thời xem xét tham mưu xây dựng chính sách của HĐND Thành phố kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo chính sách ban hành sẽ đi vào cuộc sống./.