Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa có văn bản số 1169/BGDĐT-VP ngày 21/3/2023 về việc trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ GDĐT nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dan nguyện chuyển đến theo Công văn số 272/VPCP-QHĐP ngày 14 tháng 1 năm 2023, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung 1: Đề nghị Chính phủ có chính sách miễn, giảm học phí, các khoản đóng góp đối với công công nhân lao động Khu công nghiệp và Chế xuất, ngành dệt may, da giày, doanh nghiệp gia công... học tập ở các trường công lập năm học 2022 - 2023, để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn. Miễn, giảm tiền về tầu xe, vé máy bay đối với một số đối tượng công nhân lao động khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán Quý Mão.

Nội dung 2: Đề nghị Chính phủ có quy định, chỉ đạo các địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho công nhân lao động, con của công nhân lao động không có hộ khẩu thường trú, đang thuê trọ được tiếp cận, hưởng thụ các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục tại các địa phương (hiện vẫn có sự phân biệt trong thực hiện như: con của CNLĐ không có hộ khẩu thường trú, không được đăng ký dự thi vào các trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn...).

Về những kiến nghị của cử tri Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến trả lời như sau:

1. Về đề nghị Chính phủ có chính sách miễn, giảm học phí, các khoản đóng góp đối với công công nhân lao động khu công nghiệp và chế xuất, ngành dệt may, da giày, doanh nghiệp gia công... học tập ở các trường công lập năm học 2022 - 2023, để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn: Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nghị định số 81 đã quy định các chính sách miễn giảm học phí đối với người học có hoàn cảnh khó khăn và lộ trình miễn học phí đối với trẻ mầm non 3 tuổi và học sinh trung học cơ sở, cụ thể: (1) miễn học phí từ năm 2024 - 2025 đối với trẻ em mầm non 05 tuổi; (2) miễn học phí từ năm 2025 - 2026 đối với học sinh trung học cơ sở. Như vậy, từ năm 2025 - 2026 thì toàn bộ trẻ em mầm non 5 tuổi đến học sinh trung học cơ sở đều được miễn học phí. Đối với trẻ em là con của công nhân lao động khu công nghiệp và chế xuất, ngành dệt may, da giày, doanh nghiệp gia công, nếu thuộc đối tượng chính sách được miễn giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 81 thì sẽ được miễn giảm học phí theo quy định.

Bộ GDĐT ghi nhận ý kiến của cử tri về chính sách đặc thù miễn giảm học phí đối với con công nhân lao động khu công nghiệp và chế xuất, ngành dệt may, da giày, doanh nghiệp gia công, để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn và sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối với ngân sách nhà nước.

2. Về miễn, giảm tiền vé tầu xe, vé máy bay đối với một số đối tượng công nhân lao động khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán Quý Mão: Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững và chăm lo đời sống người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo. hướng dẫn các địa phương nắm tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh; về tuyến, sử dụng lao động, cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp; hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách lương, thưởng cho công nhân; khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, chăm lo cải thiện đời sống cho người lao động; chỉ đạo triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhất là tư vấn, giới thiệu việc làm và trợ cấp thất nghiệp cho lao động bị mất việc làm; chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp công đoàn các cấp nắm tình hình lao động, việc làm, lương thưởng, đời sống, việc đi lại của người lao động dịp Tết ... để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cấp công đoàn, doanh nghiệp và toàn xã hội đồng hành hỗ trợ, chăm lo Tết cho gần 6,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động với tổng kinh phí trên 4.581 tỷ đồng (từ nguồn tài chính công đoàn khoảng 1.954 tỷ đồng và nguồn kêu gọi xã hội hóa ủng hộ kinh phí chăm lo cho đoàn viên, người lao động trên 2.627 tỷ đồng), trong đó, đã hỗ trợ 83.176 vé tàu/xe/máy bay cho đoàn viên, người lao động với số tiền gần 174 tỷ đồng, bố trí 1.855 chuyến xe để đưa đón 389.681 đoàn viên, người lao động về quê đón Tết với số tiền khoảng 36 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hằng năm, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị về việc tăng cường công tác vận tải phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân vào các dịp nghỉ lễ như Tết Dương Lịch, Tết Nguyên đán, nghỉ lễ 30/4-1/5, dịp lễ 2/9...; trong đó đều chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong toàn ngành GTVT tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định; đẩy mạnh việc ứng dụng bán vé điện tử, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, thời gian và loại hình dịch vụ.

Trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão, mùa lễ hội Xuân năm 2023, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt, ngay cả trong các ngày cao điểm phục vụ tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại; công tác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân được đảm bảo tốt, các phản ánh về thu giá vé cao đã giảm nhiều so với các năm trước đây. Đối với một số đối tượng công nhân lao động khó khăn, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các đơn vị kinh doanh vận tải hàng không, đường sắt đã tổ chức được các chuyến bay và bán vé phục vụ đưa công nhân lao động về quê ăn Tết,...

3. Đề nghị Chính phủ có quy định, chỉ đạo các địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho công nhân lao động, con của công nhân lao động không có hộ khẩu thường trú, đang thuê trọ được tiếp cận, hưởng thụ các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục tại các địa phương (hiện vẫn có sự phân biệt trong thực hiện như: con của CNLĐ không có hộ khẩu thường trú, không được đăng ký dự thi vào các trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn...)

- Đối với lĩnh vực giáo dục: Khoản 2 Điều 5 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-GDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT ngày 03/5/2019 ban hành Thông tư quy định Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông quy định về phương thức tuyển sinh trung học phổ thông (THPT) được tổ chức theo một trong ba phương thức sau: "a) Xét tuyển: dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó; b) Thi tuyển; c) Kết hợp thi tuyển với xét tuyển" và tại khoản 1 Điều 9 quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: "Chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh trung học phổ thông; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh và quy định thu lệ phí tuyển sinh". Theo đó, việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập Bộ GDĐT đã giao trách nhiệm cho địa phương (UBND cấp tỉnh) trong việc chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tuyển sinh; tự chủ xác định phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh và địa bàn tuyển sinh phù hợp với thực tế của địa phương.

Như vậy, đối chiếu với văn bản nêu trên thì không quy định cụ thể về phương thức tuyển sinh vào các trường THPT, đồng thời không thể hiện sự phân biệt giữa việc có hộ khẩu và không có hộ khẩu thường trú trong việc đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập.

Để tăng cường hơn nữa các quy định trong quy chế tuyển sinh, Bộ GDĐT sẽ tiến hành rà soát, chỉnh sửa quy chế tuyển sinh cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm quản lý chặt chẽ hơn trong tuyển sinh, đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn vẫn được quyền tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập theo quy định, bảo đảm công bằng, minh bạch trong tuyển sinh.

- Đối với lĩnh vực y tế: Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT), các đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Điều 12 Luật BHYT và các Điều 1, 2, 3, 4, 5 và Điều 6 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP; công nhân lao động và con của công nhân lao động phải đăng ký tạm trú theo quy định của Pháp luật về cư trú; nếu con của công nhân lao động muốn tham gia BHYT thì tham gia BHYT theo một trong các đối tượng tham gia BHYT quy định tại Điều 12 Luật BHYT và các Điều 1, 2, 3, 4, 5 và Điều 6 Nghị định số 146/2018/NĐ0CP tại nơi ở tạm trú.... Việc giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.

 - Đối với lĩnh vực văn hóa: Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò, vị trí quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng và nhà nước với nhân dân, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam góp phần thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ cho tất cả mọi đối tượng, thành phần xã hội. Trên thực tế cũng không có sự phân biệt trong việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của các tầng lớp nhân dân tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Xem văn bản tại file đính kèm./.

Tuấn Dương


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    718 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.248.677
    Online: 146