Chiều 31/5/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Toàn cảnh kỳ họp
Theo đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục tiến hành Thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Tại phiên thảo luận, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đánh giá phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên làm việc buổi chiều đã có 50 đại biểu Quốc hội phát biểu và 6 đại biểu tham gia tranh luận; có 03 Bộ trưởng đã tham gia trả lời các vấn đề các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận ở hội trường
Tham gia thảo luận, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội có đại biểu Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phát biểu.
Trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Các báo cáo đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khắn, nhận diện rõ những thách thức sắp tới để đề ra những giải pháp ứng phó phù hợp.
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ và nhận định của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, năm 2022, kinh tế xã hội nước ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng với sự quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan phát biểu thảo luận ở hội trường
Báo cáo cũng đã chỉ rõ, dự báo năm 2023 tình hình thế giới có nhiều biến động với nhiều thách thức, đại biểu đánh giá cao những giải pháp của Chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bên liên quan cần có cơ chế giám sát, đánh giá chặt chẽ, thường xuyên, kiểm tra tính hiệu quả của mỗi chương trình; cần ứng dụng công nghệ số, khoa học dữ liệu và giải pháp thông minh và khoa học công nghệ trong hành động của Việt Nam; đồng thời có chính sách quy hoạch phát triển dài hạn lồng ghép mục tiêu thích ứng và mục tiêu giảm phát thải…
Chuyển ý kiến kiến nghị của của cử tri huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai nói riêng và một số huyện ngoại thành Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị phân cấp cho cấp tỉnh được chủ động quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản trong nội bộ đất nông nghiệp; được quyết định tỷ lệ xây dựng trên đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dự án nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ở hội trường
Cho rằng mức lương cán bộ, công chức hiện nay còn khá thấp, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, tháng 10 tới đây, theo dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương. Nhấn mạnh đây là chính sách quan trọng để phát triển kinh tế, đại biểu nhấn mạnh, mức lương cán bộ công chức tại thời điểm hiện nay là khá thấp.
Đại biểu cho biết, chúng ta đã 3 năm lỡ hẹn, liên tục lùi thời điểm cải cách tiền lương để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Sau hơn 2 năm thực hiện, dù Chính phủ, các bộ ngành quyết liệt đôn đốc, nhưng vẫn còn rất nhiều vốn chưa thể phân bổ.
Đại biểu cho biết, cử tri đang rất quan tâm tới đây, khi thực hiện cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu. Đại biểu cho rằng cần có sự thay đổi căn bản, mang tính thực chất, không chỉ mang tính hình thức, để tiền lương thực sự trở thành nguồn thu nhập chủ yếu, để chính sách tiền lương đảm bảo hội nhập quốc tế./.