Sáng 10/8/2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội” chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo. Dự cuộc họp còn có Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội dự cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Trình bày Tờ trình Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án cho biết, thực hiện Quyết định 2362-QĐ/ĐĐQH ngày 24/6/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó Đảng đoàn Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì xây dựng Đề án “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách”.
Kế hoạch số 1392-KH/ĐĐQH15 ngày 10/02/2023 về triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được giao trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó Ban Công tác đại biểu được giao chủ trì xây dựng Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”.
Về sự cần thiết xây dựng Đề án, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án nêu rõ: Các văn kiện của Đảng nhấn mạnh việc tiếp tục “đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội”, “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao”.
Đại biểu dự họp
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đã góp ý hoàn thiện về kết cấu đề án, các nội dung cụ thể của Đề án. Theo đó, đa số ý kiến cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo Đề án; đồng thời đóng góp một số ý kiến hoàn thiện nội dung đề án. Một số ý kiến đề nghị có giải pháp hỗ trợ đại biểu Quốc hội hoạt dộng như cung cấp thông tin, đổi mới hoạt động của bộ phận giúp việc (văn phòng Đoàn ĐBQH các địa phương), cung cấp kỹ năng hoạt động đại biểu dân cử, đảm bảo cơ sở vật chất, cơ chế chính sách của đại biểu Quốc hội.
Các ý kiến cũng đồng tình với cần thiết đổi mới cơ cấu đại biểu Quốc hội theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý; tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tái cử; tăng đại biểu là chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế, tài chính - ngân sách; giảm số đại biểu công tác trong các ngành hành pháp, tư pháp. Tiếp tục có các giải pháp để đạt cơ cấu nữ và bảo đảm cơ cấu dân tộc. Nghiên cứu tỷ lệ cho đại biểu tự ứng cử để khuyến khích những người có uy tín, năng lực tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc thu thập ý kiến cử tri đánh giá về hoạt động của đại biểu Quốc hội...
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại buổi họp, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, Đề án đã được Đoàn ĐBQH xin ý kiến các vị ĐBQH trong Đoàn, các đại biểu đều đánh giá cao Đề án, chủ trương của Đảng Đoàn Quốc hội khi ban hành Đề án này.
Về cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị nội dung Đề án cần rõ hơn nữa về tính khả thi, hợp lý, thực chất của một số tiêu chí đánh giá đối với đại biểu Quốc hội. Mạnh dạn trong đơn giản hóa các tiêu chí định tính; bỏ các tiêu chí không còn phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội; đồng thời tham khảo thêm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc nhiều địa phương đã và đang có những hình thức đánh giá sơ bộ, với quan điểm thực chất, có cơ sở, dễ làm, dễ thuyết phục….
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án khẳng định, các ý kiến phát biểu rất thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng làm cơ sở để Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ Soạn thảo khẩn trương tập trung nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ Đề án, báo cáo đồng chí Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Đảng Đoàn Quốc hội xem xét, quyết định tại Phiên họp tháng 9 tới đây.
Cùng ngày, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Dân nguyện của Quốc hội tổ chức phiên họp lần thứ Nhất, cho ý kiến vào dự thảo kế hoạch xây dựng Đề án. Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án chủ trì phiên họp.
Cùng dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban soạn thảo Đề án. Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội dự cuộc họp.
Trình bày Báo cáo về việc triển khai xây dựng dự thảo Đề án, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy viên Ban Chỉ đạo Hoàng Anh Công nêu rõ, thực hiện Chương trình công tác số 1392-CTr/ĐĐQH15 ngày 10/2/2023, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Ban Dân nguyện tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội”. Ban Dân nguyện đã tham mưu, đề xuất Đảng đoàn Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1615-NQ/ĐĐQH15 ngày 06/4/2023 của Đảng đoàn Quốc hội về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.
Phó Trưởng ban Dân nguyện cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban Dân nguyện đã xây dựng dự thảo kế hoạch của Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ Ủy viên Ban chỉ đạo và Tổ soạn thảo. Đồng thời xây dựng Dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết công tác dân nguyện trình Phiên họp thứ Nhất Ban Chỉ đạo để xin ý kiến triển khai đến các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Kết quả tổng hợp báo cáo tổng kết công tác dân nguyện phục vụ xây dựng nội dung các Chuyên đề của Đề án và xây dựng, hoàn chỉnh Đề án.
Về Dự thảo nội dung của Đề án, Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết, trên cơ sở nội dung Đề án Ban Dân nguyện đã báo cáo Đảng đoàn Quốc hội năm 2022, Ban đã chủ động tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý của các đồng chí Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội. và đang tích cực tổ chức nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện nội dung Dự thảo Đề án. Ban đã tiếp thu, bổ sung các nội dung đã có kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: Báo cáo rà soát các nghị quyết sửa đổi, bổ sung các nghị quyết số 228, 694 và 759 và định hướng xây dựng 01 nghị quyết mới sửa đổi, bổ sung các nghị quyết trên; báo cáo tổng kết nghị quyết liên tịch số 525 về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng 02 nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 525 nêu trên. Bên cạnh đó, Ban cũng đã tiếp thu các nội dung Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về đổi mới hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội…
Theo dự thảo kế hoạch, dự kiến sẽ báo cáo Đảng đoàn Quốc hội vào Phiên họp tháng 8/2023. Tuy nhiên, để bảo đảm nội dung, chất lượng dự thảo Đề án, Ban Dân nguyện xin chuyển thời hạn báo cáo kết quả xây dựng dự thảo Đề án vào Phiên họp tháng 11/2023.
Tại Phiên họp thứ Nhất, các thành viên Ban Chỉ đạo khẳng định, việc xây dựng Đề án nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, chất lượng, hiệu quả của hoạt động dân nguyện của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, góp phần khẳng định vai trò của Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.
Các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, quá trình xây dựng Đề án cần đánh giá thực trạng hoạt động công tác dân nguyện của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trong đó, làm rõ kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Đề ra giải pháp, những đổi mới cụ thể, thiết thực, khả thi, phù hợp với các quy định hiện hành, đòi hỏi của thực tiễn hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để triển khai thực hiện việc đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương – Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cho rằng, dân nguyện là mong ước, nguyện vọng của nhân dân. Công tác dân nguyện cần làm rõ mối quan hệ giữa người dân và Nhà nước, đồng thời phản ánh được bản chất ưu việt của Nhà nước. Dân nguyện là yếu tố không thể thiếu trong các hoạt động của Nhà nước, do vậy, chủ thể công tác dân nguyện là Nhà nước. Tuy nhiên, trong phạm vi của Đề án, chỉ xoay quanh chủ thể là công tác dân nguyện của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo cần tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về công tác dân nguyện; đổi mới phương thức làm việc, đổi mới căn bản về tổ chức và hoạt động của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đổi mới công tác phối hợp giữa Ban Dân nguyện với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, địa biểu Quốc hội trong việc thực hiện công tác dân nguyện của Quốc hội trong thời gian tới./.