Ngày 11/8/2023, Bộ Xây dựng ban hành văn bản số 3612/BXD-QLN về việc trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội gửi tới trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023, nội dung kiến nghị như sau: "Cử tri đề nghị Bộ Xây dựng khi thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 cần nghiên cứu nội dung sau: lựa chọn địa điểm xây dựng phù hợp, tránh các địa điểm quá đông dân cư, hạ tầng giao thông đã quá tải; xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ đảm bảo đúng đối tượng, tránh tình trạng mua đi bán lại trục lợi; song song việc xây nhà mới, cần rà soát kỹ các khu nhà xã hội, nhà thương mại, các khu biệt thự cũ để cải tạo, bố trí cho phù hợp; đôn đốc việc sửa chữa các chung cư cũ, tránh tình trạng các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư xây dựng các khu nhà mới”.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau: Để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, ngày 03/4/2023, tại Quyết định số 338/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Theo đó, mục tiêu Đề án đặt ra đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn nhà ở xã hội. Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, trong Đề án đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

1. Về kiến nghị lựa chọn địa điểm xây dựng phù hợp, tránh các địa điểm quá đông dân cư, hạ tầng giao thông đã quá tải: tại mục III.2 Giải pháp tổ chức triển khai, thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại Phần thứ 4 của Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã giao các địa phương thực hiện các giải pháp: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng...

2. Về kiến nghị xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ đảm bảo đúng đối tượng, tránh tình trạng mua đi bán lại trục lợi: tại Đề án cũng đã đưa ra giải pháp đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn; Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng đã quy định cụ thể hành vi vi phạm về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, không đảm bảo các điều kiện theo quy định và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Ngoài các giải pháp đã đưa ra tại Đề án, Luật Nhà ở sửa đổi đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đã có các quy định yêu cầu:

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt (Điều 80 dự thảo Luật); Dự án nhà ở xã hội phải đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đảm bảo kết nối với hạ tầng chung của khu vực.

- Thanh tra xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về nhà ở đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở. Thanh tra chuyên ngành về nhà ở bao gồm: Thanh tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về nhà ở.

Về 02 kiến nghị song song việc xây nhà mới, cần rà soát kỹ các khu nhà xã hội, nhà thương mại, các khu biệt thự cũ để cải tạo, bố trí cho phù hợp và đôn đốc việc sửa chữa các chung cư cũ, tránh tình trạng các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư xây dựng các khu nhà mới: Các nội dung liên quan này không thuộc phạm vi của Đề án và thuộc chức năng quản lý nhà nước của địa phương. Bộ Xây dựng xin được tiếp thu và sẽ tiếp tục nghiên cứu các ý kiến của cử tri trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về nhà ở đồng thời đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện.

Nội dung trả lời tại văn bản đính kèm./.

Tuấn Dương


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    717 người đã bình chọn
    Thống kê: 4.982.177
    Online: 129