Nhà nước nào thì cũng phải và cần có pháp luật để điều hành, quản lý. Bởi vậy, việc chọn một ngày có ý nghĩa trong năm để đặt tên và tôn vinh là “Ngày Hiến pháp” hoặc “ Ngày pháp luật” của quốc gia mình có ý nghĩa rất trọng đại và thiết thực. Đến nay, trên thế giới hiện đã có 47 quốc gia chọn một ngày trong năm làm“Ngày Hiến pháp” hoặc “ Ngày pháp luật” . Nhiều quốc gia đã đưa ngày này vào quy định tại Hiến pháp, với mục đích giữ gìn, bảo vệ những quy định của Hiến pháp, pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nước và quốc tế, đảm bảo sự tồn tại, phát triển của quốc gia, dân tộc.

Nước Nga, từ năm 1993 chọn ngày 12/12 là “Ngày Hiến pháp”. Ngày Hiến pháp trở thành một ngày Lễ chính thức ở Liên bang Nga. Vào ngày này, cùng với các hoạt động kỷ niệm, Tổng thống Liên bang Nga thường có một bài phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng nhấn mạnh vai trò của Hiến pháp và trách nhiệm của mỗi người dân đối với việc chấp hành pháp luật, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Ở nước Mỹ, ngày 5/2/1958, lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng thống Dwight D.Eisenhower đã tuyên bố lấy ngày 1/5 hằng năm làm “Ngày Pháp luật” của nước Mỹ; ông tuyên bố: “Theo ý nghĩa thực tế, trên thế giới không còn có một sự lựa chọn giữa các lực lượng vũ trang và luật pháp. Nếu nền văn minh là để tồn tại, nó phải lựa chọn các qui định của luật pháp”. Từ đó, cứ vào ngày 1/5 hằng năm, các luật gia, luật sư và các hiệp hội nghề nghiệp về luật tổ chức nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng nhằm tăng cường hơn nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò tối thượng, không thể thay thế của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là về các giá trị tự do, dân chủ, công lý, công bằng.

Còn ở nước Đức, sau khi bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức thống nhất (3/10/1990), Luật cơ bản trở thành Hiến pháp của toàn nước Đức. Ngày 3/10/1990 được coi là “Ngày Hiến pháp” của Đức. Hiến pháp tên là Luật cơ bản bao gồm những qui định luật pháp và chính trị quan trọng nhất của cộng hòa liên bang Đức. Ví dụ như trong hiến pháp có nêu việc Đức là một quốc gia dân chủ. Điều đó có nghĩa là: Mỗi người đều có thể tham gia vào đời sống chính trị, ví dụ như tham gia các đoàn thể, phong trào, công đoàn hoặc đảng phái. Những đảng phái chính trị có các chương trình và mục tiêu khác nhau. Những đảng phái lớn nhất ở Đức là CDU (Đảng liên minh dân chủ thiên chúa giáo), SPD (Đảng dân chủ xã hội Đức), Liên minh 90/Đảng Xanh, FDP (Đảng dân chủ tự do) và Đảng cánh trái. Đảng cướp biển là một đảng phái khá mới. Và còn nhiều đảng phái nhỏ khác.

Ở nước ta, từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và từ năm 1976 là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt nam, khẩu hiệu “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân, đặc biệt là trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Để khẩu hiệu này có thể đi sâu vào tiềm thức và trở thành hành động của mỗi người dân, nhiều mô hình, nhiều cách làm hay được nhân rộng. Ngày 09 tháng 12 năm 2003 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Tỉnh Hà Tây, là đơn vị đi đầu, đề cập hình thức tổ chức “Ngày Pháp luật” nhằm tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Năm 2007, trong Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 23/8/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tây đã cụ thể hóa, đề cập hình thức tổ chức “Ngày Pháp luật” trong Nghị quyết của Đảng bộ. UBND tỉnh Hà Tây đã triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến 2010 (ban hành kèm theo Quyết định số 1908/QĐ-UBND ngày 18/10/2007). Đây là cách làm mới, tích cực và hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thể hiện sự nhanh nhạy trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây lúc đó. Sáng kiến này nhanh chóng được các tỉnh, thành phố học tập. Năm 2010, Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ đã hướng dẫn việc nhân rộng Ngày Pháp luật trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, hầu hết các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai thực hiện mô hình này và đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Thấu hiểu được vai trò quan trọng của công tác Phổ biến giáo dục pháp luật, ngày 20 tháng 6 năm 2012, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Điều đặc biệt, trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã dành trọn 01 điều để quy định về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật Việt Nam). Theo quy định tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Tại sao lại chọn ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam, đó không đơn thuần là sự lựa chọn ngẫu nhiên. Đó là ngày 09 tháng 11 năm 1946 là mốc son lịch sử lập pháp của Việt Nam - đây chính là ngày mà Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành bản Hiến pháp năm 1946 – đạo luật cơ bản đầu tiên, một “tài sản” đặc biệt của Nhà nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt, là dấu mốc quan trọng khởi đầu tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở đầu con đường phát triển mới không chỉ của lịch sử lập hiến mà của cả dân tộc ta.

Ngày 9/11 tuy chưa được ghi nhận trong Hiến pháp, nhưng được ghi nhận tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bước ngoặt quan trọng trong việc tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, nó thể hiện sự học hỏi tích cực kinh nghiệm xây dựng văn hóa pháp lý từ các nước tiên tiến trên thế giới.

Ngày Pháp luật Việt Nam ra đời không chỉ mang lại ý nghĩa cho quá trình xây dựng văn hóa pháp lý trong nước mà còn mang lại những khía cạnh tích cực trong công tác đối ngoại của Nhà nước ta.

Ngày Pháp luật ra đời đã thể hiện tinh thần tôn vinh các giá trị cũng như vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống của mỗi con người và trong sự phát triển của quốc gia, sự hưng thịnh của dân tộc.

Việc tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật sẽ góp phần làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động của mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức và toàn thể xã hội. Lối sống theo pháp luật đòi hỏi trình độ nhận thức pháp luật, nhận thức về sự cần thiết và giá trị xã hội của pháp luật từ phía các cá nhân; đòi hỏi ý thức tự nguyện từ những lợi ích, từ mức độ hài lòng của dân chúng vào hệ thống pháp luật mà họ được thụ hưởng, từ thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật. Ngày Pháp luật được tổ chức như một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trên cả nước sẽ nâng cao trình độ nhận thức pháp luật cũng như hình thành thái độ, tình cảm tích cực đó từ mỗi người dân đối với pháp luật. Khi đó, lối sống theo pháp luật trở thành thói quen ứng xử theo pháp luật của con người ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời khi có áp lực từ bên ngoài. Có thể khẳng định “Ngày Pháp luật” đã được hưởng ứng rộng khắp ở các địa phương trên cả nước, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nghề nghiệp, thông qua sinh hoạt “Ngày Pháp luật” sẽ phổ biến, tuyên truyền đến người dân những văn bản pháp luật mới ban hành. Bên cạnh đó, “Ngày Pháp luật” còn giúp cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến các lĩnh vực pháp luật, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội, giúp cho những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần với người dân hơn và dễ dàng đi vào cuộc sống, mọi tầng lớp nhân dân đều “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần thắng lợi vào mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước ta.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, Ngày Pháp luật của Việt nam cũng sẽ là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh một Nhà nước Việt nam – một Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân; một dân tộc Việt Nam biết thượng tôn Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước mình và tôn trọng pháp luật quốc tế./.

NXD - GT


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.910.642
    Online: 3