Sáng 2/8, kỳ họp thứ hai HĐND TP Hà Nội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề “nóng” đang được cử tri quan tâm. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội và đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP tham dự phiên chất vấn. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì phiên chất vấn. 

 

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì phiên chất vấn

Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND nhận được 250 kiến nghị liên quan đến các vấn đề dân sinh bức xúc. Thường trực HĐNDTP đã tổng hợp, phân loại theo thẩm quyền, chuyển đến UBNDTP xem xét trả lời theo quy định. Nội dung trả lời này sẽ được đăng tải trên website của HĐND trước kỳ họp thứ 3. Nội dung chất vấn, tái chất vấn trực tiếp tại hội trường gồm 3 nhóm vấn đề, đó là: Nhóm vấn đề về Kinh tế bao gồm nợ đọng thuế, phí, các chính sách hỗ trợ cho DN gắn với cải cách hành chính; Nhóm vấn đề về Quản lý Đô thị gồm công tác phòng cháy chữa cháy (tái chất vấn), quy hoạch và quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, quản lý hè phố và phương tiện giao thông; Nhóm vấn đề An sinh xã hội về các nội dung nước sạch nông thôn.

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kết luận của Chủ toạ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP khóa XIV.

Câu hỏi chất vấn đầu tiên được đại biểu Nguyễn Minh Tuân (tổ đại biểu quận Tây Hồ) gửi đến Cục trưởng Cục Thuế đề nghị Cục trưởng báo cáo công tác của 6 tháng đầu năm, kết quả rà soát hoàn thiện hồ sơ số DN còn nợ, việc xử lý đối tượng này có kết quả thế nào? Tiếp đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ đại biểu huyện Đông Anh) cho biết, trong báo cáo trả lời chất vấn nợ đọng thuế, Cục thuế kiến nghị UBND TP tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với 26 dự án sử dụng đất của TP, đề nghị cho biết bao giờ thì xử lý xong việc nợ đọng thuế?

Trong khi đại biểu Bùi Huyền Mai (tổ đại biểu quận Đống Đa) cho rằng, trong nhiều năm qua, TP Hà Nội đều không hoàn thành kế hoach thanh kiểm tra thuế, 6 tháng đầu năm nay việc thanh tra, kiểm tra mới đạt 37% kế hoạch năm. Đại biểu Mai đề nghị Cục trưởng Cục Thuế cho biết lý do của việc không hoàn thành kế hoạch này là gì và biện pháp để hoàn thành trong thời gian tới?

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tuân

Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai, Cục trưởng Cục thuế Nguyễn Thế Mạnh cho biết, mặc dù 6 tháng đầu năm 2016 kết quả thanh tra, kiểm tra thuế đạt 37% số cuộc thanh tra theo kế hoạch; tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng hơn 60%. Theo Cục trưởng Cục Thuế, do đặc thù quý I tập trung vào việc quyết toán thuế nên đầu tháng 4 mới bắt đầu công tác thanh tra, kiểm tra nên kết quả thanh tra, kiểm tra 6 tháng đạt kết quả thấp.

Cục trưởng Cục Thuế cũng khẳng định sẽ hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra của năm do đã có sự chủ động chuẩn bị, rà soát, phân tích rủi ro và đổi mới phương pháp thanh tra kiểm tra trong 6 tháng cuối năm để rút ngắn thời gian, nâng hiệu quả. Trong đó, hình thức thanh tra điện tử bước đầu được áp dụng và đến 31/7 đã đạt gần 50% kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Tuân về kết quả kiểm toán nhà nước, Cục trưởng Nguyễn Thế Mạnh cho biết, đặc thù của Hà Nội là địa phương có nhiều tập đoàn, DN lớn; Cục Thuế ngay từ đầu đã dõi theo thanh, kiểm tra để ngay khi có văn bản đề nghị sẽ có sự phối hợp kịp thời. Theo thống kê, trong giai đoạn 2010-2014, kiến nghị kiểm toán là 5.201 tỷ đồng, số tiền đã thực hiện là 1.593 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự chênh lệch này là do trong quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán còn vướng mắc nên Cục đang lấy ý kiến của các cấp các ngành và sắp tới sẽ hoàn thiện.

 

Cục trưởng Cục Thuế Nguyễn Thế Mạnh

Đối với DN còn nợ thuế, Cục trưởng Nguyễn Thế Mạnh cũng cho biết, năm 2015, Cục thuế đã chuyển 15 vụ sang cơ quan CA, đây là những đơn vị chây ì, nợ thuế với số lượng lớn và có hiện tượng bỏ trốn. Sang năm 2016, có 2 DN nợ đến 31 tỉ đồng, cũng có dấu hiệu bỏ trốn. Trước sự chây ì của các DN, Cục thuế và cơ quan CA đã thường xuyên trao đổi thông tin; đồng thời Giám đốc CATP đã giao cho các quận, huyện để điều tra, xử lý từng vụ việc cụ thể.

Về tháo gỡ khó khăn trong thu hồi tiền sử dụng đất tại 26 dự án của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Cục trưởng Nguyễn Thế Mạnh cho biết, tính đến ngày 31/7, Cục Thuế đã thu được trên 8.500 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa là tiền sử dụng đất. Qua nắm bắt, Cục Thuế đã rà soát phân loại, chia nhóm theo dạng vướng mắc, tổ chức họp liên ngành và chủ đầu tư trong tháng 4, 5, đồng thời, có công văn báo cáo vướng mắc lên UBND TP về 26 dự án, đề xuất xử lý theo 7 nhóm vướng mắc. Đến nay số nợ còn lại là 2.790 tỷ đồng, tiền nộp phạt là 1.248 tỷ đồng.

Tiếp tục tái chất vấn, đại biểu Phạm Thanh Mai cho biết, tại kỳ họp cuối năm 2015, khi đó là Giám đốc Công an TP Nguyễn Đức Chung khẳng định việc các DN bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh và trốn thuế gây ra những ảnh hưởng rất lớn. Công an TP đã khẳng định sẽ sớm điều tra nhưng qua giám sát thấy không có chuyển biến. 17 trường hợp phát sinh vẫn đang trong quá trình rà soát. Đại biểu Mai đề nghị Giám đốc Công an TP cho biết, với quy trình phối hợp với ngành thuế, bao giờ việc xác minh sẽ kết thúc.

 

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai

Liên quan đến tình hình thu thuế, đặc biệt với các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, đại biểu Trần Thị Vân Hoa (Tây Hồ) đề nghị làm rõ bao nhiêu phần trong tổng số nợ, thuế không thu được đến từ các doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh? Tại sao một số doanh nghiệp tuyên bố phá sản, trốn và từ bỏ cơ sở kinh doanh nhưng lại lập một cơ sở kinh doanh khác. Để thực hiện tốt các giải pháp thu hồi thuế phí của các doanh nghiệp này thì UBND TP có ý kiến gì. Cục thuế có nắm được bao nhiêu % số nợ thuộc về đối tượng được khoanh nợ và xóa nợ?

Cục trưởng Nguyễn Thế Mạnh cho biết, Cục Thuế mới phối hợp với cơ quan công an để xác minh, điều tra và mới chỉ có 2 đơn vị, sang đầu năm sau, Cục thuế mới xác minh lại vì đang trong quá trình điều tra. Liên quan đến ý kiến của đại biểu Vân Hoa về tổng nợ thuế, Cục Trưởng Cục thuế cho biết, tổng số thuế mà DN bỏ trốn là 36 tỉ đồng, số nợ là 1.551 tỉ đồng, các DN phá sản là hơn 2000 DN. Số liệu lớn này là từ năm 2006 đến giờ chứ không phải chỉ 1-2 năm trở lại đây. Việc quản lý nợ bất cập như vậy vì có nhiều khoản khó thu thậm chí là không thu được vì đơn vị bỏ trốn.

Tiếp đó, Giám đốc Công an TP Đoàn Duy Khương cho biết, khi về tiếp nhận với cương vị Giám đốc đã được báo cáo về tình hình nợ thuế, trốn thuế trên địa bàn TP diễn ra rất phức tạp. Nguyên nhân được chỉ ra đầu tiên và khá quan trọng là do hệ thống luật chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để DN coi đây là cơ hội để trốn thuế. Trong khi đó một số đơn vị chức năng có lúc này lúc khác, nơi này nơi khác quản lý chưa chặt chẽ. Giám đốc Công an TP cũng cho biết, trong quy trình xác minh, giám định thiệt hại cũng gặp một số vướng mắc, khó khăn như thiếu chuyên gia giám định, kinh phí giám định và thời gian.

Giám đốc Công an TP Đoàn Duy Khương

Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm, Công an TP đã chuyển sang Viện KSND TP đề nghị truy tố 2 vụ trốn thuế. Đây là sự cố gắng của lực lượng CATP, có sự hỗ trợ chặt chẽ của cơ quan thuế TP, sự chỉ đạo chặt chẽ của Thành uỷ, HĐND và UBND TP và sự giúp đỡ của nhân dân Thủ đô.

Kết thúc phiên chất vấn về thuế, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, nợ thuế, phí, các khoản liên quan đến đất trên địa bàn TP lớn, khoảng 23 nghìn tỷ đồng. Số nợ này chiếm 13% trong dự toán thu ngân sách 2016. Chính vì vậy, các đại biểu và người dân rất quan tâm. Cho nên, HĐND TP để vấn đề tái chất vấn lại để thúc đẩy, xử lý nghiêm doanh nghiệp chưa nộp thuế.

Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn và nuôi dưỡng nguồn thu. Ngoài ra, các khoản nợ cần được phân lọai để có giải pháp thích hợp, đồng thời, rà soát nợ để có biện pháp cụ thể. UBND TP cần giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho các địa phương để thực hiện thu nợ thuế hiệu quả hơn; đồng thời tăng cường quyết liệt hơn để các đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành thuế, đề nghị ngành thuế phối hợp với công an để xử lý các đơn vị vi phạm. Chủ tịch HĐND TP cũng đề nghị UBND TP chấp hành kết luận của kiểm toán, tự phân tích các loại thuế của mình và xin ý kiến Trung ương để xử lý theo đặc thù của Hà Nội.

QUỐC THỊNH – HỒNG CƯỜNG - DUY LINH


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.912.472
    Online: 31