Sáng 28-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Hội nghị.
 

Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018. Ảnh VGP/Quang Hiếu

 
Cùng dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (TƯ) Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai, Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình; các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội; các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học...

Dự tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố; cùng các Phó Chủ tịch UBND thành phố; giám đốc các sở, ban, ngành thành phố.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải dự và chủ trì tại điểm cầu UBND TP Hà Nội.

 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là Hội nghị lớn nhất và quan trọng nhất của Chính phủ với các địa phương nhằm cùng thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện, các kết quả đạt được và những hạn chế, bài học kinh nghiệm trong năm 2017 cũng như xác định phương hướng, giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018.

Nhìn lại năm 2017, Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận đã thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Cả hệ thống chính trị vào cuộc với niềm tin vững chắc và kiên định mục tiêu tăng trưởng. Đến nay, kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được khá toàn diện, đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra. 

"Kết quả này có được là nhờ sự đồng tâm hiệp lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cố gắng của người dân và các doanh nghiệp (DN)" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

Thủ tướng cũng yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị cùng thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế để cùng nhau khắc phục. Chính phủ và các địa phương không được phép dừng lại mà tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn, tạo đà bứt phá mạnh mẽ. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên của Chính phủ sẵn sàng lắng nghe, trao đổi những ý kiến từ thực tiễn phong phú tại các lĩnh vực, các địa phương cùng các chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư để tiếp thu, hoàn thiện; để cả hệ thống hành chính bắt tay vào việc với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2018 và cả giai đoạn 2018-2021.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giới hiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018. 

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày Báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017.
 
Chính phủ "chốt" GDP năm 2018 ở mức 6,7%
 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

 
Theo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách năm 2018, Chính phủ xác định phương châm hành động năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. 

Căn cứ vào mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8-10%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 10%; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 15 triệu lượt; có 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới; thành lập mới khoảng 135.000 DN...

Hà Nội: Tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2018

Là địa phương đầu tiên tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã làm rõ một số kết quả nổi bật năm 2017 và kế hoạch năm 2018 của thành phố.
 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham luận.

 
Cụ thể, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, các cân đối lớn được đảm bảo; hoàn thành tất cả 20 chỉ tiêu phát triển KT-XH, trong đó 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn tăng 7,3% - cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Xuất khẩu đạt 11,8 tỷ USD, tăng 10,3%; Giá trị gia tăng dịch vụ tăng 8,7%; khách du lịch đạt 23,8 triệu lượt (tăng 9%), trong đó: khách quốc tế 4,95 triệu lượt (tăng 23%), tổng thu từ khách du lịch tăng 15%... 

"Tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn và say sưa với thành tích, thắng lợi!"

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nhìn lại năm 2017, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là về KT-XH, lần đầu tiên trong nhiều năm, chúng ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; 

Lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ. Năng lực đổi mới sáng tạo khoa học - công nghệ được nâng lên. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCH TƯ khoá XI đã tạo được những chuyển biến khá rõ nét trong đánh giá, thi, tuyển sinh, tự chủ đại học. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm chăm lo, bảo đảm; thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo, nhất là những khi thiên tai, bão lũ xảy ra.

Năm 2017 được đánh giá là một trong những năm thành công nhất trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, chủ động, tích cực hội nhập, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

"Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết và bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu.
 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

 
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng đặc biệt lưu ý chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; xuất hiện xu hướng bảo hộ trở lại và chống tự do hóa thương mại và đầu tư ở nhiều nơi. 

Những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội nhưng không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục và đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp, sự chỉ đạo kiên quyết, kiên trì, chắc chắn, khoa học mới có thể giải quyết được. Đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, dự án. 

Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tệ nạn xã hội, vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn… 

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư nêu ra 6 vấn đề cần quan tâm mà theo Tổng Bí thư sẽ "giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ"

Chiều nay, tiếp tục chương trình Hội nghị, lãnh đạo một số cơ quan, bộ, ngành sẽ có báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; kết quả thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0; kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017.

Theo hanoimoi.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.913.774
    Online: 63