Thực hiện Chương trình công tác năm 2017, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố đã tổ chức giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội giai đoạn (2013- 2017).
Qua giám sát cho thấy, công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng đã được các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện tích cực. Công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Thông tin trên hệ thống loa truyền thanh huyện, xã, phường, thị trấn; lồng ghép vào các cuộc họp giao ban, sinh hoạt chi bộ, họp khu dân cư, tổ dân phố, các hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể…qua đó giúp nhân dân nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như mục đích, ý nghĩa nhân văn sâu sắc hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” hỗ trợ người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở, góp phần cải thiện điều kiện sống đối với các gia đình chính sách và người có công với cách mạng. Công tác rà soát, thống kê, lập danh sách đối tượng người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở được các sở, ngành Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện theo quy định. Công tác kêu gọi vận động các cơ quan tổ chức doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ kinh phí xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng được quan tâm triển khai. Đến nay, đã có 26 đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ với số tiền là 59.450 triệu đồng. Ngoài kinh phí của Trung ương, Thành phố, các quận, huyện, thị xã đã trích ngân sách và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ…hỗ trợ cho người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở đảm bảo chất lượng. Tính đến ngày 26/4/2017, số hộ người có công đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở là: 4.420 nhà (xây mới: 2.148 nhà, sửa chữa: 2.272 nhà); kinh phí hộ người có công đã nhận: 193.725 triệu đồng; quận, huyện, xã phường hỗ trợ thêm: 1.276 triệu đồng và nguồn kinh phí huy động thêm từ gia đình, dòng họ là: 435.833 triệu đồng. Số hộ người có công đang thực hiện xây dựng và sửa chữa nhà ở: 1.986 nhà (xây mới: 1.096 nhà, sửa chữa: 890 nhà); kinh phí hộ người có công đã được tạm ứng: 26.679 triệu đồng (xây mới: 19.127 triệu đồng; sửa chữa: 7.552 triệu đồng).
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ người có công về nhà ở của Trung ương, Thành phố ở một số địa phương chưa thường xuyên, liên tục, chưa sâu rộng, dẫn đến một số hộ gia đình thuộc diện người có công chưa hiểu rõ về chính sách gây khó khăn trong quá trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Việc cấp kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Thành phố cho các hộ tự xây mới, sửa chữa nhà còn chậm, chưa kịp thời... Tính đến ngày 26/4/2017, toàn Thành phố còn 1.138 hộ gia đình người có công chưa thực hiện việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, trong đó có 432 hộ - theo Quyết định 190/KH-UBND (xây mới: 229 nhà; sửa chữa: 203 nhà) và 706 hộ - theo số phát sinh (xây mới: 411 nhà, sửa chữa: 203 nhà), nếu không chỉ đạo quyết liệt sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu theo Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 07/10/2016 của UBND Thành phố đã đề ra. Số hộ gia đình người có công từ trần chưa được hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở (hiện tại toàn Thành phố là 496 trường hợp); người được hưởng chế độ xây, sửa chữa nhà đăng ký hộ khẩu thường trú ở nơi này nhưng lại sống ở nơi khác; một số hộ trước kia đăng ký hỗ trợ là sửa chữa nay đề nghị sang hỗ trợ xây dựng mới và ngược lại....
Đoàn giám sát đã kiến nghịvới Thành ủy Hà Nội ban hành Thông tri chỉ đạo cấp ủy các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động các hộ gia đình người có công tiến hành xây dựng, sửa chữa nhà ở đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã đề ra. Kiến nghị với UBND Thành phố tiếp tục báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương đảm bảo cho thành phố Hà Nội theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg….
Đối với các Sở: Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương về tiến độ thực hiện việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ theo Kế hoạch 190/KH-UBND ngày 07/10/2016 của UBND Thành phố đã đề ra; tiếp tục đôn đốc các đơn vị đã cam kết chuyển tiền hỗ trợ cho Thành phố và huy động các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đóng góp để đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ theo kế hoạch đã đề ra; tham mưu cho UBND Thành phố đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cấp đủ kinh phí hỗ trợ cho thành phố Hà Nội theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã: Làm tốt công tác tuyên truyền vận động để mọi người dân hiểu và thực hiện các chủ trương chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong các chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”, đảm bảo an sinh xã hội bền vững trên địa bàn; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong việc triển khai tổ chức thực hiện, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc bình xét công khai, minh bạch để việc hỗ trợ đến tận tay hộ gia đình người có công; đôn đốc, chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai quyết liệt việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ theo kế hoạch của Thành phố đã đề ra; tiến hành giải ngân kịp thời, đảm bảo kinh phí hỗ trợ cho các hộ xây mới, sửa chữa nhà ở theo quy định; quản lý, sử dụng kinh phí có hiệu quả và huy động gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư đóng góp, ủng hộ kinh phí để triển khai thực hiện xong trước 27/7/2017. Nhà ở sau khi được hỗ trợ phải đảm bảo “3 cứng”, “2 cứng” đảm bảo diện tích tối thiểu và các quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ Xây dựng; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể các cấp trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên để đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả; chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục của các hộ gia đình người có công với cách mạng đã được hỗ trợ nhà ở đảm bảo theo quy định…
Toàn văn báo cáo kết quả giám sát xem tại đây
TÚ ANH