Sự gắn kết, thông suốt trong hoạt động giữa QH và HĐND sẽ tăng cường sức mạnh của hệ thống cơ quan dân cử và xóa bỏ bức tường vô hình ngăn cách giữa ĐBQH - đại biểu HĐND bấy lâu nay.

Vẫn còn tư duy “việc ai nấy lo”

Hiến pháp và các đạo luật liên quan đều khẳng định QH và HĐND là cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước, nhưng quy định về mối quan hệ, trách nhiệm trong hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước (QH với HĐND nói chung và với HĐND cấp tỉnh; trách nhiệm của HĐND cấp trên với HĐND cấp dưới) còn rất mờ nhạt. Giữa các cơ quan quyền lực thiếu sự ràng buộc, gắn kết trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thông tin, báo cáo… Không quy định có tính bắt buộc quan hệ chỉ đạo, phối hợp trong từng hoạt động, vẫn còn tư duy “việc ai người nấy lo” nên hiệu quả thu được không như mong muốn. Đặc biệt, mối quan hệ phối hợp hoạt động của ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp ở từng địa phương, trên từng địa bàn rất yếu; có nơi hầu như không có quan hệ gì…

Sự phối hợp giữa QH và HĐND cấp tỉnh trong giám sát xây dựng pháp luật; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã bước đầu được thể hiện, nhưng chưa được thường xuyên. Bởi vậy, trong quá trình hoạt động của cơ quan dân cử Trung ương và địa phương phát sinh một số vấn đề. Chẳng hạn, QH thành lập các đoàn giám sát và tiến hành giám sát ở các địa phương, đôi khi lại trùng lặp với các hoạt động giám sát mà HĐND địa phương đó vừa thực hiện. Khi xây dựng các Dự thảo luật quan trọng hay các đạo luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của cơ quan dân cử, QH đã mời đại biểu HĐND một số địa phương tham dự nhưng chưa được nhiều, chưa kể, đại biểu HĐND ít khi được mời phát biểu. Có lẽ, trong mối quan hệ giữa cơ quan dân cử Trung ương và địa phương, sự phối hợp hiệu quả hơn cả chính là giữa Đoàn ĐBQH của tỉnh và HĐND tỉnh.

Gắn kết để tăng sức mạnh

Một sự gắn kết, thông suốt trong hoạt động giữa QH và HĐND địa phương là điều kiện cần để tăng cường sức mạnh của hệ thống cơ quan dân cử trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Về công tác tổ chức, Luật quy định UBTVQH phê duyệt bộ máy HĐND cấp tỉnh. Khi bàn đến cơ cấu, nhân sự dự kiến cho bộ máy, chẳng hạn đối với chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thường trực HĐND cấp tỉnh thì cấp ủy, chính quyền địa phương cần có sự trao đổi với UBTVQH. QH là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng lại đứng ngoài quá trình thảo luận, chuẩn bị nhân sự Thường trực HĐND cấp tỉnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến mối quan hệ giữa cơ quan dân cử Trung ương và địa phương.

Về mối quan hệ phối hợp trong TXCT trước và sau kỳ họp, cần kết hợp tổ chức một cuộc TXCT của ĐBQH ứng cử ở một địa phương và đại biểu HĐND các cấp được bầu ở địa phương đó. Trong cuộc tiếp xúc này, cử tri có thể phản ánh tất cả các kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của mình, nội dung nào thuộc địa phương, nội dung nào thuộc Trung ương, các đại biểu tùy vai của mình trao đổi, tiếp thu. Kết hợp được như vậy vừa đỡ tốn kém, vất vả cho công tác chuẩn bị, phục vụ, vừa thể hiện sự đoàn kết của các đại biểu cơ quan dân cử, đồng thời tiết kiệm thời gian cho cử tri.

Luật đã quy định, QH có nhiệm vụ và quyền hạn giám sát tối cao tất cả hoạt động của bộ máy nhà nước; UBTVQH giám sát hoạt động của HĐND cấp tỉnh. Chính vì thế, có ý kiến cho rằng, bởi vì QH và HĐND có mối quan hệ cấp trên, cấp dưới nên không giám sát; ngược lại, ý kiến khác lại đặt vấn đề, cùng là bộ máy chính quyền địa phương, sao QH chỉ giám sát bên này mà không giám sát bên kia, như vậy có bảo đảm tính khách quan, toàn diện hay không. Có lẽ, cần phải có sự nhìn nhận lại vấn đề này một cách thấu đáo. Trong hoạt động giám sát, cũng cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa hai cơ quan dân cử. Khi QH, UBTVQH, các Ủy ban của QH giám sát ở địa phương cần mời các đại biểu ứng cử ở đó tham gia cùng. Đây là dịp tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa QH và HĐND, giữa các đại biểu dân cử. Ngược lại, đối với HĐND, khi giám sát có thể mời các ĐBQH ứng cử tại địa phương đó tham gia, để đại biểu nắm đầy đủ thông tin ở nơi mình ứng cử.

Sự phối hợp giữa hai cơ quan dân cử trong việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư KNTC của công dân rất cần nhịp nhàng để tránh trùng lặp. Trong nhiều trường hợp, cùng một vụ việc, công dân gửi đơn đến cả ĐBQH và đại biểu HĐND. Hoặc, cùng một vụ việc, nhưng ĐBQH có một quan điểm, đại biểu HĐND lại có quan điểm khác; Thường trực HĐND có một quan điểm, nhưng Đoàn ĐBQH lại có quan điểm khác. Trong những trường hợp này, việc trao đổi thông tin giữa các đại biểu và hai cơ quan dân cử cực kỳ cần thiết. Hơn nữa, khi có sự phối hợp nhịp nhàng, việc tiếp nhận, xử lý, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư và trả lời cho công dân cũng sẽ hiệu quả hơn, giảm tình trạng đơn thư gửi sai địa chỉ.

Sự gắn kết giữa cơ quan dân cử Trung ương và địa phương sẽ có tác động bổ khuyết cho nhau, thúc đẩy hiệu lực, hiệu quả và tính thực quyền của cơ quan dân cử. Khi có sự gắn kết, ĐBQH tranh luận trên nghị trường sẽ sâu sắc hơn bởi đã có được các cứ liệu thực tiễn chính xác từ các đại biểu HĐND. Ngược lại, đại biểu HĐND, HĐND sẽ kế thừa những đổi mới, kỹ năng, phương thức hoạt động của QH, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Trong mối quan hệ giữa hai cơ quan dân cử, bản thân ĐBQH và đại biểu HĐND cần phải phá vỡ bức tường vô hình ngăn cách bấy lâu nay, cùng trao đổi, sẻ chia, hỗ trợ nhau làm tốt hơn trách nhiệm người đại biểu. Về lâu dài, phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các đạo luật quy định rõ ràng và thống nhất về quyền, trách nhiệm, mối quan hệ giữa các cơ quan quyền lực nhà nước với nhau và với cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội.

Nguyễn Xuân Diên - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH TP HN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    791 người đã bình chọn
    Thống kê: 6.166.267
    Online: 251