Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 31/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ Quốc hội đã thảo luận về dự kiến chương trình giám sát năm 2018. Đa số ĐBQH cơ bản đồng tình với Tờ trình của UBTVQH về dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2018; cho rằng, 4 nội dung giám sát chuyên đề được UBTVQH lựa chọn đưa ra xin ý kiến ĐBQH đều là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô và có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được cử tri và nhân dân quan tâm. Cụ thể gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại Hội trường

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) đã bày tỏ tán thành với rất nhiều nội dung trong tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chuyên đề giám sát. Tuy nhiên, về một nội dung đó là liên quan đến việc lựa chọn chuyên đề giám sát. Căn cứ vào tờ trình, Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra bốn chuyên đề giám sát. cần cân nhắc thêm tính hợp lý của một số chuyên đề giám sát, đặc biệt là thời điểm giám sát. Cụ thể, chuyên đề giám sát việc thực hành chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu cho rằng về mặt nội dung, đây là một chuyên đề giám sát rất mang tính cần thiết, có tác động nhiều đến nguồn lực ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, nếu chúng ta chọn thời điểm giám sát là năm 2018 thì cần cân nhắc thêm để đảm bảo tính hợp lý với một số lý do như sau:

Thứ nhất, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã xem xét kế hoạch đầu tư công trung hạn và trước đó để xem xét thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn thì Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành nhiều hoạt động giám sát liên quan đến đánh giá kết quả việc thực hiện nguồn lực đầu tư công, trong đó có vốn trái phiếu Chính phủ cũng như vốn ODA. Trên cơ sở đó Quốc hội đã ban hành hai nghị quyết, đó là Nghị quyết 26 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính trung hạn là kế hoạch theo Nghị quyết số 25. Trong tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội có nêu, chúng ta sẽ tiến hành giám sát chuyên đề này để đưa ra những giải pháp quan trọng cho những giai đoạn tiếp theo.

Trong hai Nghị quyết số 25 và Nghị quyết số 26 chúng ta cũng đã đề ra rất nhiều giải pháp quan trọng. Riêng Nghị quyết số 25 đề ra 9 giải pháp sử dụng nguồn lực ngân sách, trong đó có nguồn lực đầu tư công và riêng Nghị quyết số 26 cũng đề ra 5 giải pháp, trong đó sử dụng nguồn vốn đầu tư công có vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA.

Lý do thứ hai, việc giám sát tại thời điểm hiện nay để đánh giá tình hình thực hiện trong năm 2016 - 2017 cũng chưa thực sự hợp lý, mặc dù chúng ta đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, song đến thời điểm hiện nay thì việc phân bổ vốn cũng chưa hoàn thành. Theo báo cáo của Chính phủ đến nay chúng ta mới chỉ phân bổ được lần 1, vừa qua vào tháng 4 Thủ tướng Chính phủ cũng mới ký quyết định ban hành. Lần 1 dự kiến sẽ vào tháng 6. Hiện nay theo báo cáo của Chính phủ chúng ta có hơn 44.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ chưa được phân bổ cho các dự án, vì thủ tục đầu tư chưa hoàn tất. Bên cạnh đó một loạt các dự án tới đây cũng sẽ được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng như Quốc hội xem xét, đó là các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, dự án sân bay quốc tế Long Thành, tuyến đường ven biển, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều nội dung khác. Như vậy, nếu tính đến thời điểm hiện nay, việc triển khai phân bổ vốn còn chưa hoàn thành. Do vậy, nếu như chúng ta triển khai việc giám sát tình hình thực hiện, tôi cũng e rằng căn cứ để giám sát cũng chưa đầy đủ và đánh giá của chúng ta có thể cũng sẽ khó có bề dày.

Lý do thứ ba, trong tờ trình cũng nêu việc giám sát chuyên đề này để phục vụ việc hoàn thiện pháp luật quản lý nợ công, trong đó có việc phục vụ việc sửa đổi Luật quản lý nợ công. Tuy nhiên, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì trong kỳ họp này chúng ta sẽ cho ý kiến về Luật quản lý nợ công và sẽ thông qua tại kỳ họp tháng 10. Như vậy, chúng ta sẽ thông qua dự án này vào năm 2017. Nếu như chúng ta lại lấy lý do giám sát để phục vụ việc sửa đổi Luật quản lý nợ công mà lại giám sát vào năm 2018 thì về mặt logic cũng như về mặt cần thiết cũng chưa được hợp lý. Vì chúng ta thông qua luật rồi thì chúng ta sẽ không giám sát để phục vụ việc sửa đổi luật mà chúng ta vừa thông qua nữa.

Vấn đề tiếp theo cần cân nhắc thêm là chúng ta sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định về vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA trong cùng một chuyên đề. Xét về mặt bản chất thì hai nguồn vốn này đều là nguồn lực đầu tư công. Tuy nhiên, đặc điểm, đặc thù thì có những điểm khác nhau. Khác nhau trong cách thức huy động trong quy trình quản lý, trong thủ tục đầu tư, xem xét. Như vậy, đồng nghĩa với việc các chủ thể giám sát, đối tượng giám sát cũng có những điểm khác nhau. Mặc dù nếu kết hợp giám sát hai nội dung này cùng một chuyên đề thì chúng ta có thể tiết kiệm được thời gian, nguồn lực. Tuy nhiên cũng có thể chúng ta cân nhắc thêm tính hợp lý.

Vấn đề nữa liên quan đến phân chia giai đoạn để giám sát. Theo tờ trình, chúng ta sẽ giám sát giai đoạn 2010 - 2016. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội cũng như lộ trình đánh giá kết quả tình hình đầu tư công, chúng tôi thấy việc phân chia giai đoạn cũng có điểm khác. Chúng ta phân chia tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như lộ trình thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực đầu tư công theo giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, nếu chúng ta đề ra lộ trình giám sát thì tôi nghĩ nên ăn khớp chứ không nên đề ra 2010-2016. Như vậy nó không ăn khớp và có thể phát sinh những khó khăn trong quá trình chúng ta đánh giá chính sách.

Cuối cùng, đại biểu cho rằng việc lựa chọn chuyên đề giám sát rất quan trọng và đối với chuyên đề giám sát này thực sự mang tính cấp thiết. Bởi vì trong lĩnh vực này chứa đựng nhiều hạn chế, thất thoát, lãng phí và tiềm ẩn rất nhiều câu hỏi mà chúng ta phải trả lời. Tuy nhiên, tại thời điểm 2018 nếu thực hiện chương trình giám sát này thì đôi khi nó sẽ rơi vào tình trạng muộn với giai đoạn trước nhưng sớm với giai đoạn sau. Vì vậy, nếu có thể được thì chúng ta sẽ lùi thời điểm giám sát, có thể trong năm 2019 hoặc 2020 thì đánh giá sẽ có căn cứ hơn và những giải pháp đề ra sẽ có hiệu quả thiết thực trong việc triển khai giai đoạn tiếp theo là giai đoạn 2021 và 2025.

Một trong những chuyên đề được các ĐBQH Tống Thanh Bình (Lai Châu), Hà Thị Lan (Bắc Giang), Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)… kiến nghị đưa vào chương trình giám sát của QH năm 2018 là việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo ĐBQH Tống Thanh Bình, với quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, thời gian qua, nhiều chính sách, pháp luật cho đồng bào dân tộc miền núi đã được ban hành và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và ổn định đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn đã đến lúc nhiều chính sách, pháp luật đối với đồng bào dân tộc cần phải được quan tâm xem xét, sửa đổi và hoàn chỉnh. Trong khi đó, chuyên đề giám sát này cũng chưa được đưa vào chương trình giám sát của QH.

Kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội phát biểu chiều 31/5. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu hoàn chỉnh, lựa chọn chuyên đề giám sát đưa ra Quốc hội thông qua.

 NGỌC ÁNH - THANH HÀ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954-10/10/2024)
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    781 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.646.709
    Online: 28