Chiều 8/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo tờ trình của Chính phủ phân tích, việc đề nghị tách nội dung bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án tại thời điểm hiện nay trước khi Quốc hội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ giúp dự án triển khai, đảm bảo tiến độ đề ra theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội khóa XIII, đồng thời tiết kiệm kinh phí và sớm ổn định đời sống nhân dân trong khu vực dự án.

Trường hợp chưa được Quốc hội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cũng như không tiết kiệm được kinh phí, nhưng Chính phủ chưa đánh giá khách quan về những rủi ro trong trường hợp Quốc hội không thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sau khi đã thực hiện thu hồi GPMB. Mặc dù báo cáo giải trình đã có nội dung này nhưng việc giải trình còn loanh quanh, chủ yếu chỉ đề cập đến tính cần thiết của dự án và đề nghị sớm được tách thành dự án thành phần mà chưa nêu cụ thể những rủi ro khi không được Quốc hội thông qua.

Khoản 4 Điều 3 Nghị quyết 94 của Quốc hội khóa XIII có nêu Chính phủ chỉ đạo thực hiện dự án đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cơ bản, đó là phải bảo đảm an toàn, đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả KT-XH, quốc phòng, an ninh, hiệu quả đầu tư, chống thất thoát lãng phí, tiêu cực trong quá trình đầu tư, có đánh giá tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường; huy động nguồn lực, vốn đầu tư theo quy định của pháp luật; không gây tác động xấu đến nợ công.

ĐB Trần Thị Phương Hoa cho rằng, việc tách nội dung bồi thường hỗ trợ tái định cư của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án hợp phần mới chỉ đáp ứng điều kiện đảm bảo đúng tiến độ, còn việc tiết kiệm chi phí và các nội dung khác thì chưa đủ căn cứ khẳng định có đảm bảo hay không. Chỉ tính riêng chi phí bồi thường GPMB đã vượt gấp nhiều lần. Tổng kinh phí khái toán cho công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án là trên 23.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo giải trình, kinh phí tăng là do biến động giá đất của năm 2015 so với năm 2017. Tăng là do áp dụng theo khung chính sách và một số cơ chế đặc thù theo phương pháp thu hồi đất và bồi thường tái định cư, trước đây là mức 1,5 lần, nay tăng lên 2 lần theo bảng giá đất tỉnh Đồng Nai quy định.

“Vậy căn cứ vào đâu để UBND tăng giá đất từ 1,5 lên đến 2 lần trong 2 năm qua sau khi có Nghị quyết 94 của Quốc hội? Đề nghị cần làm rõ điều này và phải có báo cáo giải trình”, ĐB Hoa đặt câu hỏi.

Với quy mô 5.000 ha đất, việc đền bù GPMB một lần cần sử dụng nguồn vốn NSNN để thực hiện, bởi việc này khó có thể huy động vốn ODA hay kêu gọi xã hội hóa. Nếu đã sử dụng NSNN liệu có đảm bảo đúng theo khoản 3 của Nghị quyết 94 là không gây tác động xấu đến nợ công hay không.

Cuối cùng đại biểu Hoa cho rằng đây là dự án quan trọng quốc gia nên Quốc hội khóa XIII đã cân nhắc thận trọng khi yêu cầu phải có báo cáo nghiên cứu khả thi của từng giai đoạn dự án và phải được Quốc hội chấp thuận thông qua. Trong báo cáo giải trình của Bộ Giao thông vận tải cũng nêu cố gắng đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội sẽ thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ sớm có báo cáo nghiên cứu khả thi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Chính vì vậy, để thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và bền vững trong quá trình triển khai dự án Quốc hội có thể lùi lại kỳ họp thứ 4 cho thông qua, vì khi đó đã có đủ báo cáo nghiên cứu khả thi. Trong trường hợp Quốc hội thông qua chủ trương tách nội dung thu hồi đất bồi thường hỗ trợ tái định cư thành dự án  thành phần sớm tại kỳ họp thứ 3 này mà chưa có báo cáo nghiên cứu khả thi, liệu có thể là những tiền đề không tốt cho các dự án  quan trọng của quốc gia sau này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình cao với việc nên tách nội dung bồi thường, thu hồi đất, tái định cư ra thành dự án riêng. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn là lấy đâu ra 23.000 tỷ để thực hiện việc giải phóng mặt bằng, chưa nói đến là 300.000 tỷ để xây dựng dự án. Hiện nay ta có 5.000 tỷ trong kế hoạch đầu tư công, trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và có 4.000 tỷ từ tiền thu hồi đất, thu tiền sử dụng đất của phần dự án tái định cư và thu được khoảng 1.000 tỷ là tiền thuê mặt bằng thương mại, dịch vụ và diện tích đất giải phóng xong chưa dùng đến thì cho thuê cũng sẽ thu được khoảng 500 tỷ. Như vậy, tổng phần thu về là khoảng 5.500 tỷ cộng với 5.000 tỷ đã bố trí quy hoạch là tổng vốn có khoảng 10.500 tỷ, như vậy vẫn thiếu khoảng 12.500 tỷ chưa rõ lấy ở đâu. Rõ ràng, nếu chúng ta tư duy như hiện tại là đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành chỉ có 2.750 ha là đầu tư kết cấu hạ tầng cho hàng không, 1050 ha quốc phòng và 1200 ha cho các hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và thương mại thì chúng ta đang tự mình bó buộc mình và chúng ta bỏ đi nguồn lực vô cùng to lớn được hình thành khi sân bay này phát triển tất yếu nó sẽ kéo theo khu đô thị phụ cận đi cùng sân bay.

Đại biểu Cường đề nghị sớm quy hoạch xây dựng sân bay, đồng thời chúng ta phải quy hoạch phát triển kèm theo một khu đô thị phụ cận thì trong tương lai, chúng ta không chỉ có được một thành phố hiện đại, đồng bộ mà chúng ta còn có thể khai thác được một nguồn lực vô cùng to lớn đi kèm với sự phát triển của các khu đô thị này. Theo tính toán trong đề án, để chúng ta thu hồi 5600 ha đất và tái định cư trong đó 600 ha đất là tái định cư thì chúng ta cần 23.000 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa là để có 5000ha đất sạch thì chúng ta phải tiêu tốn 23.000 tỷ, bình quân 1ha đất sạch chúng ta đền bù khoảng 5 tỷ đồng. Nếu chúng ta có được các khu đất sạch đó rồi mà áp vào đó một quy hoạch đô thị hiện đại thì giá chuyển nhượng những khu đô thị hiện đại hiện nay ở những thành phố nhỏ không dưới 50 tỷ cho 1 ha, những thành phố trung bình lớn ở Việt Nam khoảng 100 tỷ đồng/ha. Như vậy, chúng ta có thể khai thác được hàng trăm ngàn tỷ đồng ở quy hoạch các đô thị lân cận nếu chúng ta triển khai ngay từ bây giờ. Như vậy nguồn vốn ở đây không chỉ đủ cho giải phóng mặt bằng mà còn có thể đầu tư rất tốt cho việc phát triển những công trình hạ tầng cho khu vực xây dựng sân bay.

Sau khi lắng nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định, sẽ tiếp thu toàn bộ và với trách nhiệm của Bộ trực tiếp lập dự án, cùng tỉnh Đồng Nai tiếp tục hoàn thiện báo cáo. Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, đây là dự án hết sức quan trọng, được đưa vào chương trình từ năm 2005 nhưng đến kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII mới thông qua được. Do tính quan trọng và phức tạp của dự án, Nghị quyết 94 của Quốc hội đã yêu cầu phải có báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi phê duyệt, hàng năm báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện dự án.

Riêng về nội dung GPMB, Bộ trưởng Nghĩa cho biết, Chính phủ đã nêu rõ các kiến nghị về cơ chế đặc thù cho việc di dân, tái định cư để thực hiện dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. “Ngoài tích cực chuẩn bị đầu tư dự án, với tinh thần khẩn trương khắc phục quá tải ở Tân Sơn Nhất, vừa qua, Bộ GTVT được sự đồng thuận lớn của Bộ Quốc phòng và TP HCM đã đồng thời triển khai một loạt dự án”, Bộ trưởng Nghĩa nói và đánh giá, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc là hoàn toàn không khả thi vì chi phí GPMB quá lớn, có khả năng ô nhiễm tiếng ồn và rất nhiều vấn đề khác.

Vì thế, phương án được lựa chọn là nâng cấp đường lăn, sân đậu trước Tết năm 2018, xây thêm một nhà ga T4 vào năm 2019 với công suất từ 10-15 triệu hành khách, nâng công suất chung của sân bay lên mức 40-43 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, dự kiến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ lại hết công suất vào năm 2022. Nên vì thế, theo ông Nghĩa, việc hoàn thành giai đoạn 1 của sân bay Long Thành vào năm 2025 là nhu cầu hết sức cấp bách.

Về nguồn vốn, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Nghị quyết 94 của Quốc hội đã nêu là huy động nhiều nguồn vốn: NSNN, ODA, vốn các nhà đầu tư, cổ phần hoá doanh nghiệp, nhưng có khó khăn là trong giai đoạn GPMB không thể huy động vốn ODA hay vốn của tư nhân mà chỉ có thể lấy từ vốn ngân sách. Ngoài ra, còn một dự án cần tiến hành nữa là tuyến đường sắt dài 43km từ Tân Sơn Nhất đến Long Thành. Đây là cơ hội lớn cho TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương phát triển.

Theo Bộ trưởng, việc tư nhân đầu tư vào sân bay, nhà ga không còn mới và đang được các nhà đầu tư hết sức quan tâm. “Chúng ta có nhà ga quốc tế Đà Nẵng phục vụ APEC, cảng hàng không Vân Đồn, nhà ga sân bay Cam Ranh hoàn toàn do tư nhân đầu tư. Nhà ga T4 của sân bay Tân Sơn Nhất hiện cũng đã có 3-4 nhà đầu tư đề nghị được tham gia. Vì thế, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được xem xét đầu tư theo hình thức PPP”, Bộ trưởng Nghĩa nói.

Bộ trưởng cũng nhận định, với trần nợ công hiện nay, để đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành bằng vốn Nhà nước là hết sức khó khăn, còn nếu để các nhà đầu tư vào thì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. “Thời gian tới, chúng tôi cùng tỉnh Đồng Nai sẽ có báo cáo cụ thể hơn với các ĐBQH, sẽ nêu cụ thể hơn về cách thức huy động vốn để thực hiện dự án này, còn đây mới chỉ là giai đoạn xin chủ trương”, Bộ trưởng Nghĩa cho hay.

Ngọc Ánh - Thanh Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954-10/10/2024)
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    781 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.644.786
    Online: 121