Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận được Phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội với nội dung: Trách nhiệm để ùn tắc giao thông (UTGT) và nhiều dự án giao thông chậm được triển khai, đưa vào sử dụng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa vừa có văn bản trả lời đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà.

Theo đó, về trách nhiệm để UTGT, đã tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành với chính quyền các thành phố trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục UTGT. Công tác giảm UTGT tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã và đang được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ như: Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm, triển khai các cửa thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường sắt đô thị; đẩy mạnh xã hội hóa xe buýt; chú trọng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông tĩnh; triển khai xây dựng các tuyến buýt nhanh, đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu trung tâm thành phố, điều tiết giữa các phương thức vận tải... nhằm từng bước giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông, khắc phục UTGT.

Bộ đã và đang phối hợp với 02 thành phố để triển khai: Công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; công tác quy hoạch tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô trên địa bàn địa phương; tăng cường kiểm soát hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng và chỉ đạo xử lý hiện tượng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Thường kỳ thực hiện chế độ giao ban hàng quý với UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để rà soát, đánh giá nội dung công việc phải phối hợp thực hiện và bàn các giải pháp để chống UTGT tại hai thành phố.

Với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đang triển khai thực hiện văn bản số 148/TTg-KTN ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng Đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu trung tâm thành phố, đẩy mạnh xã hội hóa xe buýt, điều tiết giữa các phương thức vận tải... để từng bước giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông, khắc phục UTGT. Đang triển khai quyết liệt chiến dịch “Lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, kiên quyết xử lý các vi phạm; thực hiện quy hoạch tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định bằng xe ô tô, triển khai các biện pháp chống UTGT tại các điểm có nguy cơ ùn tắc cao trên địa bàn. Thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai thí điểm cấp phù hiệu riêng cho xe taxi thuộc địa bàn thành phố để tăng cường công tác quản lý hoạt động xe taxi; đưa tuyến xe buýt ứng dụng điện tử vào hoạt động nhằm mục đích tăng hiệu quả hoạt động của xe buýt và sự tiện lợi cho hành khách; đưa Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông vào hoạt động góp phần quan trọng trong công tác kiểm soát, điều khiển linh hoạt tất cả các nút đèn tín hiệu, triển khai xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông qua hình ảnh…

Một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống UTGT giai đoạn 2017 - 2021. Bộ GTVT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý các hành vi vi phạm về tốc độ, về hành trình của chủ xe, lái xe, đặc biệt là đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng và du lịch; cung cấp dữ liệu tổng hợp cho Sở GTVT các địa phương để phục vụ công tác quản lý, điều tiết, chống UTGT trên địa bàn theo yêu cầu đặc thù của địa phương; phối hợp với VOV Giao thông để chia sẻ dữ liệu giữa hai bên.

UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo: Triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị; tổ chức quản lý hiệu quả phần vỉa hè, lòng đường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Xây dựng và công bố bản đồ các điểm hay UTGT để tăng cường lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông; thường xuyên cập nhật, công bố thông tin về phương án phân luồng, điều tiết giao thông và hướng dẫn tham gia giao thông qua các điểm hay UTGT, các đoạn tuyến có công trình xây dựng chiếm dụng lòng, lề đường, bị ngập nước do mưa, triều cường. Xây dựng phần mềm giám sát giao thông trực tuyến, tích hợp dữ liệu giám sát hành trình xe ô tô, toàn bộ camera trong đô thị trên các tuyến đường để quản lý, giám sát, điều hành, cung cấp thông tin vi phạm cho Cảnh sát giao thông để làm căn cứ xử phạt, đồng thời cung cấp thông tin về tình hình giao thông cho người dân thành phố và những người muốn ra, vào thành phố. Tổ chức lại các tuyến xe khách liên tỉnh trong cự ly 80 - 100 km theo mô hình quản lý tuyến xe buýt; tổ chức kết nối với các tuyến xe buýt trong nội thành; tổ chức trông giữ xe tại các đầu bến và các trạm dừng bên ngoài thành phố. Xây dựng và thực hiện đề án hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân gắn với nâng cao năng lực và chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt; nghiên cứu ban hành quy định giá trông giữ xe theo thời gian trong ngày (tăng dần theo giờ cao điểm) và theo khu vực (tăng dần từ ngoại ô vào trung tâm). Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường sắt trên cao, tàu điện ngầm và xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) theo quy hoạch và dự án đã được phê duyệt để sớm đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Về vấn đề nhiều dự án giao thông chậm được triển khai, đưa vào sử dụng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, trong thời gian qua, Bộ GTVT luôn chú trọng công tác quản lý chất lượng, tiến độ tại các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nhằm mục tiêu sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, đồng thời nỗ lực, quyết liệt không ngừng trong công tác giám sát, quản lý tiến độ các dự án, thực hiện tăng cường kiểm tra hiện trường, phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc; kiên quyết xử lý các nhà thầu thi công chậm tiến độ với nhiều hình thức như điều chuyển nhiệm vụ, khối lượng, chấm dứt hợp đồng, lựa chọn nhà thầu mới thay thế... Những nỗ lực trên đã chấm dứt tình trạng công trình chậm tiến độ kéo dài, ảnh hưởng đến giao thông, gây bức xúc trong dư luận.

Từ năm 2013 đến hết năm 2016 đã có khoảng 290 dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra; nhiều công trình đã hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, sớm phát huy hiệu quả đầu tư như: Cầu Vĩnh Thịnh, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga T2 - Nội Bài, mở rộng, nâng cấp đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn I, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... Đặc biệt đối với dự án mở rộng Quốc lộ 1A, đến tháng 12/2015 đã hoàn thành toàn bộ các dự án đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ, rút ngắn 1 năm so với kế hoạch (riêng dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả có quy mô lớn, mức độ phức tạp cao nên dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017); hoàn thành đưa vào khai thác toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và Bình Phước với tổng chiều dài 663 km, rút ngắn thời gian thi công 1,5 năm so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số dự án tiến độ thi công chậm, ngoài các yếu tố chủ quan như năng lực các chủ thể tham gia thực hiện dự án (năng lực tài chính của nhà thầu), còn có các nguyên nhân khách quan như vướng mắc về giải phóng mặt bằng, trong đó có các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội như dự án đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn II (chậm khoảng 6 tháng), dự án đương cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (chậm khoảng 12 tháng); hoặc do chậm trễ trong công tác giải ngân vốn vay (đối với các dự án ODA) như dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Ngoài ra, một số dự án phải đình hoãn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với các dự án bị chậm tiến độ do năng lực yếu kém của các chủ thể tham gia thực hiện dự án, Bộ GTVT đã áp dụng các biện pháp xử lý như thay thế Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án), thay thế hoặc cắt giảm khối lượng của các nhà thầu chậm tiến độ như nêu trên.

Đối với dự án chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, chỉ đạo chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tích cực phối hợp với địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng (nhất là các nội dung liên quan đến chính sách đền bù, thu hồi đất, tái định cư) để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.

Dự kiến dự án đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn II sẽ hoàn thành vào tháng 10/2017, dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ hoàn thành vào tháng 12/2017. Đối với dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT đã có Văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương giải quyết và hoàn thiện thủ tục cho khoản vay bổ sung để đảm bảo tiến độ đưa công trình vào vận hành thử vào đầu tháng 10/2017 và khai thác thương mại vào Quý I năm 2018. 

Đối với các dự án phải đình hoãn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ GTVT sẽ tiếp tục giao cơ quan quản lý đường bộ tăng cường công tác bảo trì, sửa chữa nhằm đảm bảo giao thông an toàn và êm thuận; đồng thời, sẽ xem xét cân đối nguồn lực đầu tư (kể cả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) để sớm hoàn thành dự án.

Toàn văn văn bản trả lời xem tại đây

MINH TÚ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    791 người đã bình chọn
    Thống kê: 6.156.298
    Online: 2