Sáng 19/6/2017, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Đa số ĐBQH cho rằng việc sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng… Thể chế hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên, đường lối chủ trương của Đảng, Nghị quyết của QH liên quan bảo vệ và phát triển rừng.

Đại biểu Quốc hội Ksor Phước Hà – tỉnh Gia Lai phát biểu tại Hội trường

So với Luật năm 2004, dự thảo lần này đã có những tiếp cận toàn diện hơn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, một số nội dung trong dự thảo chưa thực sự thống nhất với quy định của pháp luật liên quan về Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đầu tư. Vì thế, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa về phạm vi điều chỉnh, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng mà Việt Nam là thành viên.

Về phân loại rừng tại Điều 5, một số ĐBQH đồng tình với quy định của dự thảo Luật, nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị xem xét quy định phân loại rừng, bởi với cách phân loại thành 3 loại rừng chưa thực sự phù hợp cho quản lý và mang tính khoa học cao.

Đồng tình với quy định 3 loại rừng như dự thảo, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, phân loại thành 3 loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất sẽ thuận tiện cho sắp xếp tổ chức trong ngành lâm nghiệp, thực hiện các chủ trương chính sách về đầu tư, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, sắp xếp, đổi mới và phát triển rừng quốc gia. ĐB Dương Đình Thông (Bắc Giang) cũng nhận định, phân thành 3 loại rừng là hợp lý. Tuy nhiên để nâng cao tính thuyết phục, đề nghị cơ quan soạn thảo cần phân tích, bổ sung làm rõ hơn cơ sở khoa học thực tiễn về tiêu chí phân thành 3 loại rừng.

Không đồng tình với những ý kiến trên, ĐB Nguyễn Văn Man (Quảng Bình) đề nghị, chỉ nên phân loại thành 2 loại rừng là rừng bảo vệ và rừng kinh tế. Trong đó, rừng bảo vệ gồm rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Còn rừng kinh tế là rừng trồng sản xuất. ĐB Nguyễn Văn Man cho rằng, việc phân loại như vậy phù hợp với phân loại của nhiều nước trên thế giới, giúp chúng ta thuận lợi hơn trong hợp tác quốc tế, thực hiện quản lý rừng bền vững. Điều này cũng giúp toàn bộ rừng tự nhiên hiện có của nước ta sẽ không được chuyển sang mục đích khác. Theo ĐB, việc phân loại thành 3 loại rừng như dự thảo buộc phải có các cơ chế, chính sách, mô hình phù hợp để quản lý, bảo vệ, sử dụng với từng loại rừng.

Nhất trí việc chỉ nên phân loại thành 2 loại rừng, ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) nhấn mạnh, chỉ nên quy định là rừng bảo vệ và rừng sản xuất. Trong rừng bảo vệ có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, và một số rừng đặc chủng theo biên cương biên giới… Quy định này cần được quy định rõ các tiêu chí trong Luật để Chính phủ và Bộ NN-PTNT hướng dẫn và tổ chức thực hiện phân loại chính xác.

ĐB Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) lại cho rằng, quy định phân loại rừng chưa đưa ra được hết nội hàm để bảo vệ và phát triển rừng. Phân loại rừng trong dự thảo Luật chỉ mới đề cập đến phân loại rừng theo mục đích sử dụng rừng thuần túy về kỹ thuật của ngành lâm nghiệp mà chưa rõ tính chất sử dụng đặc thù của rừng gắn với chủ thể, chủ rừng là cộng đồng dân cư các dân tộc như rừng tâm linh, tín ngưỡng, rừng bảo vệ nguồn nước, rừng biên giới… Tiêu chí phân loại rừng đặc dụng tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 chỉ quy định chung là rừng văn hóa tín ngưỡng. Trong khi loại rừng này của cộng đồng chưa được pháp luật thừa nhận như các đình, chùa, miếu, mạo đã được Luật Đất đai quy định là đất tín ngưỡng.

* Cũng trong sáng nay, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao với tỷ lệ 83,10% số ĐBQH có mặt tán thành.

Theo kết quả kiểm phiếu sau khi tiến hành bỏ phiếu kín, ông Lê Hồng Quang, sinh năm 1968, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang đạt tỉ lệ 78,81% số ĐBQH có mặt tán thành việc bổ nhiệm. Ông Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1966, Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội có 85,74% số ĐBQH có mặt tán thành bổ nhiệm.

 NGỌC ÁNH


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.912.519
    Online: 102