Sáng 20.6.2017, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).

Cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo Luật, các ĐBQH cho rằng, trong tình hình khai thác thủy sản có nguy cơ tận diệt như hiện nay thì việc sửa đổi Luật Thủy sản hiện hành sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để bảo vệ nguồn lợi, nuôi trồng và khai thác thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thủy sản, đẩy mạnh phát triển thủy sản thành ngành kinh tế theo chuỗi giá trị.

Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm thảo luận liên quan đến các quy định về nguyên tắc hoạt động thủy sản, quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, cho thuê mặt nước biển, kiểm ngư...


Đại biểu Nguyễn Văn Man, (Quảng Bình) phát biểu đóng góp ý kiến

Thành lập Quỹ thủy sản theo hướng nào?

Đối với việc thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 3 luồng ý kiến là chỉ thành lập quỹ trung ương và khuyến khích phát triển quỹ cộng đồng, không thành lập quỹ cấp tỉnh; hoặc thành lập quỹ trung ương và quỹ cấp tỉnh như dự thảo luật; hoặc không thành lập quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, mà cần có chính sách, quy định khuyến khích thành lập và phát triển quỹ cộng đồng.

Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng, Luật Thủy sản 2003 đã có quy định về thành lập quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhưng chưa quy định nguồn hình thành quỹ, nhiệm vụ chi chưa rõ ràng và sau 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản thì quỹ chưa đi vào hoạt động. Một số địa phương có quỹ nhưng hoạt động không hiệu quả phải giải thể.

Việc thành lập quỹ có thể tăng thêm bộ máy biên chế, chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Do đó đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho rằng, khuyến khích phát triển quỹ cộng đồng, không nên thành lập quỹ tài chính ngoài ngân sách vì hiện nay đã có hơn 70 quỹ tài chính ngoài ngân sách với tổng vốn khoảng 300 nghìn tỷ đồng nhưng hoạt động kém hiệu quả.

Tuy nhiên, một số đại biểu lại cho rằng, cần thành lập quỹ trung ương và địa phương như dự thảo luật nhưng đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, tránh hình thức nhằm hỗ trợ người dân ở địa phương, ngoài mục đích bảo vệ phát triển thủy sản còn phục vụ mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố liên quan đến thủy sản như dịch bệnh...

Bổ sung nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm

Theo dự thảo luật, nguyên tắc hoạt động thủy sản phải (1) bảo đảm phát triển bền vững và có trách nhiệm. Khai thác phải gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, tính đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên;

(2) Thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ tác hại của thiên tai; bảo đảm an toàn cho người, tàu cá, bè nuôi trồng thủy sản, công trình và thiết bị dùng trong hoạt động thủy sản; phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm thuỷ sản;

(3) Bảo đảm chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động các ngành nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản;

(4) Hoạt động thuỷ sản phải kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển; tuân theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng ý với các nguyên tắc này nhưng đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, nên bổ sung nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm khi sản xuất chế biến thủy sản vì đây là một lĩnh vực quan trọng của ngành nông nghiệp. Mỗi năm, sản phẩm thủy sản xuất khẩu mang lại trên 7 tỷ USD, tạo công an việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động. Hiện nhiều sản phẩm thủy sản của Việt Nam như tôm, cá tra... đã có thứ hạng cao trên thế giới.

Bên cạnh đó, cũng cần sửa lại quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản, không nên quy định cứng giao cho Bộ NN&PTNT làm đầu mối vì trên thực tế có nhiều tổ chức, cá nhân đã làm rất tốt lĩnh vực này.

Kiểm ngư cấp tỉnh nên hay không?

Nhiều đại biểu cho rằng, nên tăng cường lực lượng kiểm ngư, thanh kiểm tra chuyên ngành trên biển nhằm thực hiện quy định của pháp luật, hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, bảo vệ chủ quyền. Do đó, ngoài lực lượng kiểm ngư trung ương cần có thêm lực lượng ở địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, muốn phát triển kinh tế biển thì biển phải lặng. Trong những yếu tố góp phần làm biển lặng có lực lượng kiểm ngư. Hiện nay lực lượng kiểm ngư vừa yếu, vừa thiếu về lực lượng, trang thiết bị phương tiện, kinh phí; công tác thanh kiểm tra trên biển còn ít. Trong khi đó trên biển diễn biến rất phức tạp.

Bà Thủy cho rằng, cần có kiểm ngư cấp tỉnh nhưng phải đảm bảo không tăng biên chế; chỉ thành lập khi đủ điều kiện hoạt động và địa phương đảm bảo kinh phí hoạt động.

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không nên thành lập thêm kiểm ngư địa phương vì sẽ tăng biên chế, tăng ngân sách... nhưng có chính sách tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra chuyên ngành thủy sản, luật hóa các quy định về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư trong dự thảo luật.

Báo cáo tổng kết 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản chưa đánh giá kỹ về hoạt động và hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản cũng như lực lượng kiểm ngư. Vì thế, việc chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành tại chi cục thủy sản của 28 tỉnh sang kiểm ngư là chưa phù hợp mà chỉ cần tăng nguồn lực, chế độ cho thanh tra và có sự phối hợp tốt của kiểm ngư vùng.

Bên cạnh đó, các quy định về kiểm ngư trong dự thảo luật còn chung chung, khá đơn giản tuy về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư đã qua 4 năm triển khai thực hiện. Vì thế, Ban soạn thảo cần rà soát, luật hóa các quy định để đảm bảo tính cụ thể của luật, tính pháp lý cao nhất cho lực lượng kiểm ngư hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ ngư trường, bảo vệ ngư dân và phối hợp cùng với các lực lượng chấp pháp khác bảo vệ sự toàn vẹn lãnh hải của Tổ quốc.

Cho thuê mặt nước biển: Cần quy định chặt chẽ

Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), quy định giao cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản là vấn đề quan trọng vì ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền quốc gia nên cần cân nhắc kỹ và nếu có, nên giao cho Chính phủ quy định để đảm bảo lợi ích hài hòa.

Nhiều đại biểu cho rằng, cần cân nhắc việc giao UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển, vì khó khả thi đối với các dự án có quy mô đầu tư trên diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh. Mặt khác, đối với mô hình nuôi khơi (nuôi xa bờ), theo Nghị định 51/2014/NĐ-CP về quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền giao, cho thuê từ vùng biển 3 hải lý trở vào; bên cạnh đó, do đặc thù của mô hình này là xa vùng bờ nên khó kiểm soát và ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, cần có sự đánh giá tổng hợp của các cơ quan chuyên ngành trung ương.

Liên quan đến chuyển nhượng dự án, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định chặt chẽ hơn đối với trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển nhượng, cho thuê lại với tổ chức, cá nhân nước ngoài để tránh tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Vì nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến sự chuyển nhượng cho người nước ngoài hoặc người nước ngoài đứng đằng sau điều khiển.

Ngoài những vấn đề trên, các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến về hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm nuôi trồng đánh bắt thủy sản; quy định về cấp phép theo danh mục thủy sản phẩm xuất khẩu; khu bảo tồn thủy sản...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường - đã giải trình, làm rõ thêm về 4 nội dung được Quốc hội thảo luận như cho thuê mặt nước biển; Quỹ bảo vệ và phát triển thủy sản; lực lượng kiểm ngư; bảo tồn đa dạng sinh học... Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của đại biểu để bổ sung vào dự thảo luật đáp ứng yêu cầu đặt ra.

   NGỌC ÁNH


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.910.673
    Online: 68