Chiều 20.6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 với 88,39% số ĐBQH có mặt tán thành.
Cụ thể, về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Luật giữ như dự thảo do Chính phủ trình. Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội “rất nghiêm trọng” và tội “đặc biệt nghiêm trọng” mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “ít nghiêm trọng” hoặc tội “nghiêm trọng” đối với 3 tội danh nêu trên.
Đại biểu biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
Đối với Điều 19 về không tố giác tội phạm, Luật sửa đổi theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm. Cụ thể, Điều 19 quy định: “Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 390 của Bộ luật này. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa”.
Luật cũng bổ sung một điều mới về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp xảy ra vừa qua.
Tiếp đó, với 89,41% số ĐBQH có mặt tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.
Theo Nghị quyết, kể từ ngày 1.1.2018, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam sẽ có hiệu lực thi hành. Các quy định tại Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27.11.2015 của QH về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự có ghi thời điểm ''ngày 01 tháng 07 năm 2016'' được thay thế bằng thời điểm "ngày 01 tháng 01 năm 2018'', thời điểm ''ngày 01 tháng 01 năm 2019'' được thay thế bằng thời điểm ''ngày 01 tháng 01 năm 2020''…
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5.7.2017.
* Với 92,67% số ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh vệ. Luật gồm 6 Chương, 33 Điều, quy định về đối tượng cảnh vệ, nguyên tắc, công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác cảnh vệ. Luật này áp dụng đối với đối tượng cảnh vệ, lực lượng cảnh vệ, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến hoạt động cảnh vệ.
Luật này quy định cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ chỉ được nổ súng trong 4 trường hợp, nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đó là cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; Gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả; Vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ; Các trường hợp nổ súng khác quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đối với quy định về việc huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ, Luật quy định trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ huy động người, phương tiện có trách nhiệm hoàn trả phương tiện ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Nếu người được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách quy định tại Khoản 2, Điều 7 của Luật này; trường hợp phương tiện được huy động bị mất mát, hư hỏng thì cơ quan có cán bộ, chiến sĩ huy động phải đền bù theo quy định của pháp luật.
* Với 93,08% số ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Luật gồm 8 Chương, 76 Điều, quy định về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Đoàn Hà Nội tại Hội trường
Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định, hạn chế thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, trang bị, mang, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy xác nhận. Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không còn nhu cầu sử dụng, hết hạn sử dụng hoặc không còn khả năng sử dụng phải được thu hồi, thanh lý hoặc tiêu hủy; vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và các loại giấy phép, giấy xác nhận bị mất phải được kịp thời báo cáo cho cơ quan quản lý có thẩm quyền; vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được thử nghiệm, kiểm định, đánh giá và đăng ký theo quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam.
Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định. Khi mang vũ khí, công cụ hỗ trợ phải mang theo giấy chứng nhận, giấy phép sử dụng; bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng chế độ, đúng quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng. Đồng thời, bàn giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy phép cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản theo đúng quy định sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao.
Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm quy định việc huấn luyện và cấp chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
NGỌC ÁNH