Chiều ngày 12/11, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Có 5 đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến.
Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007, từ đó đến nay Luật Quản lý thuế đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần vào các năm 2012, 2014 và 2016. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý thuế nói chung và quy định pháp luật về quản lý thuế nói riêng cũng có những hạn chế bất cập. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là điều kiện cần thiết để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh và điều kiện thuận lợi phát triển các thành phần kinh tế. Đồng thời tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, nhất là việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch; khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay và rà soát, thống nhất giữa Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan.
Một trong những nội dung các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến là khoanh nợ, xóa nợ thuế. Có ý kiến cho rằng, Luật mới chỉ nên bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với 2 loại đối tượng: Thứ nhất là đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; thứ 2 là doanh nghiệp đã phá sản, không có khả năng nộp thuế. Những đối tượng còn lại không nên đưa vào.
Đối với việc thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, các đại biểu cho rằng, nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế, những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại cần bổ sung việc xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như: Khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp.
Các đại biểu cũng đề cập đến việc cơ sở pháp lý hiện hành và các điều khoản như: Dự thảo sửa đổi vẫn chưa ngăn việc chuyển giá, trốn thuế nhất là đối với các giao dịch liên kết, nếu có sự thông đồng giữa cơ quan quản lý thuế với doanh nghiệp. Do vậy, cần phải đưa vào dự thảo luật một cách mạnh mẽ hơn nữa các quy định về chống chuyển lợi nhuận và chống xói mòn nguồn thu mà quốc tế đang áp dụng một các phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng tình trạng nợ thuế hết sức báo động gây bức xúc cho nhân dân. Doanh nghiệp cố tình nợ thuế cố tình chậm nộp thuế. Dự thảo Luật sửa đổi vẫn còn quy định tỷ lệ phạt chậm nộp thuế là 0,03% như vậy chưa tính răn đe, chưa minh bạch vẫn tạo điều kiện cho cán bộ ngành thuế có thể tham nhũng. Đề nghị tăng tỷ lệ tiền phạt cho hành vi chậm nộp thuế lên 0,04%.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu (ảnh: Minh Tú)
Góp ý về dự thảo Luật Quản lý thuế, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình đã chỉ ra nhiều điểm cần làm rõ giúp đảm bảo công bằng cho người đóng thuế.
Thứ nhất, dự thảo luật lần này đã xây dựng các nguyên tắc rõ ràng về vấn đề quản lý thuế, quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuế; Thứ hai, có một số khâu hành chính được quy định rất rõ ràng, từ khâu đăng ký, kê khai, ấn định thuế, nộp thuế, xử lý tiền nộp chậm, nợ đọng thuế.
Ngoài ra, luật lần này có một điểm rất mới là đã xây dựng thuế và hoá đơn thuế điện tử, giao dịch điện tử một cách công khai được quy định trong luật. Tiến tới cải cách hành chính và minh bạch hơn. Đặc biệt, luật lần này đã đả động đến việc quản lý thuế kinh doanh của khu vực kinh tế cá thể và hộ gia đình.
Theo ông Bình, dự thảo có đưa ra việc quản lý thuế, quản lý kế toán cho các doanh nghiệp siêu nhỏ để thu thuế. “Dự thảo luật lần này đã khắc phục, hoàn thiện được một số văn bản quy phạm pháp luật mà từ trước tới nay chưa thống nhất”.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, khảo sát, ông Bình đánh giá có một số điểm trong dự thảo luật này cần phải được làm rõ và bổ sung thêm.
Thứ nhất, các hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế cá thể và hộ gia đình. Theo ông Bình, dự thảo luật có đưa ra điều 104 quy định được pháp cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, dự thảo vẫn chưa quy định rõ nếu doanh nghiệp siêu nhỏ không thuê dịch vụ kế toán thì thu thuế thế nào?
“Chúng ta vẫn hình thức là khoán với hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ này mà thực chất gọi là siêu nhỏ do họ không thành lập doanh nghiệp chứ còn doanh thu của họ rất lớn và họ trốn thuế rất nhiêu. Cho nên ta thường nói câu là “dân giàu mà nước không mạnh” là vì lực lượng này không được quản lý, họ xuất hàng không có hoá đơn, không có cách nào thu thuế”, ông Bình nhấn mạnh. Ông Bình đặt câu hỏi nếu các doanh nghiệp siêu nhỏ không đồng ý thuê các dịch vụ kế toán thì sao? Vị đại biểu đoàn Hà Nội đánh giá, dự thảo luật lần này có tiến bộ, tuy nhiên vẫn không quản lý được triệt để nguồn thu của các doanh nghiệp siêu nhỏ và kinh tế hộ gia đình. Vì các doanh nghiệp siêu nhỏ và kinh tế hộ gia đình họ không thành lập doanh nghiệp, họ bán hàng hoá không có hoá đơn, chứng từ.
“Thà ta đưa vào pháp lệnh với tất cả các loại hàng hoá đều phải có hoá đơn, thì chúng ta mới quản lý được thuế. Chứ còn bây giờ chúng ta áp dụng hình thức thuế khoán mà không có quy định cụ thể thì sẽ thất thu lớn cho nguồn thu ngân sách và không triệt để trong luật lần này”, ông Bình nói.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình phát biểu (Ảnh: Minh Tú)
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa băn khoăn về tiêu chuẩn đối với cán bộ công chức ngành thuế trùng với quy định của Luật Cán bộ, công chức do vậy không cần thiết phải quy định trong dự thảo Luật.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng dự thảo Luật còn nhiều điều, khoản giao Chính phủ quy định, nhiều nội dung thể hiện quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định ở văn bản dưới Luật. Đề nghị quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật
Đại biểu Mai cũng đề nghị bổ sung chế tài giám sát, thanh tra tài chính để tránh thất thu thuế. Nếu cơ quan kiểm toán, cơ quan thanh tra và cơ quan thuế có kết luận khác nhau dự thảo Luật quy định lấy kết luận của cơ quan thuế là chưa phù hợp. Đề nghị có một cơ quan cao hơn quyết định trong trường hợp có ý kiến khác nhau.