Chiều ngày 12/11, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Có 6 đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến.

Các ĐB đánh giá cao ban soạn thảo đã xây dựng Dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và cho rằng việc ban hành luật nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động, trong bối cảnh thị trường đồ uống, đặc biệt là rượu, bia được dự báo tăng trưởng mạnh.

ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị Luật này cần có quy định quản lý nghiêm tất cả các khâu, từ sản xuất, mua bán đến sử dụng. Đặc biệt là quy định rõ việc sản xuất rượu phải đảm bảo chất lượng, khuyến khích sản suất các loại rượu ngon hơn, bổ hơn, và mang đặc trưng của Việt Nam. “Tôi ao ước Việt Nam có một vài loại rượu nổi tiếng thế giới, để khi khách quốc tế ngang qua đều phải mua mang về. Thế giới đã có rất nhiều nước làm được điều đó, như: Whiskey của Scotland; Sake của Nhật Bản; Vodka của Nga,…”.

Theo ĐB Nguyễn Anh Trí cho rằng Luật cần chú trọng hướng dẫn, truyền thông cho mọi người làm đúng, làm tốt, không làm sai, làm ẩu khi sản xuất, mua bán, sử dụng rượu, bia. Bởi, rượu/bia sử dụng đúng cách có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, chỉ khi lạm dụng mới gây hậu quả xấu.

ĐB Nguyễn Anh Trí phát biểu (Ảnh: Minh Tú)

Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương cũng cho rằng, cần có nguồn kinh phí để làm truyền thông, để người dân uống rượu văn minh… Bên cạnh đó, việc quy định quảng cáo, giới hạn độ cồn là không cần thiết, vì đây là một loại hàng hóa và các cụ đã dạy: “Rượu nhạt uống lắm cũng say”, bia uống nhiều cũng say.

“Điều 10 trong Dự Luật có quy định các tổ chức, cá nhân không được khuyến mãi bằng rượu, bia; dùng rượu, bia làm giải thưởng đến người tiêu dùng… điều này bất hợp lý và không cần thiết”, ĐB Nguyễn Anh Trí nói.

ĐB Trần Thị Phương Hoa cho rằng, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia nên được ban hành sớm hơn nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ rượu bia gây ra. Bởi Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu bia ở mức cao trong khu vực. Việc ban hành luật không chỉ giúp kiểm soát được tình trạng sản xuất rượu thủ công (74%) mà còn giúp hạn chế các vụ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, giúp nâng cao sức khỏe và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế xã hội.

ĐB Trần Thị Phương Hoa dẫn lại một loạt số liệu của Tổ chức Y tế thế giới về tác hại của rượu, bia như: VN đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á về tỷ lệ tiêu thụ; lạm dụng rượu, bia dẫn đến say xỉn, đâm chém nhau, bạo lực gia đình, tai nạn giao thông, tổn hại sức khỏe... “Tôi đồng tình, ủng hộ việc ban hành luật và lấy tên gọi là luật Phòng chống tác hại rượu, bia”.

Đại biểu Phương Hoa đề nghị có chế tài xử lý mạnh đối với trường hợp ép uống rượu, bia “ đã cấm ép uống rượu thì phải cấm hết các trường hợp và phải có chế tài xử lý đủ mạnh, đồng thời đề nghị cấm cả uống và bán rượu, bia nơi công cộng như công viên, ga tàu, bến xe, sân bay bởi địa điểm này là nét đẹp văn hóa, nếu dùng rượu, bia dễ dẫn tới hành vi làm ảnh hưởng đến mọi người” Đại biểu Phương Hoa nói.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề xuất tên gọi là Luật kiểm soát đồ uống có cồn. Bởi trong thực tế, không chỉ có rượu bia mà còn rất nhiều loại thức uống có cồn tồn tại dưới hình thức và tên gọi khác nhau. Do vậy tên gọi là Luật Kiểm soát đồ uống có cồn mang tính bao quát hơn. Đại biểu Hưng đề nghị luật cần đánh giá sâu hơn nữa tác động cả mặt tiêu cực và tích cực đối với xã hội, nền kinh tế bởi rượu, bia nếu sử dụng điều độ cũng có lợi cho sức khỏe và tốt cho du lịch, cũng như văn hóa. Ngoài ra, rượu, bia cũng đóng góp không nhỏ cho ngân sách.

ĐB Nguyễn Quốc Hưng phát biểu (Ảnh: Minh Tú)

ĐB Nguyễn Quốc Bình đồng tình với ý kiến thứ nhất vì tên gọi này ngắn gọn, bao quát, dễ hiểu, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền và tiếp cận pháp luật của nhân dân; thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, phù hợp với quan điểm về y học dự phòng là cần chủ động phòng ngừa từ sớm. Mặt khác, ĐB cho rằng, lấy tên gọi thứ hai, lại phải định nghĩa thế nào là cồn, thế nào là cồn công nghiệp,… càng thêm phức tạp.  

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật cần bao gồm cả những quy định liên quan đến việc kiểm soát kinh doanh, quảng cáo, tài trợ rượu, bia nhằm hạn chế tính sẵn có và dễ tiếp cận của rượu, bia. Nếu chỉ đưa ra những quy định liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe thì các chính sách, giải pháp trong dự án Luật sẽ không toàn diện, công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.

ĐB Lan đề nghị cần có quan điểm rõ ràng và ghi rõ, cụ thể trong luật về điều này. Bên cạnh đó, ĐB Lan cũng đề nghị quy định cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia nên mở rộng thành cấm ép buộc người khác chứ không chỉ riêng đối tượng dưới 18 tuổi.

Tại buổi thảo luận, hầu hết các ĐB đều cho rằng Bộ Luật này là cần thiết, nhưng cần phải soạn lại vì có những chi tiết, quy định không cần thiết, chưa phù hợp với thực tiễn.

Hoài Thương- VP Đoàn ĐBQH HN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    787 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.835.905
    Online: 36