Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 8/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) và thảo luận dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại hội trường ngày 22/5.

Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này quy định về nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam được ban hành nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Dự án Luật Cảnh sát biển quy định vị trí, vai trò, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và phối hợp hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, các hành vi bị nghiêm cấm; nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát biển Việt Nam; xác định phạm vi hoạt động, quyền hạn và biện pháp công tác Cảnh sát biển Việt Nam; hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam...

Đoàn ĐBQH Hà Nội có 3 đại biểu phát biểu ý kiến: Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng; Dương Minh Ánh và Nguyễn Văn Được.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng bày tỏ nhất trí với dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng bày tỏ nhất trí với dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, nhằm hoàn thiện luật về cảnh sát biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có lợi thế về biển, với hơn 3.260 kilomet đường bờ biển, hơn 1 triệu kilomet vùng đặc quyền kinh tế biển, gấp 3 lần diện tích đất liền, cùng với gần 3.000 đảo ven bờ và 2 quần đảo. Việt Nam có hệ thống tài nguyên biển phong phú để phát triển mạnh kinh tế biển và du lịch biển. Du lịch đường biển ngành càng phát triển ở biển Đông và Việt Nam. Theo con số thống kê năm 2017 khách quốc tế đường biển tới Việt Nam là 258 ngàn 836 lượt, 5 tháng đầu năm đạt 157 ngàn 622 lượt. Việt Nam đang là điểm đến phổ biến của khách du lịch Âu Mỹ và Đông Bắc Á, đứng thứ 6 trong danh sách các nước có lượng du lịch tàu biển cập bến nhiều nhất trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, hiện nay du lịch Việt Nam chủ yếu đang đứng trước biển, du lịch Việt Nam cần tiến mạnh ra biển với các hoạt động giải trí nghỉ dưỡng khám phá trên mặt biển, dưới đáy biển, ngoài đảo xa, phát triển thể thao biển như lướt ván, đua thuyền, thủy phi cơ v.v... nhằm tạo ra sức bật cho du lịch biển đảo. Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã có đề án phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu du lịch biển trở thành động lực của kinh tế biển Việt Nam góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển và bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia biển đảo. Để phát triển du lịch biển rất cần sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của Cảnh sát biển Việt Nam.

Mặt khác, hiện nay tình hình trên biển đã có diễn biến mới trước yêu cầu bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đặt ra những nội dung nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải hoàn thiện cơ sở pháp lý về thẩm quyền cảnh sát biển.

Về cơ bản, quyền chủ quyền, an ninh trật tự môi trường biển hòa bình hợp tác trên các vùng biển Tổ quốc đã giữ vững nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp. Nước ngoài tăng cường diễn tập, hoạt động chấp pháp, nghiên cứu tôn tạo đảo, sử dụng tàu công vụ tổ chức xua đuổi ngăn cản, thậm chí sử dụng biện pháp cứng rắn làm tổn thất tài sản, gây thương vong cho ngư dân các nước và Việt Nam. Gần đây nước ngoài nâng cấp tàu du lịch đưa khách du lịch nước ngoài thường xuyên hơn ra Hoàng Sa, trường Sa và nhiều điểm khác trên biển Đông. Hoạt động tội phạm vi phạm pháp luật trên biển như cải hoán tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản, v.v... ở trên biển cũng có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp.

Trước tình hình trên, việc sớm ban hành Luật Cảnh sát biển là cần thiết, có cơ sở pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nâng cao năng lực, trách nhiệm của Cảnh sát biển Việt Nam trong đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013 về đảm bảo quyền con người, quyền công dân tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam chúng ta là thành viên. Nhưng trong dự thảo Luật không thấy có sự phối kết hợp với ngành văn hóa, thể thao, du lịch. Ban soạn thảo nên trao đổi với bên du lịch để trong quá trình soạn thảo luật này, tránh tình trạnh như trước chúng ta cũng có ban hành Luật Xuất nhập cảnh nhưng vừa ban hành xong đã phải liên quan đến du lịch tàu biển cũng đã phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Dương Minh Ánh tán thành với những quy định của dự thảo luật về xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

Đại biểu Dương Minh Ánh tán thành với những quy định của dự thảo luật về xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã được quy định tại các Điều 4, 5, 6 ở Chương I, toàn bộ Chương V, Chương VI của dự thảo luật và góp ý cụ thể như sau:

Một, về phạm vi điều chỉnh ở Điều 1 còn thiếu một nội dung về xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam, vì vậy đề nghị bổ sung cụm từ "xây dựng" vào trước cụm từ "bảo đảm hoạt động" tại đoạn cuối của Điều 1

Hai, chính sách của nhà nước về xây dựng Cảnh sát biển Việt nam tại Điều 5, quy định liệt kê tất cả nội dung từ định hướng, mục tiêu chung về xây dựng Cảnh sát biển Việt nam đến những yêu cầu cụ thể về nguồn lực pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ, tuyển chọn con người, đào tạo bồi dưỡng, đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, v.v... vào một khoản như tại khoản 1 Điều 5 dự thảo luật là không phù hợp, không cần thiết vì nội hàm của cụm từ "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại" đã chứa đựng đầy đủ mục tiêu và nội hàm của xây dựng Cảnh sát biển Việt nam gồm xây dựng bản lĩnh chính trị, kỷ luật thống nhất, tinh thông và thành thục về nghiệp vụ, có kiến thức pháp luật, ngoại ngữ, được trang bị phương tiện hiện đại và những nội dung này sẽ được quy định ở các chương sau về xây dựng và bảo đảm hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam.

Điều 38, cơ sở vật chất đảm bảo cho Cảnh sát biển Việt Nam, đề nghị viết tách thành một số khoản để có sự phân biệt giữa các chính sách của nhà nước đảm bảo cho cảnh sát biển Việt Nam. Đồng thời, chỉnh lý về câu chữ cho đúng với bản chất của từng vấn đề, xin đề xuất phương án cụ thể như sau.

Điều 39, trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ và thiết bị kĩ thuật hỗ trợ của Cảnh sát biển Việt Nam, đề nghị tách nội dung khoản 1 điều này thành 1 khoản và 1 điều mới Điều 39a vì trang bị phương tiện như tàu thuyền, xuồng máy bay, v.v... của Cảnh sát biển Việt Nam chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nào nên cần được quy định cụ thể tại luật này hoặc quy định chung. Còn giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể những vũ khí, công cụ hỗ trợ  đã có Luật Quản lý, sử dụng vật liệu nổ và vũ khí, công cụ hỗ trợ quy định, do đó luật này chỉ là viện dẫn.

Đại biểu Nguyễn Văn Được đóng góp ý kiến vào dự thảo luật về xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Văn Được đề nghị Ban soạn thảo, Quốc hội xem xét lại một số điều quy định tại Chương I, II dự thảo luật để đảm bảo không vừa thừa, vừa thiếu và trùng lắp. Do vậy, đại biểu Được đề nghị thiết kế và bổ sung lại một số quy định trong những điều trong hai chương này.

Chuyển Điều 8 dự thảo luật lên Điều 4. Điều 4 hiện tại thành Điều 5 và các quy định tiếp theo chuyển tương tự như vậy. Điều 4 này đề nghị quy định như sau: vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng thường trực của Quân đội Nhân dân Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng có chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và sự ổn định vùng biển. Quy định như trên vừa ngắn gọn, rõ vị trí, rõ chức năng. Vì các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam phải phù hợp với quy định của dự thảo Luật Quốc phòng được Quốc hội thông qua.

Tại khoản 1 Điều 26 của dự thảo Luật Quốc phòng có quy định về Quân đội nhân dân Việt Nam: "Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân Việt Nam có bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương". Như vậy, Cảnh sát biển Việt Nam phải được xác định là lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân Việt Nam và đương nhiên nó là lực lượng của quân đội đã bao hàm lực lượng vũ trang mà không cần lý giải Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang hay thuộc lực lượng vũ trang như trong Tờ trình của Chính phủ. Đề nghị này cũng làm rõ vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam là thuộc Bộ Quốc phòng, xác định rõ vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam như vậy sẽ là căn cứ bảo đảm và làm cơ sở tiếp nối cho các điều luật quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan.

Ngọc Ánh - Thanh Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954-10/10/2024)
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    781 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.646.647
    Online: 34