Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT, Đoàn ĐBQH Hà Nội có 3 ĐBQH chất vấn là đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Nguyễn Chiến và đại biểu Hoàng Văn Cường chất vấn.
ĐB Nguyễn Anh Trí chất vấn ngày 14/02/2015 Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng. Ngày 27/02/2018 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu đẩy nhanh thu phí không dừng. Vậy quan điểm và quyết tâm của Bộ trưởng về việc này như thế nào? Đến bao giờ thì thực hiện xong việc thu phí tự động không dừng ở các trạm BOT trong cả nước nhằm minh bạch hơn việc thu phí tại các trạm đó.
Câu hỏi thứ hai, giao thông ở vùng Tây Bắc, Việt Bắc còn khó khăn. Cử tri mong Bộ trưởng vi hành bằng ô tô lên với bà con để xây dựng kế hoạch đầu tư làm đường ở đó để làm sống lại miền du lịch lịch sử, những vùng cao nguyên di sản, những miền cam, mía tiềm năng ở Tây Bắc và Việt Bắc có được không?
ĐB Hoàng Văn Cường chất vấn về vấn đề BOT, BT theo quy định của Luật Đầu tư công và ngân sách thì không được phép chuyển các vốn vay thành vốn cấp phát. Đại biểu muốn hỏi Bộ trưởng trên cơ sở nào mà Bộ Giao thông vẫn đề nghị chuyển vốn vay 22.000 tỷ đầu tư cho 4 dự án của VEC thành vốn Chính phủ sẽ cấp phát.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến chất vấn: Bộ trưởng đề cập đến những dự án nâng cốt nền và mở rộng mặt đường cũng như giảm phí để phục vụ người dân. Tuy nhiên, những dự án như Pháp Vân - Cầu Giẽ chạy qua khu vực huyện Thường Tín, Phú Xuyên có những hầm chui và những đường dân sinh bắc qua nhưng chưa được xem xét một cách thấu đáo. Cụ thể, hầm chui vừa hẹp lại vừa thấp, những hôm mưa bão bị ngập dẫn đến những phương tiện của người dân lao động, sản xuất và sinh hoạt không lưu thông được. Có những người dân ở khu vực đó phải đi tắt qua hàng cây số, vài cây số mới lưu thông được. Như vậy dự án đó có được xem xét, thanh tra, kiểm tra những bất cập này không để phục vụ vì lợi ích của người dân. Mặt khác, chủ đầu tư thu lợi nhưng những vấn đề thiết kế không bảo đảm quyền lợi người dân, gây thiệt hại cho người dân trong vấn đề lưu thông, sản xuất và sinh hoạt thì có phương án để bồi thường, đền bù hay không.
Trả lời ý kiến của Đại biểu Nguyễn Anh Trí Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, trong năm 2018, toàn bộ trạm BOT trên Quốc lộ 1 phải thu phí tự động không dừng và toàn bộ trạm còn lại phải hoàn thành năm 2019. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Đây là giải pháp minh bạch, sắp tới khi vận hành, người dân sẽ giám sát được hoạt động của trạm BOT".
Với vùng Tây Bắc, Tư lệnh ngành GTVT chia sẻ với khó khăn của người dân và cho biết, bản thân đã tham gia khảo sát, đi thực tế tại Hà Giang. Trách nhiệm của Bộ Giao thông là tham mưu và thực hiện tốt các dự án, song ngân sách chỉ bố trí được 30% nhu cầu thực tế nên nhiều công trình chưa thể bố trí vốn.
Bộ trưởng hứa: "Bản thân tôi cùng lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục có những chuyến công tác tới Tây Bắc để tìm hiểu, nắm tình hình".
Đối với chất vấn của ĐB Hoàng Văn Cường Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói "đại biểu đặt vấn đề vì sao đến thời điểm này mà Bộ Giao thông vận tải vẫn đề xuất 22 nghìn tỷ cấp cho Tổng công ty đường cao tốc VEC. Trong khi Luật Đầu tư công cũng như Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị là không chuyển tiền vay ODA cho các doanh nghiệp.
Việc này đã xảy ra rất lâu khi chúng ta chưa có Luật Đầu tư công, chưa ban hành Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị , Chính phủ đã có những quyết định bố tí vốn cho VEC lý do là tổng công ty này thực hiện một số đường cao tốc vừa mang yếu tố kinh tế, kỹ thuật nhưng vừa đảm bảo quốc phòng an ninh và an sinh xã hội. Ví dụ như đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, chúng ta đi con đường dài 300 đến 400 km, đi xuyên vào con đường mới, đây không chỉ đột phá cho vùng Tây Bắc mà còn đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Do đó, nguồn thu từ dự án này không được bù đắp như dự án BOT bình thường. Thực hiện nhiệm vụ chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao vốn cho những dự án này.
Tuy nhiên, về thủ tục chúng ta làm chưa khép kín, chưa xong, làm chậm và khi có Luật Đầu tư công, có Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị thì khoản tiền này Chính phủ đã có quyết định đồng ý nhưng về thủ tục chúng ta chưa trình ra báo cáo Quốc hội nên chúng tôi nghĩ những dự án này mang yếu tố chính trị, kinh tế đặc biệt quan trọng, đã có chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do đó Bộ Giao thông kiến nghị Quốc hội xem xét. Dĩ nhiên, Bộ Giao thông vận tải chấp hành nghiêm quyết định của Quốc hội, Quốc hội quyết định bố trí vốn chúng ta sẽ bố trí giải ngân cho VEC còn nếu chúng ta quyết định giao cho anh nhận khoản nợ này thì Tổng công ty Đường cao tốc sẽ chấp hành nghiêm và Bộ Giao thông cũng chấp hành nghiêm, vì chúng tôi nghĩ có trước có sau nên kiến nghị giải ngân 22.000 tỷ này cho Tổng công ty Đường cao tốc vì đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Chiến, Bộ trưởng GTVT cho rằng khi triển khai dự án Ủy ban nhân dân đồng hành cùng với bộ và chúng ta cũng chưa có một cái cụ thể đó là lấy ý kiến dân là lấy tất cả các cơ quan, đơn vị như thế nào. Do đó, trong quá trình làm chúng tôi đều có thống nhất với Ủy ban nhân dân các cấp. Thậm chí, Ủy ban nhân dân các cấp triển khai giải phóng mặt bằng để chúng ta triển khai dự án. Một số địa phương chúng tôi lấy luôn ý kiến đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và có một số dự án mở rộng ra như thế.
Thực hiện dự án chúng tôi căn cứ vào quy hoạch của địa phương, quy hoạch thì do các ngành xây dựng quản lý. Bộ Giao thông khi triển khai chúng tôi chấp hành nghiêm. Với những dự án, chúng ta thấy dân xây dựng nhà rất nhiều nhưng cốt nền thường không đồng đều, có cái cao, cái thấp và chúng ta phải lấy bình quân, đảm bảo cái cốt theo quy định. Do đó, một số hộ nhà thấp, chúng tôi có triển khai các đường dân sinh, đường gom kết nối để đảm bảo thuận lợi cho người dân. Về giá đi qua trạm, chúng tôi thực hiện phương châm cố gắng giảm đến mức thấp nhất, còn về lâu dài chúng ta sẽ triển khai trên đường mới, đường song hành và sắp tới không phát sinh loại này. Về tranh chấp giữa các nhà đầu tư với Bộ Giao thông hoặc các cơ quan có liên quan, chúng ta thực hiện theo đúng pháp luật dân sự.
Về vấn đề thầu, chúng tôi thực hiện đúng theo quy định của luật, việc gì cho phép thì Bộ sẽ làm, có những dự án chúng tôi sẽ xin ý kiến và có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ mới triển khai. Do đó, việc làm này rất công khai minh bạch, các cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, xử lý các sai phạm. Về một số công trình dân sinh thiết kế chưa hợp lý, trong quá trình thực hiện hầm chui, đường dân sinh ở các khu đô thị đông người, chúng tôi đã có điều chỉnh trong khả năng dự án còn điều kiện về tài chính đều có điều chỉnh bổ sung để đảm bảo người dân sinh hoạt thuận lợi.