Sáng 13/11, đoàn giám sát số 1 của Thường trực HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại huyện Thanh Trì về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch (QH) xây dựng.
UVTT, Chánh Văn phòng HĐND TP phát biểu tại buổi giám sát
Theo UBND huyện Thanh Trì, với 15 xã và 1 thị trấn, từ năm 2012-2015, huyện được TP chỉ đạo lập, thẩm định và phê duyệt 6/7 QH phân khu đô thị trên địa bàn, riêng QH phân khu R1-5 gồm 3 xã vùng bãi sông Hồng (Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc) đang trong quá trình nghiên cứu. Về các QH nông thôn, UBND huyện đã bố trí kinh phí giao các xã lập đồ án QH mạng lưới điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/2000 và phê duyệt cho 12/15 xã trong năm 2008 làm căn cứ đầu tư, quản lý xây dựng theo QH (3 xã vùng đất bãi do vướng QH thoát lũ nên chưa triển khai). Năm 2011, huyện tổ chức rà soát, điều chỉnh cục bộ, bổ sung phần QH sản xuất nông nghiệp và các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM) với 12 xã và phê duyệt QH xây dựng NTM với 3 xã vùng đất bãi; năm 2016 tiếp tục giao Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện rà soát điều chỉnh 15 đồ án QH xây dựng NTM và bổ sung 15 đồ án QH chi tiết khu trung tâm các xã tỷ lệ 1/500. Năm 2017, huyện đã được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn NTM.
Tuy nhiên, lãnh đạo huyện cũng nêu một số khó khăn, đề xuất kiến nghị TP, các sở, ngành để tháo gỡ. Trong đó, thực hiện Đề án xây dựng huyện lên quận trước khi trình lên T.Ư quyết định, huyện đề nghị cho phép địa phương rà soát báo cáo TP phân chia lại địa giới hành chính các xã, thị trấn cơ bản bám theo các tuyến giao thông để thuận tiện quản lý và hướng đến chính quyền đô thị. Huyện cũng đề nghị HĐND TP sớm điều chỉnh Nghị quyết 17/2009/NQ-HĐND ngày 11/12/2009 về phê duyệt QH phòng chống lũ chi tiết từng tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 cho phù hợp Quyết định 257/QĐ-TTg và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phê duyệt QH phân khu đô thị R5-1 trên địa bàn huyện. Đồng thời, đề nghị TP sớm báo cáo Bộ Xây dựng hướng dẫn cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại những khu vực đã có QH phân khu đô thị, tổ chức rà duyệt điều chỉnh những bất cập trong các QH phân khu đáp ứng yêu cầu mới.
Tại đây, nhiều vấn đề liên quan Đề án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì trở thành quận vào năm 2025 được các thành viên đoàn giám sát trao đổi, đề nghị huyện, sở, ngành làm rõ. Trong đó, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Duy Hoàng Dương cho rằng, căn cứ các Nghị quyết 1210, 1211 của UBTV Quốc hội về phân loại đô thị, huyện còn một số tiêu chí về phát triển hạ tầng đô thị chưa đạt, quy mô dân số tại nhiều xã cũng chưa đạt; HĐND TP đã yêu cầu các xã, thị trấn lập đề án lên phường. Huyện đã chỉ đạo việc này ra sao, có sắp xếp điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã hay không để đảm bảo thực hiện các nghị quyết? Các QH tại huyện đã nghiên cứu cập nhật nội dung những QH chuyên ngành của TP hay chưa? Chánh Văn phòng HĐND TP Lê Minh Đức đề nghị các sở chuyên ngành sớm có hướng dẫn chung cho các quận, huyện về ban hành quy chế cấp phép xây dựng để đảm bảo công tác quản lý và cho hay: Tại HĐND TP sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường theo QH ra khỏi trung tâm đô thị tại một số quận huyện (trong đó có Thanh Trì); Sở TNMT cần tham mưu TP nội dung này.
Còn theo Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân, là 1 trong 5 huyện đã có đề án xây dựng trở thành quận, công tác QH tới đây cần được huyện đặc biệt coi trọng, trong đó với 3 xã vùng đất bãi chưa có QH phân khu (do điều chỉnh QH thoát lũ vành đai sông Hồng chưa được Bộ NN&PTNT phê duyệt) thì quản lý vẫn rất khó khăn. Vì vậy, huyện cần tăng cường quản lý theo các QH đã có, trong đó chú trọng kiểm soát xây dựng nhà ở tại khu vực này. Đại biểu cũng đề nghị huyện đánh giá kỹ hơn về tổ chức thực hiện các dự án trên địa bàn nhất là dự án do TP phê duyệt, trong đó bao nhiêu dự án bị chậm, dự án nào cần thu hồi?…
Lãnh đạo Sở GTVT TP báo cáo làm rõ về quy hoạch giao thông trên địa bàn Thanh Trì
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị đại diện huyện cho biết, theo rà soát đến năm 2020, 2030, trên địa bàn cần xây dựng thêm bao nhiêu trường học, huyện đã xác định các vị trí đất dành cho việc này ra sao? Trong QH cơ sở giết mổ, chế biến gia súc gia cầm, hiện có cơ sở xã Vạn Phúc đang hoạt động nhưng không thuộc QH của TP, vậy huyện cho biết sự cần thiết của cơ sở này, có đảm bảo cách khu dân cư tối thiểu 500m theo quy định? Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện các QH có vướng mắc gì, nhất là về nguồn lực, thời gian? Với QH các điểm dân cư nông thôn, huyện đã tuyên truyền công khai cho Nhân dân hay chưa?…
Làm rõ các nội dung đoàn giám sát nêu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết: Với các trụ sở công an xã, huyện đã bố trí các ô đất để đảm bảo sau này các công an phường đều có trụ sở. Về thực hiện đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, sau khi sáp nhập lại huyện sẽ còn 60 thôn và 29 tổ; hiện đã gửi tờ trình lên TP. Với hệ thống bệnh viện, tại huyện có 9 bệnh viện đang hoạt động và chuẩn bị có thêm 3 bệnh viện, đủ đáp ứng nhu cầu. Trong việc cung cấp nước sạch, đến tháng 12/2019 toàn huyện sẽ được phủ kín hệ thống đường ống. Nhất là trong thực hiện đề án xây dựng lên quận còn chưa đạt một số tiêu chí về cân đối thu chi, đường giao thông, cây xanh… tại các xã, huyện đã có phương án và đề xuất cụ thể với TP.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP kết luận buổi giám sát
Kết luận giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Công tác QH được TP rất quan tâm, kể cả tại đô thị và nông thôn, đã ban hành nhiều chương trình để triển khai thực hiện. Tại Thanh Trì, công tác xây dựng, thực hiện QH, xây dựng NTM đạt kết quả tích cực; đã chủ động xây dựng thực hiện các QH NTM, năm 2017 được công nhận đạt chuẩn NTM.
Dù vậy, Trưởng đoàn đề nghị thời gian tới, địa phương lưu ý tập trung các nguồn lực để thực hiện QH, coi là công tác rất quan trọng và tiền đề để phát triển về lâu dài. Trong lộ trình thực hiện đề án phát triển lên quận, cần rà soát các nội dung liên quan thiết chế của một quận, như về trụ sở công an phường, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm…; tích hợp nội dung các QH cho phù hợp; lưu ý QH trung tâm các khu dân cư hiện có. “Huyện cần nêu cao vai trò lãnh đạo của Huyện ủy, vai trò giám sát của HĐND, MTTQ…; coi trọng về chất lượng chứ không chỉ số lượng trong thực hiện QH; bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ. Đặc biệt, công tác quản lý QH cần rất được lưu tâm, nhất là xử lý vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm trên đất nông nghiệp, đất công; đôn đốc 20 dự án chậm triển khai… Đồng thời, khi thực hiện QH cần gắn với Nghị quyết 1210 của UBTV Quốc hội để phù hợp tiêu chí”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP nhấn mạnh, và đề nghị các sở, ngành cùng huyện tháo gỡ khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển lên quận.