Nhiều hộ kinh doanh sản xuất gặp khó khăn
Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020, của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05/CT-UBND của Thành phố Hà Nội, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu, các hộ kinh doanh, sản xuất trên địa bàn thành phố đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Chị Nguyễn Thị Thơm, hộ sản xuất bún tại tổ dân phố số 13, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm cho biết: Nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình là từ hoạt động sản xuất bún. Nhưng thực hiện chỉ đạo của Thành phố, người dân hạn chế ra đường mua sắm, hàng quán phải đóng cửa, gia đình cũng tạm dừng sản xuất. Chị Nguyễn Thị Thơm cũng chia sẻ, hiện thu nhập của gia đình gần như không có, cả nhà chỉ sống bằng chút tiền dành dụm ít ỏi.
Không chỉ hộ gia đình chị Thơm đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hộ gia đình Nguyễn Thị Huyền đang kinh doanh cửa hàng may mặc, cùng trú tại tổ dân phố số 13, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm cũng đang rơi vào "khủng hoảng" khi phải đóng cửa hàng. Chị Huyền bày tỏ: Đối với những hộ kinh doanh cá thể đã được vay vốn Chi nhánh NHCSXH Hà Nội trước đó, nay đến kỳ hạn phải trả, nhưng được ngân hàng cho gia hạn trả nợ. Song, hộ sản xuất của gia đình chị Nguyễn Thị Thơm và cửa hàng kinh doanh của chị Nguyễn Thị Huyền đều mong trong thời điểm này thành phố và ngân hàng hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng để duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua tình cảnh khó khăn, do tác động của dịch bệnh gây ra.
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội rà soát tại hộ kinh doanh bún phường Phú Đô
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phú Đô Lê Thị Phượng cho biết: Trên địa bàn phường hiện có trên 1.300 các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, trong đó, có 200 hộ sản xuất bún, 300 hộ kinh doanh bún và hơn 400 hộ kinh doanh các mặt hàng quần áo giày dép, đồ dùng học tập. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND phường Phú Đô và các đoàn đã phối hợp với mặt trận khu dân dân cư, tổ trưởng tổ dân phố rà soát, lập danh sách các hộ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Phường đã rà soát được 375 hộ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Nam Từ Liêm.
Đối với các hộ này, UBND phường Phú Đô sẽ phối hợp cùng Phòng giao dịch NHCSXH quận Nam Từ Liêm có biện pháp giúp đỡ nhằm tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, ngay khi có thông tin thành phố có quyết định giao vốn ủy thác cho NHCSXH Hà Nội để hỗ trợ các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn do tác động của dịch Covid-19, UBND phường và các hội, đoàn thể đã nhanh chóng hướng dẫn các hộ gia đình cần hỗ trợ làm thủ tục vay vốn. Đồng thời, có biện pháp sớm giải ngân cho đúng đối tượng để giảm bớt khó khăn trong giai đoạn này.
Phân bổ nguồn vốn về địa phương để người dân dễ tiếp cận
Bà Lê Thị Đức Hạnh, Phó Tổng giám đốc NHCSXH - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nội Thành phố
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội và các tổ tiết kiệm, vay vốn trên địa bàn triển khai rà soát, nắm bắt tình hình khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và những hộ vay vốn có khó khăn trong việc trả nợ. Theo đó, tính đến 31/3/2020, Chi nhánh NHCSXH thành phố đã gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 3.380 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh kỳ hạn và gia hạn nợ là 126 tỷ đồng.
Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cũng cho thấy, khoản vốn 650 tỷ đồng ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH thành phố sẽ đáp ứng khoảng 65% nhu cầu vốn cần thiết bổ sung để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố. Qua đó, nhằm phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Bà Lê Thị Đức Hạnh, Phó Tổng giám đốc NHCSXH - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nội cho rằng: Thành phố đã có những hành động thiết thực, nhanh chóng hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đây là những đối tượng yếu thế và rất dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động, nhất là những biến động về dịch bệnh liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm như dịch Covid-19 hiện nay. Với 650 tỷ đồng vừa được ủy thác, NHCSXH Hà Nội sẽ kịp thời tham mưu các cấp phân bổ nguồn vốn về các địa phương để người dân tiếp cận ngay nguồn vốn duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cuộc sống.
Làm thủ tục giải ngân vốn vay
Kịp thời hỗ trợ cho vay
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, ngay khi UBND thành phố có văn bản đề nghị Thường trực HĐND thành phố cho ý kiến về việc bổ sung vốn ủy thác năm 2020 vì mục đích cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần hỗ trợ phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của UBND thành phố bổ sung 650 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác (đợt 1) qua Chi nhánh NHCSXH thành phố để thực hiện nhiệm vụ cấp bách này.
Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà: Không phải đến khi có dịch bệnh, thành phố mới có ngân sách hỗ trợ, cho vay, mà hàng năm thành phố đều bố trí và ủy thác cho NHCSXH thành phố. Cụ thể, tính đến năm 2020, thành phố đã bố trí và ủy thác cho NHCSXH thành phố để thực hiện cho vay ưu đãi với các đối tượng chính sách với số tiền lên đến 1.020 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh: Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, cùng với những giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, thành phố đang tiếp tục nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho các hộ nghèo, các đối tượng chính sách gặp khó khăn, do ảnh hưởng của dịch bệnh gây ra.