Sáng 25/10, tiếp theo Chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi thảo luận.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai chủ trì thảo luận Tổ về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Qua 06 lượt đại biểu phát biểu, các đại biểu đều tán thành việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Thành ủy viên Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội góp ý dự thảo Luật
Quan tâm đến các quy định về bảo hiểm vi mô, một nội dung mới được đưa vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, quy định còn sơ sài, không quy định tổ chức nào được phép và tổ chức nào không được phép tham gia. Bảo hiểm vi mô cũng chứa nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện, từ quản lý tài chính đến quản trị tài chính, cần kiểm soát chặt, Ban soạn thảo cần nghiên cứu theo hướng thay vì tạo ra các tổ chức bảo hiểm vi mô, thì cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên nghiệp họ làm sẽ hiệu quả hơn. Theo đại biểu, với điều kiện đặc thù hiện nay, nhiều đại lý, nhiều môi giới chỉ quan tâm bán được bảo hiểm mà không quan tâm đến quyền lợi của người mua nên vẫn xảy ra tình trạng tranh chấp, phức tạp.
Đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, kinh doanh bảo hiểm là một ngành rất quan trọng, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Việc có quy định pháp luật cụ thể phù hợp với thực tiễn sẽ tạo thuận lợi phát triển thị trường bảo hiểm.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế góp ý dự thảo Luật
Nhất trí với việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, bởi đây là công cụ giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp khi xảy ra rủi ro, song phải cần bảo đảm quyền lợi cho khách hành, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, dù coi khách hàng là cần bảo vệ, song nếu bảo vệ quá mức lại gây khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm. Vì thế, việc sửa đổi một số điều khoản cần cân nhắc kỹ để không bảo hiểm một cách quá mức không cần thiết cho khách hàng, và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Ban soạn thảo cần tính đến các hình thức giao dịch mới, không theo truyền thống; tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp, không phù hợp với Luật doanh nghiệp.
Liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục rà soát vấn đề này theo hướng bình đẳng quyền giữa người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng (hưởng thụ các dịch vụ). Xác lập một mối quan hệ hợp đồng đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, phù hợp với đặc thù của kinh doanh bảo hiểm, bao gồm kể cả xử lý các vấn đề khi tranh chấp. Ngoài ra Luật kinh doanh bảo hiểm cần phù hợp với môi trường không gian mạng, môi trường số, môi trường điện tử…