Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đến nay sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã được 35 năm. Trong tiến trình ấy, chúng ta không chỉ đổi mới kinh tế, mà còn đổi mới hệ thống chính trị, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Thực tế 35 năm qua cho thấy, đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta là một đòi hỏi khách quan và tất yếu. Đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng ta thể hiện rõ nét trong Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28-5-2013, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Và mới đây nhất, Đại hội XIII của Đảng xác định các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với những định hướng, biện pháp: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội, con người..., đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa…”. Toàn bộ quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta đều phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong hệ thống chính trị nước ta, các cơ quan dân cử (Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp) có vị trí và vai trò hết sức đặc biệt, bởi lẽ đây là cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu nên và đồng thời là cơ quan quyền lực của nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan dân cử của cả nước và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; Hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử ở địa phương và là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Vai trò, nhiệm vụ, vị thế của Quốc hội, HĐND và đại biểu cơ quan dân cử luôn gắn chặt hữu cơ với sự lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ cách mạng. Đó là thực tế đã được kiểm nghiệm, minh chứng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Quan điểm Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và các cơ quan dân cử đã được các địa phương trong cả nước tập trung triển khai quán triệt và xây dựng thành các chương trình hành động cụ thể, trong đó có Thành phố Hà Nội. Năm 2016, Thành ủy Hà Nội khóa XVI ban hành Chương trình số 01-CTr/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016 - 2020”. Năm 2020, Thành ủy Hà Nội khóa XVII tiếp tục ban hành Chương trình 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”. Đây là Chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội, tập trung vào những nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, nhằm xây dựng và củng cố toàn diện hệ thống chính trị của thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của nội dung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được xác định là: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
Kết quả sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội đối với hoạt động của HĐND các cấp thành phố trong thời gian qua
Dưới sự lãnh đạo Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy đảng, HĐND các cấp thành phố Hà Nội thời gian qua đã được củng cố, kiện toàn hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, phát huy vai trò cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; HĐND các cấp đã nỗ lực, cố gắng, năng động, phối hợp chặt chẽ cùng với UBND và các tổ chức chính trị ở địa phương quyết định nhiều vấn đề quan trọng, triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp, góp phần tích cực ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND thể hiện qua những mặt sau:
Một là, lãnh đạo chỉ đạo nâng cao nhận thức trong cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của hội đồng nhân dân - cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã luôn quan tâm lãnh đạo chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Tổ chức chính quyền địa phương; từng bước nâng cao nhận thức trong cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của HĐND; thể hiện qua việc ban hành các Chương trình, Chỉ thị, Đề án…Cụ thể là Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 19-10-2012 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp thành phố Hà Nội”, và hiện đang giao Đảng đoàn HĐND Thành phố tham mưu Đề án của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, về cơ bản, các quận, huyện, thị ủy đều đã xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo về hoạt động của HĐND dưới các hình thức: Chỉ thị, thông tri, kế hoạch, đề án… Nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân các cấp đã từng bước được nâng lên. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy với hoạt động của HĐND cùng cấp được tăng cường. Các cấp ủy Đảng đã có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, thường xuyên hơn đối với hoạt động của HĐND các cấp; nhất là trong việc định hướng những vấn đề quan trọng ở địa phương thuộc trách nhiệm, thẩm quyền quyết định của HĐND.
Hai là, quan tâm kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ của HĐND các cấp.
Việc giới thiệu, bố trí cán bộ là đại biểu HĐND có đủ tiêu chuẩn, năng lực, phù hợp, đúng vị trí công tác, bảo đảm số lượng hoạt động đại biểu chuyên trách và cơ cấu là một trong những nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả hoạt động của HĐND. Đối với HĐND các cấp của thành phố Hà Nội, những đề xuất của HĐND về nhân sự, về bố trí tăng số lượng đại biểu chuyên trách đều được cấp ủy đảng quan tâm, xem xét và tạo điều kiện.
Nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở cấp thành phố: thực hiện những quy định cụ thể của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Đảng đoàn HĐND thành phố đã đề xuất và được Ban Thường vụ Thành ủy nhất trí tăng số lượng đại biểu chuyên trách tại cơ quan HĐND thành phố từ 14% (nhiệm kỳ 2011 - 2016) lên 17%. Số đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố từ đầu nhiệm kỳ là 18 người. Cấp huyện, số lượng đại biểu chuyên trách đầu nhiệm kỳ là 102 người. Cấp xã, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách là 655 đại biểu. Cùng với đó, việc bố trí các đồng chí lãnh đạo HĐND tham gia cấp ủy cũng được tăng cường. Cấp huyện: 38/60 Trưởng ban HĐND tham gia cấp ủy.
Nhiệm kỳ 2021 - 2026: Thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, Thường trực HĐND Thành phố đã chủ động đề xuất với Thành ủy, đề nghị với các cấp có thẩm quyền tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách nhưng không làm tăng biên chế hành chính của Thành phố được giao để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 160/2021/QH14 ngày 08/4/2021 thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội; Chính phủ có Nghị định số 68/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở đó, HĐND Thành phố hiện nay có 19 đại biểu chuyên trách (đạt 20%, tăng 3% so với nhiệm kỳ 2016-2021). Đối với cấp huyện, số lượng đại biểu chuyên trách là 113 người. Cấp xã, có 20/404 Chủ tịch HĐND chuyên trách; 389/404 Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách. Cấp huyện có 35/60 Trưởng ban HĐND tham gia cấp ủy. Trong đó, có 14 Trưởng ban chuyên trách tham gia cấp ủy. Cấp xã đồng chí Chủ tich, Phó Chủ tịch HĐND đều tham gia cấp ủy.
Ba là, lãnh đạo hoạt động của HĐND, chỉ đạo về chủ trương để HĐND thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng nhạy cảm thuộc thẩm quyền của HĐND để phù hợp với thực tiễn.
Định kỳ 6 tháng, 1 năm và trước các kỳ họp HĐND, các cấp ủy đảng bố trí phiên họp của cấp ủy để xem xét tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, thống nhất chủ trương lãnh đạo kỳ họp HĐND, thể chế nghị quyết của Trung ương, của cấp ủy thành nghị quyết của HĐND. Trước mỗi kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND các cấp chủ động báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp về chương trình, thời gian họp HĐND và những nội dung quan trọng, những vấn đề nổi cộm trên địa bàn được phát hiện trong quá trình giám sát của Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND, nội dung được lựa chọn đưa ra thảo luận, chất vấn, quyết định tại kỳ họp HĐND. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng không có nghĩa là cấp ủy làm thay chính quyền, quyết định trực tiếp vào tất cả mọi hoạt động của HĐND mà theo hướng: cấp ủy đảng chỉ bàn, quyết định những vấn đề về chủ trương mang tính định hướng; những giải pháp của cấp ủy đảng là lãnh đạo, chỉ đạo, không phải là giải pháp tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cấp ủy cùng cấp quan tâm nhiều hơn đến những hoạt động của HĐND, nhất là ý kiến đề xuất với cấp ủy về những vấn đề lớn, quan trọng trong chỉ đạo, điều hành chung. Bằng việc định kỳ nghe thường trực HĐND báo cáo hoạt động của HĐND, cấp ủy kịp thời định hướng đối với những quyết sách của HĐND trước mỗi kỳ họp, lắng nghe ý kiến phản ánh của cử tri, đại biểu HĐND và kịp thời chỉ đạo, lãnh đạo những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại địa phương.
Bốn là, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND với UBND, Ủy ban MTTQ cùng cấp và các cơ quan liên quan trong các hoạt động của HĐND và các hoạt động chung của Thành phố…
Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND với UBND, Ủy ban MTTQ cùng cấp và các cơ quan liên quan được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ trên cơ sở tạo điều kiện để mỗi cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy Đảng, trong nhiệm kỳ vừa qua mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020, song HĐND các cấp Thành phố đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, thể hiện được vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân Thủ đô. Hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp được nâng lên, được đánh giá là hình mẫu, điểm sáng trong cả nước. Hoạt động của HĐND các cấp ngày càng dân chủ, thực chất, chất lượng và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động. Những kết quả này thể hiện trên tất cả các lĩnh vực và rõ nét nhất là trong việc quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội, ngân sách, quy hoạch ngành, lĩnh vực của địa phương; giám sát chuyên đề, chất vấn, trả lời chất vấn..., góp phần thể chế hóa kịp thời, đúng đắn đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội của Thành phố. Hoạt động giám sát được tăng cường và có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan từ Thành phố đến cơ sở. Nội dung giám sát tiếp tục có nhiều đổi mới, được thực hiện bài bản, thiết thực, hiệu quả. Hoạt động kỳ họp đã có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng đi vào thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng của Thành phố và các địa phương. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND có nhiều đổi mới, sôi nổi, tâm huyết đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong cử tri và Nhân dân Thủ đô. Công tác tiếp dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân được đổi mới theo hướng gần dân, sát dân và đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc để tồn đọng, kéo dài. Tổ chức bộ máy được củng cố, kiện toàn từng bước ổn định, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động thực tiễn.
Cùng với đó, nhận thức về xây dựng pháp luật có những chuyển biến tích cực, hiệu quả. Phương thức, chế độ làm việc từng bước được cải tiến theo hướng khoa học, nền nếp hơn, phát huy dân chủ, tăng tính chủ động, sáng tạo, phối hợp tốt hơn giữa các đơn vị, cơ quan hữu quan. Các Nghị quyết mà HĐND các cấp của thành phố Hà Nội thông qua trong cả nhiệm kỳ đã tạo cơ sở pháp lý để UBND các cấp xây dựng kế hoạch cả nhiệm kỳ và từng năm, tổ chức triển khai, điều hành thực hiện đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội một cách toàn diện. Kinh tế tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước; thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - văn hoá - xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch đã đề ra, góp phần quan trọng vào phục hồi đà tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Xây dựng và quản lý đô thị có bước tiến bộ, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc được tập trung giải quyết. Kết cấu hạ tầng đô thị tiếp tục được đầu tư mở rộng; bộ mặt Thành phố, kế cả trong nội đô, ngoại thành và vùng nông thôn có khởi sắc. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được quan tâm. Chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân ngày càng được nâng lên; gắn khoa học - công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Công tác giải quyết việc làm được chú trọng triển khai, giảm tỷ lệ hộ nghèo; đảm bảo an sinh xã hội, đời sống Nhân dân ngày càng được quan tâm; chính trị xã hội ổn định, an ninh, trật tự được đảm bảo; quan hệ đối ngoại với quốc tế và các địa phương trong nước được mở rộng; vị thế, uy tín của Thủ đô tiếp tục được nâng cao. Những kết quả đạt được của HĐND các cấp nhiệm kỳ qua đã từng bước khẳng định và nâng cao vị thế của HĐND trong hệ thống chính trị và xã hội, được cử tri và các tầng lớp Nhân dân Thành phố đánh giá, ghi nhận.
Mặc dù vậy, trong hoạt động của HĐND các cấp Thành phố thời gian qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.
Về chất lượng hoạt động: Hoạt động của HĐND ở một số địa phương, nhất là ở cấp xã còn mang tính hình thức, chưa thực sự xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu của cử tri, Nhân dân. Một số Nghị quyết ban hành chưa thực sự phát huy được hiệu quả; các nội dung sau giám sát ở một số nơi còn chậm chuyển biến, hoạt động tiếp xúc cử tri đôi lúc còn hình thức, hoạt động tiếp công dân hiệu quả chưa cao.
Về cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ: Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ở cả 3 cấp chiếm tỷ lệ thấp, đặc biệt là đại biểu HĐND chuyên trách cấp huyện, xã còn ít, rất khó khăn để HĐND tổ chức hoạt động cũng như hoàn thành nhiệm vụ theo quy định. Ở cấp xã, không có bộ máy tham mưu, phục vụ ở HĐND cấp xã nên gần như mọi công việc của HĐND cấp xã đều do một mình Phó chủ tịch chuyên trách đảm nhận. Chất lượng đại biểu HĐND, đặc biệt là ở cấp xã chưa cao, ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện nhiệm vụ. Tỷ lệ Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban HĐND tham gia cấp ủy tuy đã được quan tâm song còn thấp (cấp Thành phố không có Ủy viên Thường trực HĐND tham gia cấp ủy; cấp huyện: có 35/60 (=58,33%) Ủy viên Thường trực tham gia cấp ủy. Trong đó, có 14 Trưởng ban chuyên trách tham gia cấp ủy (= 23,3%). Cấp xã: có 39/404 Phó Chủ tịch là Ủy viên Thường vụ (= 9,6%), 350/404 (= 86,6%) Phó Chủ tịch là ủy viên BCH Đảng bộ.
Một số nguyên nhân khách quan: Các quy định pháp luật về tổ chức và cơ chế hoạt động của HĐND các cấp còn một số hạn chế, chậm được ban hành hoặc hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi như: Quy định số đại biểu chuyên trách ít; số đại biểu HĐND các cấp là cán bộ công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước còn chiếm tỷ lệ lớn; Các ban của HĐND thiếu bộ phận giúp việc ổn định, chuyên sâu; HĐND cấp xã chưa quy định có tổ chức cơ quan chuyên môn giúp việc; các chế độ chính sách chưa thực sự động viên, khuyến khích các đại biểu dân cử hoạt động…
Một số nguyên nhân chủ quan: Thường trực HĐND, các Ban HĐND ở một số đơn vị còn chưa chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tính chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của nhiều đại biểu HĐND còn hạn chế… Trong đó, có nguyên nhân đến từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với HĐND các cấp chưa thật sự kịp thời, đầy đủ: Nhận thức của một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND chưa đầy đủ. Một số cấp ủy cơ sở chưa thật sự quan tâm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND. Công tác tuyên truyền, quán triệt vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND ở cấp địa phương chưa được quan tâm đúng mức….
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 và giai đoạn tiếp theo.
Nhiệm kỳ 2021-2026 và những năm tiếp theo, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặc biệt là dịch Covid19 vẫn diễn biến phức tạp khó lường; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định quan điểm chỉ đạo là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong đó có các cơ quan dân cử.
Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nêu rõ “Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp uỷ đảng về công tác cán bộ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp”.
Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019, Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 28/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Nghị quyết 160/2021/QH14 về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội; nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức bộ máy và hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội có nhiều quy định mới, đặc thù; cùng với đó là yêu cầu đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Thủ đô. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025 là “Tiếp tục đổi mới , nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp và của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội gắn bó mật thiết với xây dựng và phát triển Thủ đô; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn Thành phố…”. Để HĐND các cấp thành phố ngày càng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, trong nhiệm kỳ 2021-2026 và các năm tiếp theo cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp trên cơ sở phát huy các bài học kinh nghiệm các nhiệm kỳ trước và đảm bảo các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với HĐND các cấp là toàn diện, trực tiếp và liên tục; thông qua việc cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án…. xác định đúng và trúng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để HĐND các cấp tổ chức triển khai thực hiện. Các nghị quyết của Đảng đối với HĐND nên là các định hướng lớn mang tính nguyên tắc. Đồng thời, Đảng cũng cần nắm chắc và tuân thủ nguyên tắc: các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thứ hai, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hoạt động của HĐND các cấp. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời có ý kiến đối với hoạt động của HĐND cùng cấp, nhất là trong việc định hướng những vấn đề quan trọng, nhạy cảm ở địa phương thuộc trách nhiệm, thẩm quyền quyết định của HĐND.
Thứ ba, các cấp ủy Đảng phải tăng cường, chú trọng quan tâm đến tổ chức bộ máy và công tác cán bộ của HĐND các cấp, bảo đảm cả về số lượng và nâng cao chất lượng để HĐND các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ được quy định trong Luật. Quan tâm tăng số lượng Ủy viên Thường trực HĐND tham gia cấp ủy cùng cấp, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở cả 3 cấp thành phố, huyện, xã để đảm bảo thực thi tốt nhiệm vụ.
Thứ tư, đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng và bảo đảm tính thượng tôn pháp luật.
Bên cạnh việc các cấp ủy đảng chủ động quan tâm, tạo điều kiện đến hoạt động của HĐND các cấp với những nội dung chính ở trên, HĐND các cấp cũng cần phải hết sức chủ động trong việc nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy ban hành các chủ trương, nghị quyết về hoạt động của hội đồng nhân dân, thể hiện ở một số nội dung sau:
(1) Thường trực HĐND các cấp chủ động tham mưu cấp ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của HĐND trong hệ thống chính trị
Chủ động tham mưu cho cấp ủy ban hành các chủ trương, nghị quyết về hoạt động của HĐND; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước về HĐND nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thành phố về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND; tôn trọng và phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; khắc phục triệt để những quan niệm, nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng về HĐND.
(2) Thường trực HĐND các cấp chủ động tham mưu cấp ủy các nội dung lãnh đạo đối với hoạt động của HĐND.
Chủ động tham mưu, xin ý kiến chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND cấp mình, nhất là những vấn đề nhạy cảm, bức xúc ở địa phương thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND; về nội dung kỳ họp và những vấn đề quan trọng dự kiến thảo luận, quyết định tại kỳ họp bảo đảm các chủ trương lớn của Đảng, của Thành uỷ, của các cấp uỷ phải được kịp thời thể chế hoá về mặt Nhà nước ở địa phương thông qua các nghị quyết tại kỳ họp của HĐND.
Thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động của HĐND, tổng hợp nguyện vọng, kiến nghị cử tri địa phương để xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy.
(3) Tham mưu cấp ủy tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, giới thiệu, bố trí cán bộ là đại biểu HĐND
Chủ động đề xuất và tham mưu cấp ủy trong công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đề cử, bổ nhiệm, luân chuyển đội ngũ cán bộ là đại biểu HĐND, nhất là đối với các đại biểu chuyên trách và đội ngũ cán bộ tham mưu giúp việc trực tiếp cho HĐND.
Tham mưu để cấp ủy giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND đảm bảo chất lượng, cơ cấu; đặc biệt quan tâm những người dự kiến bố trí làm đại biểu chuyên trách nếu trúng cử. Tăng cường số đại biểu chuyên trách có năng lực, dám nghĩ, dám làm, tâm huyết, trách nhiệm với công việc để tham gia vào các Ban của HĐND./.