Ngày 30/5/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, sau khi nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường.
Tham dự ngày làm việc, lãnh đạo thành phố Hà Nội có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP; Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND TP; Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.
Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 về Chương trình giám sát tối cao năm 2022 và Nghị quyết số 19/2021/QH15 ngày 27/7/2021 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan để từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế về quy hoạch.
![](/portal/Photos/2022-05-30/cqh_1007_QHOPyRvCFUadnw9m.jpg)
Toàn cảnh kỳ họp
Qua giám sát cho thấy, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch trong thời gian tới, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. Theo đó, cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành; rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, minh bạch; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch...
![](/portal/Photos/2022-05-30/phó chủ tịch quốc hội trần quang phương_fJnNqUswkdra9xps.jpg)
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu điều hành phiên thảo luận
Dưới sự điều hành phiên thảo luận của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu đã thảo luận về các vấn đề cụ thể được nêu trong báo cáo và những vấn đề các đại biểu quan tâm. Trong đó, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã có những ý kiến đóng góp vào các nội dung thảo luận.
Khẳng định việc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành của Quốc hội là rất đúng, rất cần thiết, đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ Đoàn giám sát tối cao lần này của Quốc hội đã thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn, đặc biệt vào đúng giai đoạn dịch Covid-19 rất trầm trọng.
![](/portal/Photos/2022-05-30/13. nguyễn anh trí - tp.hà nội_YDSkU5BkVkVSx6Ju.jpg)
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội
Thống nhất cao với các nội dung của báo cáo giám sát đã cho thấy công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch hệ thống, quy hoạch quốc gia đã được triển khai tích cực, nhưng chỉ mới đạt được những kết quả bước đầu, Báo cáo đã chỉ ra các nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như chính sách pháp luật quy hoạch còn bất cập từ tư duy, nhận thức, chỉ đạo thi hành, tuyên truyền, tập huấn, công tác tư vấn lập quy hoạch, kinh nghiệm, phương pháp lập quy hoạch, đầu tư cho công tác quy hoạch hệ thống thông tin dữ liệu. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng tin tưởng kết quả giám sát lần này có ý nghĩa để điều chỉnh, thúc đẩy công tác lập quy hoạch của quốc gia, của tỉnh, của các ngành được tốt hơn trong giai đoạn tới.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, đại biểu Nguyễn Anh Trí thống nhất với việc Quy hoạch tổng thể quốc gia nên bao gồm những nội dung định hướng như về định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, định hướng phát triển không gian biển, định hướng sử dụng đất quốc gia; xem xét lồng ghép quy hoạch để bổ sung định hướng phát triển không gian ngầm và quy hoạch xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; quan tâm đến cả việc phát triển du lịch biển để phát triển mạnh mẽ du lịch biển gắn với chủ quyền biển đảo.
![](/portal/Photos/2022-05-30/2. trần việt anh - tp.hà nội_F3W7HPh90O08y6Mh.jpg)
Đại biểu Trần Việt Anh - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội
Đồng tình với Báo cáo của Đoàn giám sát và đánh giá cao việc lựa chọn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch 2017 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019”, đại biểu Trần Việt Anh nhận thấy, quy hoạch chính là công cụ để các cấp, các ngành cụ thể hóa mục tiêu, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật Quy hoạch năm 2017 được đánh giá là công cụ quản lý rất tiến bộ với 8 loại hình, gồm 111 quy hoạch, cấp quốc gia là 42 quy hoạch, cấp vùng là 6 quy hoạch, cấp tỉnh, thành phố là 63 quy hoạch. Với mục tiêu đề ra là thống nhất các quy hoạch theo tầng, bậc để quản lý đồng bộ.
Tuy nhiên sau hơn 3 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế trong việc lập, thẩm định, phê duyệt. Cho đến nay chỉ có 3 quy hoạch cấp vùng, tỉnh được phê duyệt theo Luật Quy hoạch năm 2017.
Qua khảo sát thực tế tại địa phương, đại biểu cho rằng, vẫn còn thiếu công cụ quản lý quy hoạch chuyên ngành, cụ thể là các di sản đô thị do phải tích hợp các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong quy hoạch tỉnh, thành phố.
Hiện nay về nguồn vốn thực hiện quy hoạch đã được Nghị quyết 119 của Chính phủ năm 2021 tháo gỡ nhưng các luật và Nghị định chuyên ngành vẫn chưa kịp như Nghị định 166/2018/NĐ-CP về quy định thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Do đó, đại biểu Trần Việt Anh đề nghị cần một bản quy hoạch chuyên ngành và kĩ thuật chuyên ngành về di sản văn hóa và khảo cổ học để triển khai các dự án không bị dừng lại vì quy hoạch.
Đại biểu cũng kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong Luật Quy hoạch năm 2017 cần phải đồng thời rà soát các luật và hướng dẫn chuyên ngành thì mới có đủ điều kiện thực hiện Luật Quy hoạch. Bên cạnh đó cần được bổ sung, làm rõ về vấn đề thẩm quyền, thẩm định phê duyệt đối với không gian ngầm đô thị.
![](/portal/Photos/2022-05-31/2.kzdfgh5. hoàng văn cường - tp.hà nội_gWg3MUFnlUGmCHpC.jpg)
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội
Bày tỏ tán thành với nội dung báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh việc ban hành Luật Quy hoạch đã giảm được hàng trăm quy định của pháp luật về quy hoạch, giúp giảm chi phí, công sức cho việc lập, thực hiện quy hoạch, xóa bỏ tình trạng chồng chéo, cản trở do phải tuân thủ quá nhiều quy định pháp luật khác nhau. Việc tích hợp quy hoạch đã tạo cơ chế tăng động lực điều phối của Nhà nước, của các ngành, chia sẻ dữ liệu hình thành hệ thống thông tin chung về quy hoạch, nhằm khai thác các nguồn lực một cách thống nhất, công khai, minh bạch, xóa bỏ tình trạng tự điều chỉnh, tự quy hoạch.
Về việc chậm tiến độ quy hoạch, đại biểu nhấn mạnh cần làm rõ nguyên nhân vì sao chậm, vì sao quy hoạch cấp dưới đã được phê duyệt có nguy cơ phải điều chỉnh, và nếu phải điều chỉnh, ai sẽ chịu chi phí bồi thường cho nhà đầu tư. Vì sao một số chỉ tiêu quy hoạch của ngành vừa được phê duyệt đã trở nên không phù hợp.
Nhấn mạnh quy hoạch tích hợp không đơn thuần là ghép nối quy hoạch một cách cơ học đơn thuần, đại biểu cho rằng để thực hiện tốt tích hợp quy hoạch, quá trình lập quy hoạch phải tiến hành đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, để cùng đưa ra các phương án quy hoạch, cùng trao đổi, thảo luận, đi đến phương án chung thống nhất. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, trong các phương án quy hoạch phải quy hoạch các nguồn lực để dành cho phát triển các sản phẩm đã đặt ra trong mục tiêu chiến lược của tỉnh, của vùng, của ngành.
![](/portal/Photos/2022-05-31/28. nguyễn phương thủy - tp.hà nội_JcfEXrDlekiD88D8.jpg)
Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ đánh giá cao kết quả chỉ đạo, lãnh đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như nỗ lực làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ hơn 5 tháng đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn với tinh thần trách nhiệm cao, đã tiến hành rà soát một cách tổng thể việc thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch từ cấp Trung ương cho đến từng địa phương. Đồng thời xây dựng được hệ thống báo cáo rất cụ thể, chi tiết về kết quả giám sát, trong đó đã chỉ ra nhiều vấn đề còn bất cập, hạn chế đang là điểm nghẽn làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lập, phê duyệt hệ thống quy hoạch quốc gia và tổ chức thực hiện các quy hoạch đã có. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc Luật Quy hoạch chậm đi vào cuộc sống và việc để xảy ra chậm trễ trong quá trình lập, thẩm định và quyết định phê duyệt quy hoạch thời gian qua.
Quan trọng hơn, trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã chỉ ra được một loạt các kiến nghị, giải pháp cụ thể có giá trị thực tiễn cao nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cũng như cho việc tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực này.
Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với nhiều nội dung nhận xét, đánh giá được nêu trong báo cáo kết quả giám sát. Tuy nhiên, đối với phần nhận định về tồn tại, hạn chế, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng cần phân tích, đánh giá xác định rõ hơn đâu là những hạn chế, bất cập, có tính thời điểm, bởi đây là lần đầu tiên thực hiện việc lập quy hoạch cho phương pháp tích hợp có sự phối hợp đa ngành và đâu là điểm hạn chế, bất cập, chưa phù hợp sẽ có tác động ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng, hiệu quả của công tác lập, quyết định, tổ chức thực hiện quy hoạch để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là đối với việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Cho rằng việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính quốc gia và từng địa phương là vấn đề còn thiếu sót trong quy định của pháp luật về công tác quy hoạch cần có sự bổ khuyết kịp thời nhưng chưa được nhắc đến trong báo cáo kết quả giám sát cũng như trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung nội dung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính quốc gia, quy hoạch đơn vị hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào hệ thống quy hoạch quốc gia hoặc bổ sung nội dung quy hoạch này thành một nội dung tích hợp trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh để làm cơ sở định hướng cho việc sắp xếp, bố trí không gian phát triển, bảo đảm hiệu quả đầu tư và khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tổ chức bộ máy quản lý hành chính các cấp và trực tiếp làm cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030 trên phạm vi cả nước đúng với tinh thần quy hoạch phải đi trước một bước.
![](/portal/Photos/2022-05-31/31. tạ đình thi - tp.hà nội (tranh luận)_agL-Wv1AYUqmEgQX.jpg)
Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội
Tranh luận làm rõ một số vấn đề tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Đình Thi cho biết, trên cơ sở sự tham mưu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 18 tháng 12 năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Theo đại biểu phân tích, trong Nghị định 148 có nội dung hướng dẫn các địa phương lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo chức năng và các loại đất đến từ các đơn vị hành chính cấp huyện. Về trách nhiệm tổ chức lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh, tại Khoản 6 của Nghị định có nêu rõ: “Cơ quan được giao lập quy hoạch tỉnh có trách nhiệm gửi các tài liệu, số liệu kết quả sau đây về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh”.
Bên cạnh đó, theo Nghị định, việc tổ chức lập và lấy ý kiến phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trước khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh sẽ rút ngắn được thời gian thẩm định quy hoạch tỉnh, đồng thời đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Ngoài ra, theo đại biểu, việc thực hiện đồng bộ với quá trình tổ chức lập quy hoạch tỉnh sẽ rút ngắn được thời gian tổ chức lập, thẩm định quy hoạch tỉnh do nội dung phương án phân bổ quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực và địa phương, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu quốc gia đã khống chế và bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ: Sau một ngày làm việc tích cực, khẩn trương, đã có 39 đại biểu phát biểu ý kiến và 01 ý kiến tranh luận; đại diện Chính phủ có 5 Bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phát biểu trước Quốc hội.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nội dung thảo luận đã bao quát toàn diện, các ý kiến phong phú, sâu sắc, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu đối với công tác quy hoạch; không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đầy trách nhiệm và mang tính xây dựng. Về các nội dung cụ thể, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và quyết tâm của Đoàn giám sát để hoàn thành tốt mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ giám sát chuyên đề của Quốc hội; đồng thời đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ, sự tham gia tích cực, hiệu quả của Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, Kiểm toán Nhà nước, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu Quốc hội góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội, bước đầu tác động tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua thảo luận, một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều ý kiến có giá trị bổ sung cho những nhận định, đánh giá trong Báo cáo giám sát và góp ý kiến trực tiếp vào các nội dung của dự thảo Nghị quyết giám sát. Bên cạnh đó, ý kiến của các Bộ trưởng đã giải trình, làm rõ thêm những vấn đề về quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực được phân công.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trước mắt cần khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, các giải pháp trong trung và dài hạn Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và hoàn thiện các nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua./.